LTS: Bàn về những quy định về chuẩn giáo viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy giáo Thiên Ấn tổng hợp ý kiến một số ý kiến của các lãnh đạo trường học phổ thông về vấn đề này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10 tới đây.
So với Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 10 năm 2009 về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông có 6 tiêu chuẩn với 25 tiêu chí thì Thông tư 20 này, mỗi giáo viên được đánh giá ở 4 mức: tốt, khá, đạt và chưa đạt dựa trên 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí.
Theo đó, giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.
Người đứng đầu (Hiệu trưởng) cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học.
Chuẩn giáo viên lại mang tính hình thức? Ảnh minh hoạ: VTV |
Các cán bộ, thầy cô giáo đã có nhiều tâm tư, ý kiến về Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa được ban hành ngay đầu năm mới 2018-2019.
Thầy Hiệu trưởng ở một trường trung học phổ thông thuộc Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong tất cả tiêu chí về chuẩn nghề nghiệp giáo viên thì tiêu chí nào cũng cần thiết.
Tuy nhiên về tính khả thi của tiêu chí số 14 và 15 về yêu cầu sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin đối với hầu hết nhà giáo khó đạt được, ngay cả nhiều giáo viên ngoại ngữ mà vẫn chưa chuẩn ngoại ngữ, thì nói gì đến các thầy cô giáo dạy những bộ môn khác, nhất là giáo viên lớn tuổi, sắp nghỉ hưu.
Dẫu biết rằng, kiến thức, khả năng vận dụng ngoại ngữ và tin học của người thầy là hai yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế về giáo dục.
Mặt khác, ai ở nhà trường có đủ sức đánh giá, kiểm chứng được khả năng, hiệu quả sử dụng tin học và ngoại ngữ của giáo viên?
Còn chuyện đi học, nộp tiền cho các trung tâm, lấy chứng chỉ thì quá dễ dàng, muốn mấy có mấy.
Trường hợp những giáo viên đạt chuẩn hoặc trên chuẩn ở tiêu chí 14 và 15 thì các cơ sở giáo dục, nhà nước có chính sách đãi ngộ như thế nào để khuyến khích họ và những giáo viên chưa đạt?”
Thầy Võ Thiếu Anh, Phó Hiệu trưởng, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ (huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum) bày tỏ lo ngại:
"Thông tư 20 này khi triển khai thực hiện rất dễ rơi vào hoàn cảnh “chết dở, sống dở” như Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2009.
Toàn xếp loại tốt, khá, toàn hình thức, giấy tờ, biểu mẫu để đóng tập, cất tủ, để đối phó với kiểm tra của cấp trên khi cần đến, chứ chẳng có tác dụng, hiệu quả gì đâu.
Các vị ở trên Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực tế các cơ sở giáo sẽ thấy rõ bệnh thành tích và bệnh hình thức ở đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên theo Thông tư 30”.
"Hơn nữa, Thông tư mới, còn hạn chế ở chỗ, không quy định về việc nếu giáo viên chưa đạt thì phải xử lý ra sao.
Không có chế tài cụ thể thì rất khó để thông tư này đi vào thực chất mà phát sinh một công việc mang tính "sổ sách" cho nhà trường, giáo viên vốn đã rất nhiều áp lực và mỏi mệt”, thầy Anh phân tích thêm.
Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên |
Nhiều thầy cô giáo rất đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) trên báo Người lao động số ra gần đây.
Thầy Lâm chỉ rõ: "Có nhiều cách nâng cao chất lượng giáo viên chứ không phải chỉ áp dụng các tiêu chuẩn cứng nhắc trên.
Điều quan trọng là làm từ gốc, tức là cần siết chặt đầu vào các trường sư phạm; tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá nghiêm túc để đào tạo, cho ra trường những giáo viên thật sự có chất lượng.
Thay đổi cách thi tuyển công chức giáo viên sao cho thực chất, công bằng, hiệu quả.
Để khuyến khích giáo viên tự hoàn thiện mình thì đi kèm chuẩn mới cần có chế độ lương, thưởng tương xứng với các mức độ khác nhau theo bảng đánh giá giáo viên.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các loại chuẩn cho giáo viên, trong khi lương thì không đạt chuẩn để lo đủ cho đời sống của họ thì thật vô lý.”
Mới đây, trong bài viết: "Chồng chéo và khập khiễng trong chuẩn giáo viên và Nghị định 56” đăng trên mục Tư vấn pháp luật, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 9/9, tác giả Sông Trà đã nêu ra những bất cập, chồng chéo khi ở các cơ sở giáo dục phổ thông cùng một lúc đang tồn tại nhiều cách đánh giá, phân loại nhà giáo khác nhau, theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, theo quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức và viên chức trong hệ thống hành chính, sự nghiệp.