Chúng ta bắt học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì?

29/12/2017 07:16
Hà Linh
(GDVN) - “Kỳ thực đến giờ, tôi vẫn không hiểu nhồi nhét học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì?”, thầy Khang băn khoăn.

Vào tháng 6/2017, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 đã giảm được tình trạng học thêm, dạy thêm, luyện thi ở cấp tiểu học”. [1]

Được biết, năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. 

Tuy nhiên, tại khoản 2, điều 4 ở dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/201 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố có nội dung: 

“Tuyển sinh Trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Lúc này nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, nếu cơ sở giáo dục được phép tuyển sinh theo hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực thì tình trạng dạy thêm, học thêm, luyện thi ở cấp tiểu học có xuất hiện?

Ảnh minh họa: Khôi Trần / Giaoduc.edu.vn
Ảnh minh họa: Khôi Trần / Giaoduc.edu.vn

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) thừa nhận:

Dạy thêm, học thêm không xấu vì Lênin đã từng khuyên: “Học, học nữa, học mãi”. Nhưng biến tướng của dạy thêm, học thêm là hành vi không thể chấp nhận được. Thế nhưng giáo viên nằm trong số này không nhiều, không phổ biến. 

Mấy năm trở lại đây xã hội đấu tranh gay gắt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan bởi lẽ, đúng là có tình trạng một vài giáo viên buộc học trò phải tới học thêm cô hoặc lớp do cô tổ chức.

Rõ ràng những hình thức biến tướng này có liên quan đến phạm trù đạo đức của người dạy. 

Tôi là một giáo viên, tôi phản đối hành vi giáo viên đẩy học trò tới đường cùng là phải đi học thêm. Bởi đôi khi cô dạy môn mà học trò không cần học thêm hoặc lớp do cô tổ chức nhưng vẫn dùng mọi cách “ép buộc” đứa trẻ”, ông Khang bày tỏ quan điểm. 

Vậy dạy thêm, học thêm tràn lan có phải do cách tuyển sinh?

Theo Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), học thêm không hẳn bắt nguồn từ thầy cô, phụ huynh hay học sinh.

Nó bắt nguồn từ nền giáo dục nặng nề kiến thức bác học, thiên về lý thuyết, nặng về hình thức thành tích, thiếu thực hành, thiếu kỹ năng. 

Chúng ta bắt học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì? ảnh 2

Lý do nào khiến thầy Hiển, thầy Luận "cấm tuyệt đối" thi tuyển sinh lớp 6?

Ông Khang nêu ý kiến:

Trước đây, trong kỳ thi đại học trường nào ra đề trường ấy nên mới xuất hiện các “lò luyện thi” ngay tại chính các trường đại học đó”. 

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận lại rằng, nhiều khi giáo viên dạy thêm không phải chỉ vì cô giáo muốn có thêm thu nhập mà đó là nhu cầu thực sự của phụ huynh. 

Đó là những học trò muốn “chạy đua” vào trường “hot”, nhưng thực tế, số trường “hot” không nhiều nên lượng học sinh đi luyện thi cũng không nhiều, không phải cả xã hội đi học thêm.  

Do vậy, nhu cầu đi học thêm không phải chỉ do áp lực từ các kỳ thi tuyển sinh mà còn do áp lực về kiến thức đối với học sinh”, ông Khang bày tỏ quan điểm. 

So sánh chương trình sách giáo khoa hiện hành (còn gọi là chương trình 2000) với chương trình sách giáo khoa năm 1979, ông Khang cho rằng:

Chương trình năm 2000 nặng tới mức không tưởng đối với học sinh phổ thông.

Kiến thức quá cao siêu, uyên bác tạo áp lực cho học sinh và giáo viên, không đem lại tác dụng gì cho trẻ vì trong cuộc sống sau này ít áp dụng, thậm chí là không áp dụng được gì”. 

Đó là việc giáo viên dạy 45 phút/ tiết học sinh chưa hiểu hết, hiểu sâu được bài nên những học sinh có ý thức học tập, có mục tiêu phấn đấu buộc phải đi học thêm để tìm hiểu kỹ hơn về nội dung đó. 

Mặc dù, đến nay Bộ đã 3-4 lần ra văn bản giảm tải chương trình hiện này nhưng rõ ràng, nếu chúng ta chỉ cắt giảm cơ học bỏ chỗ này, bỏ chỗ kia thì đó chỉ là giải pháp tình huống. 

Chúng ta bắt học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì? ảnh 3

Những điều chỉnh mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh lớp 6, lớp 10

Còn giờ, giảm tải hay không thì chờ chương trình bộ môn của chương trình giáo dục phổ thông mới công bố thì sẽ rõ. 

Ông Khang nêu ví dụ ở môn Toán, nếu chương trình năm 1979, học sinh lớp 12 chỉ học đến đạo hàm là kết thúc chương trình học nhưng chương trình năm 2000 đòi hỏi học trò phải học đến vi phân, tích phân. 

Kỳ thực đến giờ, tôi vẫn không hiểu nhồi nhét học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì?”, ông Khang băn khoăn. 

Hay trong chương trình môn Lịch sử bậc trung học cơ sở có bài “Kinh tế thời Hồ Qúy Ly” để bắt học sinh phải tìm hiểu sâu về kinh tế, nguồn gốc tiền tệ Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ đó. 

Học sinh lớp 7, lớp 8 học sâu những vấn đề đó để làm gì để rồi học xong lại quên? Sao không để sau này em nào muốn nghiên cứu về kinh tế, tiền tệ thì tìm hiểu sâu?”, thầy Khang nói. 

Học xong, không ứng dụng được gì mà chỉ mục đích vượt qua kỳ thi học kỳ, kỳ thi đại học. Đây mới chính là vấn đề tạo ra áp lực lớn dẫn tới dạy thêm, học thêm, “lò luyện thi”. 

Đừng nói tuyển sinh là nguyên nhân gây nên vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan mà theo tôi, chỉ khi nào ngành giáo dục giảm tải được kiến thức văn hóa trong sách giáo khoa thì hãy nói đến chuyện “dẹp” dạy thêm, học thêm tràn lan”, ông Khang đề xuất. 

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://www.tienphong.vn/giao-duc/bat-cap-bo-thi-vao-lop-6-truong-diem-bo-gddt-noi-gi-1156374.tpo

Hà Linh