LTS: Về ý kiến quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, hai nhà giáo Trần Thị Hồng Trang và Nguyễn Trí Long (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra sự nhầm lẫn của mọi người trong việc hiểu khái niệm trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 hay ngoại ngữ?
Ngày 29/11/2018, tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp diễn ra tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói:
“Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam”.
Mới đây, phát biểu với truyền thông, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh.
Vậy nên, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam, theo ông “trước sau cũng phải thực hiện”.
Là người nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ, chúng tôi khẳng định, không ai nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam cả.
Ngôn ngữ thứ 2 khác ngoại ngữ ở chỗ nào? Ảnh minh họa: http://thptnguyendu.kontum.edu.vn |
Vì hiểu theo cách này thì chỉ duy nhất người Kinh - dân tộc chiếm đại đa số trên lãnh thổ Việt Nam mới xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 (nếu đúng với chính sách ngôn ngữ quốc gia).
Còn 53 dân tộc thiểu số khác thì tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2, vì ngôn ngữ thứ nhất là tiếng mẹ đẻ của mỗi tộc người đó.
Và nếu đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam thì 53 dân tộc còn lại không phải học tiếng Việt, trong khi đây là ngôn ngữ Quốc gia được ghi ở Hiến pháp.
Cho nên, phải gọi tên chính xác, tiếng Anh là ngoại ngữ cho người Việt Nam, vì cộng đồng chúng ta có 54 dân tộc.
Tại sao những quốc gia như Singapore, Malaysia, …hoặc Việt kiều ở Mĩ có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2?
Vì lịch sử của những đất nước này từng là thuộc địa của Anh hoặc cộng đồng này sử dụng tiếng Anh/Mĩ như tiếng mẹ đẻ. Và nếu không có người bản ngữ thì việc giao tiếp tiếng Anh là rất khó khăn giống như thực tế của Việt Nam ngày nay.
Ngay cả những thành phố lớn trên đất nước ta thì số giáo viên thực sự thành thạo tiếng Anh cũng cũng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện vật chất nhìn chung chưa đáp ứng được cho việc dạy học ngoại tiếng Anh.
Ngoài ra, việc học tiếng Anh còn nặng về ngữ pháp, học để thi cử, để lấy bằng cấp, thậm chí sinh viên học đối phó để đủ điều kiện tốt nghiệp,...
Cho nên, ý tưởng biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trên lãnh thổ nước ta ở thời điểm này là điều không tưởng.
Ngôn ngữ thứ 2 khác ngoại ngữ ở chỗ nào?
Dựa vào 8 tiêu chí sau để phân biệt sự khác nhau giữa ngôn ngữ thứ 2 và ngoại ngữ:
STT |
Tiêu chí |
Ngôn ngữ thứ 2 |
Ngoại ngữ |
1 |
Môi trường |
- Trong mọi hoàn cảnh, có thể coi đây là tiếng mẹ đẻ thứ hai. - Được sử dụng phổ thông. |
- Có hoàn cảnh cụ thể, trong vài trường hợp nhất định như giao tiếp với người nước ngoài. - Gói gọn trong phạm vi nhỏ, thường là ở trường. |
2 |
Độ tuổi bắt đầu |
- Khi trẻ em bắt đầu nhận thức được thế giới bên ngoài. |
- Tùy thuộc vào chương trình giảng dạy, sự đầu tư của cha mẹ. |
3 |
Kỹ năng |
- Phát âm chuẩn, khả năng dùng từ chính xác. |
- Những người học ngoại ngữ sẽ có thế mạnh về ngữ pháp, từ vựng. |
4 |
Mục tiêu |
- Hào hứng trong việc học, hoặc bắt buộc phải học do ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống. |
- Có nhiều lí do để đáp ứng những mục đích khác nhau: luyện thi chứng chỉ, đi du học, định cư, học để hoàn tất chương trình ở trường. |
5 |
Thước đo thành công |
- Tùy thuộc và khả năng giao tiếp, kĩ năng làm việc. |
- Thể hiện qua điểm số trên trường hoặc các bằng cấp chứng chỉ. |
6 |
Quá trình tiếp nhận |
- Tiếp nhận theo cảm thức, phản xạ tự nhiên. - Thường xuyên bổ sung vốn từ trong đời sống. |
- Đặt nặng từ vựng, ngữ pháp đúng, sai rõ ràng. - Kĩ năng nghe, nói hạn chế. |
7 |
Ảnh hưởng |
- Có tầm ảnh hưởng lớn, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người sử dụng. |
- Chỉ có ảnh hưởng nhỏ và không có tác động trực tiếp đến sự thành bại của người học. |
8 |
Tính cách người học |
- Tâm lí thoải mái, tự chủ trong việc học và học mọi lúc mọi nơi bằng nhiều kênh hoặc nhiều cách thức khác. |
- Kiên trì, có kĩ năng học bài và nhớ bài tốt. |
Cần làm gì để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ?
Để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cần rất nhiều yếu tố, đó là:
Thứ nhất, giảm sĩ số lớp học: Giáo không thể tổ chức tốt các hoạt động để rèn luyện các kĩ năng giao tiếp khi sĩ số lớp học quá đông, từ 45-50 học sinh/lớp.
Cần giảm xuống từ 25-30 học sinh lớp, nhưng như vậy lại vướng phải yêu cầu giảm biên chế của Bộ Nội vụ.
Thứ hai, cần tăng thời lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông lên.
Hiện nay, các cấp học chỉ được dạy 2-3 tiết/tuần là quá ít, cho nên các em chưa có nhiều thời lượng thực hành tại lớp.
Thứ ba, đổi mới thi cử, đánh giá: không đặt nặng thành tích, tổ chức kiểm tra đánh giá đầy đủ 4 kĩ năng nghe - nói - đọc - viết đúng chuẩn.
Hiện tại, nhà trường chỉ mới kiểm tra chủ yếu 2 kĩ năng đọc, viết, còn nói-nghe rất yếu kém.
Đối với kỹ năng nghe, giáo viên thường chỉ ra đề bám vào các file (tập tin) nghe lấy từ trong sách giáo khoa.
Điều này khiến việc đánh giá kỹ năng nghe không đạt hiệu quả như mong muốn khi học sinh đã được học bài đó trong chương trình trước đó rồi. Chưa kể bài kiểm tra nghe “đúng chuẩn” thường phải có yêu cầu cao hơn.
Thứ tư, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên đáp ứng cho yêu cầu cao hơn trong công việc. Sau bồi dưỡng, các cấp có thẩm quyền cần tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực giáo viên theo khung tham chiếu châu Âu.
Dứt khoát tinh giản biên chế những giáo viên không đáp ứng được quy chuẩn hoặc điều chuyển sang công việc khác.
Thứ năm, đưa vào sử dụng các bộ sách giáo khoa tiếng Anh có chất lượng, nên ưu tiên dùng các sách do các nhà xuất bản có uy tín của nước ngoài xuất bản như Oxford, Cambridge, Longman hay Express,...