Chúng ta đều biết rằng, trong nhà trường phổ thông môn Ngữ văn có vị trí quan trọng hàng đầu.
Học Văn là cơ sở giúp học tốt các môn học khác, nhưng trước hết môn Văn trong nhà trường có giá trị tự thân.
Môn Văn giúp người học có được năng lực ngôn ngữ: nói và viết mạch lạc, tư duy, lập luận chặt chẽ…
Môn Văn góp phần rèn luyện các kĩ năng (mềm và cứng), góp phần giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách.
Trong chương trình môn Ngữ văn, mục tiêu giao tiếp được đặt lên hàng đầu vì đó là “đặc trưng cơ bản của môn Ngữ văn và đó cũng là yêu cầu có tính mở đường đối với các mục tiêu khác”.
Theo định hướng tiếp cận năng lực cá nhân, chương trình đào tạo cần phải được thiết kế mềm dẻo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu cá thể hóa… nhằm giúp người học đạt được các mục tiêu về năng lực theo chuẩn đầu ra.
Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về việc xây dựng chương trình đào tạo mang tính mở hướng đến việc đánh giá năng lực và kĩ năng của học sinh chứ không chú trọng kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo Khoa Ngữ văn (Đại học sư phạm Thái Nguyên) khi thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.
Về giáo trình phát triển theo hướng mở, khoa Ngữ văn (Đại học sư phạm Thái Nguyên) yêu cầu giảng viên biên soạn giáo trình đề cương bài giảng mới, tạo nhiều cách tiếp cận (Ảnh minh họa: Nhà trường cung cấp) |
Vị lãnh đạo này cho hay, theo định hướng chung là cần phải tăng cường vốn sống, kỹ năng, trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế cho sinh viên Ngữ văn để sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tự lập, tự tìm kiếm cơ hội việc làm đặc biệt là việc làm đúng chuyên ngành.
Do đó, Khoa Ngữ văn đã, đang và sẽ đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, cụ thể, năm 2015, thực hiện theo Nghị quyết 29 TW, Nghị quyết Đảng ủy Trường, Khoa điều chỉnh lại chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện của sinh viên sau khi tốt nghiệp gồm có năng lực chung của giáo viên, năng lực đặc thù chuyên ngành, kỹ năng mềm bổ trợ.
Quá trình điều chỉnh chuẩn đầu ra có sự tham gia của các bên liên quan.
Dựa trên chuẩn đầu ra, Khoa phát triển chương trình đào tạo và chương trình môn học, đổi mới quá trình tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực và đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình và chất lượng đào tạo.
Cụ thể, về giáo trình phát triển theo hướng mở, khoa Ngữ văn yêu cầu giảng viên biên soạn giáo trình đề cương bài giảng mới, tạo nhiều cách tiếp cận, có tính cập nhật đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới, rèn sinh viên có tính tự lập cao, chủ động trong mọi hoàn cảnh, điều kiện.
Trường sẽ làm thế nào để sinh viên sư phạm tốt nghiệp có việc làm? |
Về phương pháp dạy học, Khoa Ngữ văn đổi mới đang dạng và linh hoạt thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, tác động làm thay đổi nhận thức thay đổi tư duy, hình thành rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, phát huy tính chủ động sáng tạo của sinh viên.
Theo đó, Khoa áp dụng các phương pháp, hình thức giảng dạy mới (giảng dạy trực tuyến, tư duy phản biện, lớp học đảo ngược…); mở rộng và đa dạng các hình thức tổ chức dạy học (thực tế trải nghiệm ở nhiều không gian khác ngoài lớp học);
Và đưa sinh viên tiếp cận môi trường giáo dục phổ thông sớm ngay từ những năm đầu học tập ở giảng đường đại học, đa dạng hóa các hình thức học tập của sinh viên nhằm tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên.
Khoa Ngữ văn cũng chú trọng và triển khai hoạt động kiến tập, thực tập sư phạm theo kế hoạch đào tạo của Nhà trường, trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng sư phạm ngay từ năm thứ nhất thông qua nhiều hoạt động chính khóa, ngoại khóa, chuyên môn, các hoạt động Đoàn - Hội.
Bên cạnh đó, Khoa Ngữ văn hướng tới việc đa dạng hóa hoạt động kiến tập, thực tập sư phạm thông qua việc cho sinh viên chủ động đăng ký thực tập tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao, mở rộng môi trường thực tập chuyên môn (ngoài việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục sinh viên có thể thực tập nghề tại các Viện Nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn …).
Lãnh đạo Khoa Ngữ văn cũng tiết lộ, qua quá trình đổi mới chương trình đào tạo thời gian qua đã giúp giảng viên cập nhật đổi mới giáo trình bài giảng, nâng cao trình độ chuyên môn, có nhiều bài báo khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp;
Và giúp sinh viên năng động, sáng tạo, tích cực trong việc trau dồi tri thức, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp.
Khi phóng viên hỏi về chủ trương “đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng” đã được Khoa Ngữ văn có kế hoạch ra sao thì nhận được chia sẻ:
“Trong nhiều năm qua, khoa Ngữ văn đã thực hiện liên kết toàn diện với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và trường trung họ phổ thông Thái Nguyên, trường Trung học phổ thông Vùng Cao Việt Bắc để giảng dạy tại trường phổ thông, chấm thi giáo viên giỏi các cấp.
Đồng thời mời giáo viên phổ thông tham gia quá trình đào tạo và tuyển dụng nhân sự, gửi sinh viên thực tập, thực tế tạo cơ hội để sinh viên tìm kiếm việc làm…”.
Ngoài ra, Khoa chủ động kết nối với các trường phổ thông trong việc đào tạo sinh viên sư phạm, mời giáo viên phổ thông đến dạy mẫu cho sinh viên, giáo viên phổ thông đến hướng dẫn sinh viên trước mỗi kỳ kiến tập thực tập sư phạm, cùng tham gia chấm thi nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên…
Và Khoa giới thiệu việc làm cho sinh viên khá, giỏi khi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông có nhu cầu tuyển nhân sự.
Đặc biệt, thông qua sát hạch sinh viên theo yêu cầu chuẩn đầu ra, những sinh viên Giỏi thường được Khoa quan tâm bồi dưỡng học tiếp ở bậc học cao hơn và những sinh viên khác có nguyện vọng được giới thiệu công việc ở các trường công lập, tư thục, trung tâm ôn luyện kiến thức, giảng dạy gia sư.
Theo lãnh đạo Khoa Ngữ văn (Đại học sư phạm Thái Nguyên), để tránh lãng phí, giảm dần sự mất cân đối cung cầu giữa đào tạo sư phạm và nhu cầu tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cần tăng đầu tư cho sinh viên sư phạm và tuyển dụng nhân lực khi ra trường theo nhu cầu của xã hội.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đầu vào đối với học sinh có nguyện vọng thi vào các trường Sư phạm, có chế độ ưu đãi trong quá trình học tập, đặc biệt có cơ chế phân công việc làm phù hợp cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.