Chương trình mới thì học tủ...hết đất sống

24/01/2018 06:16
Thùy Linh
(GDVN) - Người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Cụ thể, đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 – 2022.

Lộ trình cụ thể như sau:

Năm học 2019 - 2020 triển khai ở lớp 1;

Năm học 2020 - 2021: lớp 2 và lớp 6;

Năm học 2021 - 2022: lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

Năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Năm học 2023 - 2024: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong sách giáo khoa. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong sách giáo khoa. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Được biết, chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung vào 4 đặc điểm lớn. Đó là các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể;

Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; thực hiện tích hợp các môn và liên môn và áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động.

Theo dự thảo, chương trình môn Ngữ văn sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học.

Trước băn khoăn của phóng viên về việc khi giáo viên có thể tự lựa chọn tác phẩm văn học để giảng dạy liệu có ảnh hưởng đến việc thi, đánh giá của học sinh. 

Trả lời vấn đề này, tại buổi họp báo ngày 19/1, Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên môn ngữ văn cho biết:

Liên quan tới đánh giá thi cử, đúng là đánh giá phải thay đổi. Môn ngữ văn mới mở độ rộng cho giáo viên tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo.

Để ứng với chuyện chương trình mở như thế, yếu tố quan trọng nhất chính là chuẩn chương trình và yêu cầu cần đạt được của chương trình chứ không căn cứ vào bất cứ sách giáo khoa nào.

Người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong sách giáo khoa.

Chúng ta cần dạy cho học sinh cách đọc văn bản. Như vậy, hoàn toàn có thể đo được năng lực vận dụng thực hành từ các lí thuyết đã được học để giải quyết một tình huống mới”.

Chương trình mới thì học tủ...hết đất sống ảnh 2Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Soạn thảo chương trình có quyền viết sách giáo khoa!

Tương tự, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên môn khoa học tự nhiên nhấn mạnh xu hướng trên thế giới chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực.

Chúng ta nhấn mạnh phát triển năng lực thì phải trả lời câu hỏi học sinh học xong thì làm được gì chứ không phải là học được gì.

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, đề thi môn ngữ văn trước đây chỉ gói gọn trong một số tác phẩm văn học có trong sách giáo khoa.

Nhưng lần này, đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, phẩm chất người học, chứ không kiểm tra nội dung kiến thức học thuộc, các em học sinh hoàn toàn có thể sử dụng các ngữ liệu khác nhau để đáp ứng yêu cầu của đề thi.

Thùy Linh