Trong chuyến công tác tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Phúc) khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức “Hội thảo khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” vào giữa tháng 10/2017, tôi có dịp được nghe kể về tấm gương dạy giỏi của cô giáo Phạm Thị Phương.
Hướng nghiệp đang là một khâu yếu của giáo dục phổ thông hiện nay (ảnh Học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Viết Xuân tại "Hội thảo khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0", ảnh Trinh Phúc. |
Kể về cô Phạm Thị Phương, cô Hiệu trưởng Trần Thị Tân đã dành một sự tôn trọng tuyệt đối.
Cô Hiệu trưởng kể rằng, ở trường Nguyễn Viết Xuân có được nhiều thế hệ học trò đam mê môn Sử, chọn các chuyên ngành liên quan đến khoa học lịch sử sau khi rời ghế nhà trường phổ thông phần lớn nhờ công lao của cô Phương.
Không những thế, nhờ vào sự truyền lửa của cô giáo Phương mà nhiều học sinh của trường đã liên tiếp đỗ vào khoa Lịch sử tại một số trường sư phạm ở khu vực phía Bắc và cả trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhưng buồn thay, đến nay nhiều học trò năm xưa đam mê Sử học, chọn khoa Lịch sử khi vào trường đại học, khi ra trường thì không xin được việc làm, nay phải đi làm công nhân.
“Dẫu vậy nhưng đến nay vẫn có nhiều học sinh của trường theo đuổi niềm đam mê Sử học lắm”, cô Tân kể.
Từ thực tế cho thấy, tình trạng học trò phổ thông chán môn Lịch sử, quay lưng với môn học này được nhìn nhận là một sự bất cập của giáo dục nhiều năm nay cho nên người truyền được ngọn lửa đam mê sử học như cô Phương thật đáng quý.
Rồi lại được nghe câu chuyện từ cô Hiệu trưởng Trần Thị Tân đã thôi thúc tôi mong muốn được gặp người giáo viên truyền lửa Lịch sử cho biết bao thế hệ học trò ở ngôi trường này.
Thật may mắn, tôi đã có dịp gặp cô Phương.
Với nụ cười hiền hậu, phong thái tự tin, giản dị, dễ gần của cô nên chỉ sau vài phút làm quen thì cuộc trò chuyện giữa tôi và cô Phương đã trở nên thân thiết hơn.
Cô Phạm Thị Phương người bên phải và tác giả bài viết (ảnh Hồng Nhung). |
Cô bắt đầu tâm sự với tôi về cơ duyên đến với nghề sư phạm và nhân duyên đến với môn Lịch sử. Ngồi đối diện, cô vừa nói mà ánh mắt của cô đã cho tôi thấy dạy học Lịch sử đến với cô Phương như một cái duyên mà cuộc đời đã ban tặng tới cô.
“Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ sử học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi ra trường và đi dạy luôn.
Kể từ đó tôi mang trong mình lòng nhiệt huyết là phải làm thế nào nhiều học sinh hiểu được môn Sử và nhận thức được môn Sử có ý nghĩa với cuộc sống” – cô giáo Phương tâm sự.
Học trò hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thời đại 4.0, con có bị thất nghiệp không? |
Từ mong muốn giản dị đó, cô Phương liên tục phấn đấu trau dồi nghề nghiệp, tìm phương pháp hay để giúp học sinh hiểu rằng, những sự việc đã xảy ra trong quá khứ đều rất có ý nghĩa với hiện tại và tương lai.
Cứ như thế, ngày qua ngày, cô giáo trẻ năm đó luôn tìm mọi cách truyền tải các bài dạy lịch sử sao cho sinh động và gần gũi nhất tới học trò của mình.
Càng dạy, cô Phương càng nhận ra những vấn đề xảy ra trong hiện tại đều có thể giải quyết được thông qua bài học được rút ra từ quá khứ.
“Vì suy nghĩ vậy, nên tôi đã dạy học sinh một cách say mê bằng những kiến thức mà bản thân có được.
Thực sự khi đó tôi rất vui vì có nhiều học sinh hào hứng với những bài giảng của mình” – cô Phương nói.
Tâm huyết với nghề và sự nghiệp như vậy, nhưng cô Phương chưa bao giờ cho phép bản thân thỏa mãn với chính mình, mà cô liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Cô Phương tâm sự rằng: “Việc dạy không phải lúc nào cũng thành công. Với những thế hệ học sinh đi qua mình luôn nghĩ về cái chưa đạt, mình luôn nghĩ thế để phấn đấu, hoàn thiện các bài giảng của mình.
Nhưng cái được mà mình luôn tự hào đó là mỗi thế hệ học sinh đi qua rồi trở lại với cô bằng niềm vui, sự tôn trọng nên mình nhận ra là đã làm được điều gì đó rất ý nghĩa”.
Thủ khoa 'nuôi lợn' vẫn đợi Hà Giang, không được sẽ về Hà Nội dạy |
Chính vì yêu nghề, trách nhiệm với từng bài giảng, cô giáo Phương đã thắp lửa cho nhiều thế hệ học sinh đam mê môn sử.
Nhiều học sinh theo khối C đã chọn chuyên ngành sử học làm lối đi lập thân để vào đời.
Việc nhiều học trò chọn sử học để vào đại học là một chuyện mừng nhưng qua trao đổi với cô Phương, có thể thấy việc nhiều học sinh theo học môn này khiến cô Phương thấy lo lắng.
Cô cho rằng, đã nhiều lần tâm sự với nhiều thế hệ học sinh, bây giờ khoa học xã hội chọn nghề khó, các em chọn sử học làm con đường lập thân ra trường rất khó xin việc.
Việc nhiều em chọn sử để học ở bậc đại học khiến cô Phương trăn trở nhiều. Có những học sinh rất nghèo chọn học sử khiến cô Phương phải khuyên bảo rằng: “Các em học lấy kiến thức cô rất đồng ý, còn học theo ngành này để kiếm sống có lẽ rất khó khăn”.
Nhưng nhiều học sinh vẫn theo đuổi niềm đam mê sử học.
Từ khi học trò rời ghế phổ thông cho đến lúc trưởng thành cô giáo Phương luôn dõi theo từng bước đường của các em.
Cô Phương kể rằng: “Những học sinh của mình như thế nào mình đều nắm được. Mình luôn quan tâm rằng các em có việc làm không, làm có đúng chuyên ngành hay đi làm công nhân?”.
Bởi thực tế đáng buồn là, đa số học sinh của cô Phương chọn học sử học phải đi làm công nhân để kiếm sống, số đó chiếm đến 70%.
Nhiều em cầm tấm bằng giỏi của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội ra trường không có cơ hội việc làm đành đi làm công nhân ở các khu công nghiệp để kiếm sống.
Tỷ lệ mà cô Phương nói ra khiến người viết giật mình, thậm chí nhói đau. Một tỉ lệ quá lớn đối với những em đã chọn theo đuổi đam mê sử học. Khi nhìn vào con số tổng kết 70% học sinh của cô Phương có thể gọi đó là con số bi kịch.
Tâm thư của "những nhà giáo già" gửi Hội đồng Quốc gia Giáo dục |
Thế nhưng có một điều rất lạ, cô Phương kể rằng những em học sử đi làm công nhân về cũng rất vui vẻ khi gặp cô. Nhiều em lương cao, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ tháng.
Lý giải về điều này, cô Phương nói: “Nhiều em khởi đầu làm công nhân nhưng sau đó nhờ trình độ, biết vươn lên nên được sử dụng vào các công việc văn phòng ở khu công nghiệp.
Mặc dù vậy, tôi cảm thấy tiếc vì học trò học sử nhưng ra trường không có cơ hội được tuyển dụng và thể hiện năng lực đúng với niềm đam mê của mình”.
Câu chuyện của cô Phương và học trò đam mê sử học ở trường Phổ thông Trung học Nguyễn Viết Xuân một lần nữa cho thấy việc lựa chọn nghề nghiệp đối với học sinh phổ thông hiện nay rất bất cập.
Việc yêu sử, truyền ngọn lửa đam mê sử học của cô Phương là một tấm gương dạy giỏi. Nhưng, việc học sinh đổ xô đi học sử cuối cùng về làm công nhân là một sự lãng phí trí tuệ, thời gian, công sức của các em.
Chỉ mong rằng, với chương trình “Hội thảo khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cùng với diễn giả Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng sẽ mang đến cho các em góc nhìn mới về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Để mỗi em học sinh và các giáo viên nhận thức được tình yêu đam mê học tập và lựa chọn nghề nghiệp là quan trọng vô cùng để có một tương lai ổn định trong thời đại 4.0 khi sự cạnh tranh nghề nghiệp rất khó khăn, đòi hỏi người lao động nhiều kỹ năng, có tay nghề và kỹ thuật cao.