Mặc dù bị liệt nửa người nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài giảng dạy tiếng Trung kèm những kiến thức ngoài xã hội miễn phí cho hàng trăm trẻ em địa phương. Người đó chính là ông giáo tàn tật Hà Văn Đồng, sinh năm 1958, ở thôn Pó Háng, xã Trường Hà (Hà Quảng – Cao Bằng).
Từ Thành phố Cao Bằng men theo đường tỉnh lộ 203, vượt qua quãng đường hơn 30 km với nhiều dốc dác ngoằn nghèo chúng tôi cũng đến được ngôi nhà của ông giáo Hà Văn Đồng.
Khi nhắc đến ông giáo tàn tật Hà Văn Đồng mọi người trong làng Pó Háng đều biết đến bởi đức tính tốt bụng, dạy học miễn phí tiếng Trung cho biết bao thế hệ các cháu nhỏ trong làng.
Qua quan sát của chúng tôi, căn nhà cấp bốn chật hẹp của ông giáo Đồng với những vật dụng đơn sơ nhưng không khí học tập của các cháu nhỏ cùng những bài giảng của ông giáo Đồng rất vui nhộn và hữu ích.
Ông giáo Đồng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về những tháng năm đầy khó khăn, thử thách trong quân ngũ, thời kỳ ấy ông đã khổ luyện để học tập tiếng Trung và được làm phiên dịch viên.
Sau khi học hết văn hóa 10/10, năm 1976 ông giáo Đồng ra nhập quân ngũ và được đơn vị cử đi học tiếng Trung, luyện học một thời gian hơn 3 năm sau đó ông lại trở về công tác trong lực lượng biên phòng huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Chỉ sau trận ốm nặng, ông giáo Đồng bắt đầu bị đau lưng rồi đau dây thần kinh tọa kéo dài xuống đến hông, đôi chân của ông ngày nào đã bị teo, đi lại rất khó khăn…thấy bệnh tình như vậy cả đơn vị ai cũng thương xót cho số phận ông.
Rời quân ngũ trở về với quê hương với thân thể tật nguyền, mọi sinh hoạt đối với ông giáo Đồng dường như rất khó khăn, ông phải bò lê khi di chuyển, bố mẹ đặt đâu ngồi đấy, khi nhận thấy ông giáo Đồng như vậy người vợ cũng bỏ đi. Sau đấy với nghị lực "tàn nhưng không phế" ông đã mở một lớp học tại nhà để phổ biến kiến thức, tiếng Trung cho nhiều cháu nhỏ trong làng.
Ban đầu chỉ một vài học sinh đến theo học, với những kiến thức vốn có ông giáo Đồng đã chỉ bảo, hướng dẫn tận tụy cho các cháu biết đọc biết viết tiếng Trung, về sau được sự ủng hộ của gia đình và người dân trong làng ông lại được nể trọng và được nhiều người tặng sách, vở làm tư liệu dạy học.
Các cháu nhỏ rất thích đến học tại nhà ông giáo Hà Văn Đồng bởi sự tận tụy, chỉ bảo cho các cháu học hành đến nơi, đến chốn (ảnh Thanh Bình) |
Chiếc giường của gia đình ông Hà Văn Đồng cũng thành nơi học tập của các cháu nhỏ trong làng (ảnh Thanh Bình) |
Nhiều phụ huynh trong và ngoài xã Sóc Hà thấy lớp học của ông giáo Đồng có hiệu quả nên đã dẫn con đến xin được “tầm sư học đạo”.
Ông Thín (58 tuổi) người dân thôn Pó Háng cho biết: “Chỉ với ngôi nhà cấp bốn nhưng thầy giáo Đồng đã tạo ra một không khí lớp học được các em nhỏ thích thú, nhiều lần chúng tôi đi làm qua vẫn nghe thấy tiếng bi bô học bài của các cháu nhỏ, đây cũng là một niềm an ủi, vui mừng đối với người dân chúng tôi khi các cháu được mở mang kiến thức mà không mất một đồng tiền nào".
“Tại căn nhà nhỏ cấp bốn của thầy Đồng đã “đưa đò” trên 100 các thế hệ học sinh vượt vũ môn, thầy cũng không còn thống kê được có bao nhiêu em học sinh đã thi đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng khoa tiếng Trung trên cả nước bởi con số đó sẽ một ngày dài thêm”anh Nông Văn Tân, người dân cùng xóm chia sẻ thêm .
Dù ông giáo Đồng chưa qua một trường lớp đào tạo bài bản nào về nghiệp vụ sư phạm, nhưng cách giảng dạy và sách vở, giáo trình hướng dẫn các em học tập đều được ông cố gắng soạn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Những thành công của các cháu nhỏ trên đường đời là niềm khích lệ lớn lao, là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ đối với tôi thầy Hà Văn Đồng (ảnh Minh Thông) |
Em Nông Thị Huyền (10 tuổi, ở xóm Đôn Chương) theo học tại nhà ông giáo Đồng tâm sự:
“Chúng em được học tại nhà ông giáo Đồng đều được ông chỉ bảo tận tình về tiếng Trung, bên cạnh đó ông còn bồi bổ những kiến thức ngoài xã hội rất hữu ích.
Nhiều lần chúng em đến nhà ông giáo Đồng thấy ông có vẻ mệt và bị cảm nhưng ông vẫn cố gắng, tận tụy, nhiệt tình giảng dạy, hướng dẫn cho chúng em học tập.
Để không phụ lòng của ông giáo Đồng, và của cha mẹ đã cho chúng em ăn học, chúng em hứa sẽ cố gắng phấn đấu để thành người có ích cho xã hội"
“Những thành công của các em trên đường đời là niềm khích lệ lớn lao, là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với tôi và cho cả các bậc phụ huynh ở địa phương chúng tôi.
Chính vì vậy tôi muốn cống hiến một phần cho tương lai của các cháu nhỏ mà không cần sự đền đáp gì”, ông giáo Hà Văn Đồng tâm sự.
Trời chạng vạng tối chúng tôi rời nhà thầy Đồng mà trong lòng lẫn lộn nhiều cảm xúc thật khó tả. Hình ảnh một người thầy giáo tật nguyền đầy nghị lực và ý chí khát khao đem cái chữ cho trẻ em như một câu chuyện cổ tích có thật.