LTS: Việc học sinh lớp 1 phải ngồi học theo nhóm đang khiến các giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy.
Cô giáo Đỗ Quyên phản ánh những điểm chưa phù hợp trong việc yêu cầu học sinh lớp 1, lứa tuổi học sinh đang rất hiếu động và chưa có nhiều kiến thức cũng như kỹ năng, phải ngồi học theo nhóm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Một trong những nguyên nhân khiến mô hình VNEN bị thất bại là việc ngành Giáo dục bắt buộc học sinh từ khối lớp 2 trở lên phải ngồi học theo nhóm.
Theo nhận xét của nhiều thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy: “Học sinh ngồi học theo nhóm kiểu quay mặt vào nhau suốt cả buổi học chỉ nói chuyện, gây ồn ào, copy bài bạn chứ bàn luận, trao đổi học hành gì đâu?”
Dù rất cố gắng bám lớp nhưng với 6 nhóm gần 40 học sinh, thầy cô giáo có nỗ lực bao nhiêu cũng trở nên bất lực.
Học sinh tự do nói chuyện với bạn, nhiều thầy cô hét đến lạc giọng cũng chẳng ăn thua gì. Đứng ngoài quan sát bất kì một lớp học ngồi theo nhóm, mới cảm nhận được nỗi vất vả, đôi khi là sự bất lực của các thầy cô giáo.
Học sinh lớp 2 trở lên ngồi học nhóm suốt buổi học cũng gây không ít khó khăn cho thầy cô nói gì đến các em lớp 1.
Học sinh lớp 1 còn chưa rõ mặt chữ thì tự học nhóm và thảo luận thế nào? (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân) |
Học sinh lớp 1, âm vần đọc chưa xong mà buộc ngồi học theo nhóm sẽ thế nào? Một giáo viên dạy lớp 1 lâu năm chia sẻ:
“Học sinh lớp 1 đang chủ yếu học theo kiểu cô làm mẫu, học sinh nhìn và làm theo. Cô cầm tay đưa từng nét bút. Cô hướng dẫn từng âm vần… còn ‘trầy da tróc vảy chưa nắm được”.
Nay buộc các em ngồi học theo nhóm, tự học, tự trao đổi với bạn… chắc chắn chất lượng học tập sẽ chẳng đi đến đâu?”
Nếu làm cuộc phỏng vấn hàng trăm giáo viên đang dạy lớp 1 hiện nay, chắc chắn sẽ có một trăm ý kiến phản đối việc cho học sinh lớp 1 xếp ngồi học theo nhóm.
Tiếc thay, những ý kiến của thầy cô đang trực tiếp giảng dạy lại chẳng xi nhê gì, chẳng ai quan tâm, để ý.
Nhiều Ban Giám hiệu, nhiều chuyên viên ngồi trên cho rằng: “Thầy cô không chịu khó” nên cứ thẳng tay chỉ đạo xuống “Phải tập dần cách học chủ động, tự tin này cho các em. Có khó mới phải gắng làm, nơi khác họ làm được, sao mình lại không?”
Bộ Giáo dục chủ quan khi triển khai mô hình VNEN, gây bức xúc trong xã hội |
Nhiều thầy cô phản hồi: “Học sinh từng vùng miền có kiến thức, trình độ khác nhau nên việc áp dụng các phương pháp dạy học cũng cần linh hoạt chứ không thể áp đặt nơi đó, nơi kia làm được thì mình cũng làm được.
Chẳng hạn, ở thành phố lớn, nhiều học sinh khi vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo nên việc ngồi học theo nhóm cũng chẳng áp lực nhiều.
Học trò vùng quê, các em đi học lớp 1, giáo viên còn cầm tay đưa từng nét xổ, nét móc… hướng dẫn từng âm, vần, ghép từng tiếng một cách khó khăn…
Nay buộc các em ngồi học kiểu theo nhóm là một trở ngại lớn cho việc dạy và tiếp thu bài của học sinh”.
Trực tiếp quan sát một tiết học của lớp 1 được xếp theo nhóm, các em cũng được thầy cô hướng dẫn học theo kiểu VNEN mới thấy giáo viên vất vả vô cùng.
Học trò loi nhoi, đọc chưa rành, viết chưa thạo mà bắt các em thảo luận, nêu ý kiến, tự đọc âm vần trước khi cần sự hỗ trợ của cô quả không dễ chút nào.
Có giáo viên còn thẳng thắn nêu vấn đề: “Dù sử dụng hình thức dạy học nào (ngồi nhóm hay cả lớp), mục đích cuối cùng vẫn là chất lượng học sinh.
Bởi thế, ngồi học theo nhóm nhưng chất lượng giáo dục mang lại bết bát, phỏng có ích gì?”.
Bỏ ngoài tai những góp ý, những kiến nghị của phần lớn giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, tất cả các trường tiểu học ở một số nơi trong cả nước vẫn buộc học sinh lớp 1 đồng loạt quay bàn ngồi học nhóm theo kiểu VNEN.
Thế rồi, vì thương học sinh không tiến bộ, không ít giáo viên quay bàn để các em ngồi học theo nhóm cho vừa lòng cấp trên nhưng thầy cô vẫn dạy học theo phương pháp truyền thống “Cô hỏi trò trả lời”, “Cô làm mẫu, trò làm theo”.
Và thế là mỗi khi cô hướng dẫn trên bảng lớp, học sinh lại phải “lác mắt, vẹo cổ” để nhìn lên.
Một giáo viên lớp 1 (xin được giấu tên) than thở: “Cấp trên chẳng bao giờ nghe ý kiến của người trực tiếp giảng dạy, hiệu quả đến mức nào chỉ có giáo viên dạy mới biết”.
Chưa nói đến việc phương pháp dạy học VNEN áp dụng cho học sinh từ lớp 2 trở lên đang bị rất nhiều nơi phản đối, tẩy chay vì hiệu quả thấp.
Ba câu hỏi lớn về VNEN chờ câu trả lời chi tiết từ Bộ Giáo dục |
Bởi thế càng không nên mang học sinh lớp 1 ra làm “chuột bạch” trong việc thử nghiệm dạy theo phương pháp này.
Trước khi áp dụng phương pháp dạy học nào cũng cần xem xét nó có phù hợp với học sinh của mình không? Có mang lại chất lượng giáo dục không?
Cũng cần tham khảo thêm ý kiến của chính thầy cô giáo đang giảng dạy.
Đừng nên bắt chước nơi này, nơi kia, đừng nên áp đặt theo kiểu “mệnh lệnh” cấp trên buộc cấp dưới phải thi hành. Có như thế, chất lượng giáo dục mới được cải thiện và nâng lên một cách hiệu quả.