Đại học, lười học thì lại về chăn gà giúp mẹ, vậy thôi!

17/08/2017 06:26
HỮU SƠN
(GDVN) - Các trường Đại học mạnh dạn cảnh cáo, buộc thôi học nhiều sinh viên là một việc làm cần thiết nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt kỉ luật.

LTS: Hiện nay, trước thực trạng rất nhiều sinh viên học tập lơ là, sa sút, thậm chí bị đình chỉ học tập giữa chừng đang trở thành gánh nặng cho nhà trường, gia đình và xã hội.

Theo một số chuyên gia giáo dục, việc kiên quyết đuổi học hàng nghìn sinh viên có kết quả học tập yếu kém đã phần nào cho thấy nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như siết chặt kỷ luật trong các nhà trường hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Công tác xét tuyển sinh Đại học đợt 1 năm 2017 đã hoàn tất, trên 70% trường Đại học tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Đến thời điểm này, hàng trăm ngàn tân sinh viên đã và đang khăn gói lên đường nhập học ở các trường đại học.

Trong quá trình học tập ở môi trường đại học, bên cạnh nhiều sinh viên có ý thức tốt, chăm chỉ, siêng năng học hành, thích nghi nhanh với cách học mới, kết quả học tập khá, tốt thì vẫn còn không ít sinh viên lười biếng, ham chơi, chủ yếu đi làm thêm, phải thi lại nhiều lần, hàng ngàn trường hợp bị nhà trường cảnh cáo, buộc thôi học.

Buộc thôi học nhiều sinh viên không đủ điều kiện để học tập tốt đang là chủ trương đúng đắn của nhiều nhà trường hiện nay (Ảnh: Tiền phong)
Buộc thôi học nhiều sinh viên không đủ điều kiện để học tập tốt đang là chủ trương đúng đắn của nhiều nhà trường hiện nay (Ảnh: Tiền phong)

Tỷ lệ, số lượng sinh viên bị buộc thôi học khá cao trong thời gian gần đây, khi các trường Đại học, Cao đẳng thực hiện Thông tư 57/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo Đại học, Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Theo đó, từ ngày 10/2/2013, sau mỗi học kỳ, sinh viên bị buộc thôi học nếu bị cảnh báo kết quả học tập kém trên 2 lần liên tiếp…

Tiêu biểu như: Trường Đại học Tây Nguyên công bố danh sách sinh viên dự kiến bị buộc thôi học, cảnh cáo kết quả học tập kỳ 2 năm học 2014-2015 lên đến 1.041 em.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2012 đến học kỳ 1 năm 2016 có trên 1200 sinh viên bị buộc thôi học do học lực quá yếu.

Tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm học, nhà trường có hơn 2.000 sinh viên bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học. 

Thông tin từ báo chí, ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau mỗi học kỳ, nhà trường đuổi học khoảng 100 sinh viên cùng với vài trăm sinh viên khác bị cảnh cáo học vụ rải đều ở các ngành học. 

Các trường Đại học như Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hàng trăm sinh viên bị cảnh cáo và buộc thôi học như thế ở hàng năm.

Việc cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ, nhằm giúp cho sinh viên có kết quả học tập kém biết và lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình. 

Đại học, lười học thì lại về chăn gà giúp mẹ, vậy thôi! ảnh 2

Buộc sinh viên thôi học, chuyện bình thường thôi

Chúng tôi cho rằng, mấy năm nay, các trường Đại học mạnh dạn cảnh cáo, buộc thôi học nhiều sinh viên là một việc làm nên khuyến khích và rất cần thiết nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo và siết chặt kỷ luật sinh viên.

Đồng thời, nó cảnh báo cho mọi sinh viên phải nhận ra việc học ở môi trường đại học là rất vất vả, áp lực, là để học tập, nghiên cứu thật sự, chứ không phải là chốn “thiên đường”, tha hồ, mặc sức tự do, chơi bời, làm những việc thỏa thích theo ý mình.

Nhiều sinh viên bị buộc thôi học, học nhiều năm mà vẫn không thấy tốt nghiệp ra trường, từng khiến biết bao bậc phụ huynh buồn đau, thất vọng ê chề, vì đã quá kỳ vọng vào con cái, vì trước đây 12 năm trời nó luôn là đứa con ngoan, học giỏi, niềm tự hào của cả gia đình.   

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, giám đốc công ty tư vấn An việt Sơn xác định lý do cơ bản nhất là các em thiếu hụt kỹ năng sống.

Trước đó, các cô cậu tuổi mới lớn này vẫn luôn luôn được các thầy cô giáo ở bên dìu dắt, đốc thúc trong việc học tập, còn việc sinh hoạt thường ngày thì có bố mẹ nhắc nhở, điều chỉnh nên ít xảy ra những hành động “quá trớn”.

Còn bây giờ, bước vào một môi trường mới hoàn toàn, thoát ly khỏi gia đình để tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, các em ít nhiều sẽ bị lúng túng.

Theo một nghiên cứu mới công bố thực hiện tại một số trường đại học phía Nam, có đến 54% sinh viên cho biết cảm thấy khó khăn trong cách sinh hoạt ở môi trường mới.

Theo ông Chất, trước tiên các tân sinh viên phải xác định rõ mục tiêu của bản thân, tự hỏi mình đi học hay đi chơi: “Trả lời chính xác được câu hỏi này là các em đã thành công được một nửa rồi”. Nếu suy nghĩ “đời còn dài, học sau cũng chưa muộn” thì chắc chắn sẽ có lúc hối không kịp". ( Báo Đất Việt)

Đại học, lười học thì lại về chăn gà giúp mẹ, vậy thôi! ảnh 3

Sự thật phía sau vụ một học sinh không tham gia văn nghệ bị đuổi học

Nhằm giảm thiểu tình trạng sinh viên lười học, ham chơi, bị cảnh cáo, buộc thôi học thì trước hết đó là ý thức, trách nhiệm ở chính các em. Nâng cao sức đề kháng, học tập và vận dụng kỹ năng sống, coi trọng việc học, dành nhiều thời gian cho tự học, tự nghiên cứu, tìm tài liệu, biết điều chỉnh và thích nghi với cách học tín chỉ, cách học ở bậc đại học.

Về phía nhà trường luôn nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, công khai, thông tin kịp thời cho gia đình biết trong việc kiểm tra, thi cử, kết quả đánh giá, điểm số cũng là một biện pháp làm hạn chế những biểu hiện sa sút, chểnh mảng của việc học hành, khơi dậy tinh thần tự học ở nhiều sinh viên.

Lâu nay, chất lượng giáo trình, nội dung nhiều môn học ở bậc Đại học, Cao đẳng từng bị kêu ca, phàn nàn không ít (do lạc hậu, vô bổ, học chẳng để làm gì…) rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng sớm ngồi lại với nhau cùng rà soát, bàn bạc, đi đến thống nhất, viết soạn mới, cắt bỏ những môn học, nội dung học thực sự không cần thiết ở từng ngành học.

Giáo trình tốt, bộ môn học thiết thực, sinh viên khó có thể chán hay lười học được? Mặt khác, bản thân mỗi giảng viên đại học, cao đẳng cần không ngừng làm mới mình, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gợi mở, kích thích tư duy, sáng tạo của sinh viên.

Theo nhiều đồng nghiệp, giảng viên không phải chỉ vào lớp làm duy nhất nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà còn hướng dẫn cách học tập, nghiên cứu, cung cấp đầy đủ tài liệu học tập: giáo trình, tài liệu đọc thêm, tài liệu tham khảo, công bố đề cương chi tiết môn học để sinh viên biết rõ lịch trình học và phát huy có hiệu quả việc tư vấn, hỗ trợ trong học tập, nghiên cứu….

Tự học là một mắt xích quan trọng bậc nhất làm nên thành công, hiệu quả và chất lượng giáo dục ở bậc Đại học, Cao đẳng. Có tự học mới có thực học được.

HỮU SƠN