LTS: Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay về cơ bản không đáp ứng nhiều định hướng quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS.Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).
Phóng viên: Thưa ông, cấu trúc Hệ thống giáo dục Việt Nam do 3 tổ chức là Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Hội khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cùng đề xuất cũng như cấu trúc ở Dự thảo lần 2 mới đây của Bộ GD&ĐT có điểm mới nổi bật nào so với Cấu trúc hệ thống Giáo dục Việt Nam hiện tại?
TS.Lê Viết Khuyến: Nét mới ở sơ đồ này là đã phác họa ra hình hài của một hệ thống giáo dục mở, ở đó thể hiện rất rõ ràng sự phân luồng người học sau THCS và sau THPT, cũng như tính liên thông ở mỗi luồng cho tới trình độ cao nhất.
Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người và Hội khuyến học Việt Nam. |
Đồng thời sơ đồ cũng cho phép tạo ra đội ngũ nhân lực đa dạng, đa trình độ để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tính phân luồng của sơ đồ thể hiện như thế nào, thưa ông?
TS.Lê Viết Khuyến: Có 2 thời mốc quan trọng để thực hiện phân luồng người học:
Một là, phân chia học sinh sau THCS theo 2 luồng: luồng trung học phổ thông (3 năm) và luồng trung học nghề (3 năm).
Luồng trung học phổ thông chủ yếu cung cấp nguồn tuyển cho cao đẳng và đại học.
Luồng trung học nghề chủ yếu cung cấp nhân lực tham gia thị trường lao động, một bộ phận không nhỏ cũng sẽ là nguồn tuyển cho cao đẳng thực hành.
Dự tính bước đầu luồng THPT chiếm không quá 50%, luồng trung học nghề chiếm trên 30% quy mô học sinh tốt nghiệp THCS.
Hai là, phân chia học sinh sau THPT theo 2 luồng: luồng đại học nghiên cứu (4-6 năm) và luồng ứng dụng – thực hành bao gồm cao đẳng thực hành (3 năm) và đại học ứng dụng (4 năm).
TS.Lê Viết Khuyến (Ảnh: Thùy Linh) |
Trong khi đó thời gian thiết kế cho học sinh từ trung học nghề lên cao đẳng thực hành chỉ là 2 năm, từ cao đẳng thực hành lên đại học ứng dụng là 2 năm.
Đây là giải pháp rất phổ biến ở nhiều nước để khuyến khích học sinh sau THCS tự nguyện đi theo luồng trung học nghề (ở nhiều nước, tỷ lệ phân luồng giữa THPT và trung học nghề có thể đạt tới 30:70).
Thưa ông, vậy sơ đồ này tính tới yếu tố liên thông giữa các cấp, bậc học như thế nào?
TS.Lê Viết Khuyến: Tính liên thông của sơ đồ được thể hiện ở chỗ sau THCS người học được phân luồng theo 2 hướng: hướng phổ thông - nghiên cứu và hướng nghề - ứng dụng/thực hành.
Nếu theo đúng hướng thì thời gian đi từ trình độ thấp nhất tới trình độ cao nhất ở cả 2 hướng là tương đương nhau.
Việc người học có đi tới được trình độ cao nhất hay không là tùy thuộc vào năng lực của người đó và các đòi hỏi về đầu vào của mỗi cơ sở giáo dục, hoàn toàn không có vướng mắc về thể chế như ở hệ thống giáo dục hiện hành của Việt Nam.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị cần sửa ngay một số nội dung các Luật về giáo dục(GDVN) - Để đưa Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vào cuộc sống thì cần sớm điều chỉnh lại một số nội dung ở các Luật về giáo dục. |
Tất nhiên sự liên thông sẽ thuận lợi hơn nếu người học đi đúng luồng. Còn trong trường hợp người học cần đi “chéo luồng” thì phải chấp nhận thời gian học dài hơn hoặc phải bổ sung thêm một vài chứng chỉ kiến thức (nếu phải thi chung đầu vào).
Thí dụ như thời gian học cao đẳng của những học sinh tốt nghiệp trung học nghề chỉ là 2 năm, nhưng với những người tốt nghiệp THPT, do “trắng nghề”, nên phải chấp nhận 3 năm. Khác với hệ thống giáo dục hiện tại, trong sơ đồ mới này không có các “ngõ cụt”.
Trên thế giới người ta có thực hiện phân luồng và liên thông học sinh như ở sơ đồ này hay không, thưa ông?
TS.Lê Viết Khuyến: Trước khi đề xuất, đưa ra mô hình mới tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân, chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ cấu trúc giáo dục quốc dân hiện tại của Việt Nam cũng như mô hình của các nước trên thế giới.
Theo kinh nghiệm của thế giới, càng đi sâu vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động sẽ ngày càng đa dạng hơn.
Sáu bước để Khung cơ cấu giáo dục quốc dân đi vào cuộc sống(GDVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục có Văn bản gửi Thủ tướng về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. |
Để đáp ứng được sự đa dạng đó, hệ thống giáo dục của quốc gia bắt buộc phải phân luồng mạnh.
Ngoài ra, quy mô, trình độ và cơ cấu ngành nghề đào tạo phải luôn được điều chỉnh cho phù hợp với dịch chuyển cơ cấu kinh tế của từng vùng lãnh thổ.
Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011 của UNESCO, trên thế giới, sự phân luồng học sinh, sinh viên có thể bắt đầu từ sau tiểu học (giáo dục trung học thường phân thành các luồng phổ thông và nghề, còn giáo dục đại học phân thành các luồng hàn lâm hay học thuật và chuyên nghiệp).
Tuy nhiên, thường gặp phổ biến 2 dạng phân luồng từ sau trung học cơ sở và sau Trung học phổ thông, tùy theo chính sách phúc lợi và trình độ phát triển xã hội – công nghệ ở mỗi quốc gia.
Đối với các quốc gia phát triển phân luồng thường diễn ra từ sau trung học phổ thông thành các hướng: đại học, cao đẳng, nghề.
Đối với các quốc gia đang phát triển phân luồng thường diễn ra từ sau trung học cơ sở, thành các hướng: phổ thông (General) và nghề (Vocational); khi tiếp lên giáo dục đại học, các hướng này được tiếp nối thành các hướng hàn lâm hay học thuật (Academic) và chuyên nghiệp (Professional).
Việt Nam hiện chưa phải là một quốc gia phát triển, đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, trình độ công nghệ trong sản xuất còn thấp, do đó chọn hướng phân luồng học sinh từ sau THCS là hợp lý.
Trân trọng cảm ơn ông.
Đề án Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân được khởi động từ năm 2013, đã qua nhiều lần dự thảo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan tới cơ cấu khung hệ thống như: (1) Cơ cấu, hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam qua các thời kì (1945 - nay), trong đó đánh giá thực trạng, chỉ ra các bước phát triển của hệ thống, sự đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (2) Hệ thống giáo dục Phần Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Thái Lan … (các nước trong khu vực có quan hệ hợp tác phát triển giáo dục với Việt Nam, các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới); (3) Thời lượng của giáo dục phổ thông trên thế giới; (4) Kinh nghiệm quốc tế về phân loại và xếp hạng đại học; (5) Mô hình Đại học Quốc gia ở một số nước; (6) Hệ thống phân loại tiêu chuẩn quốc tế các chương trình giáo dục của UNESCO (ISCED); (7) Khả năng vận dụng ISCED vào hệ thống giáo dục Việt Nam; (8) Các phương án điều chỉnh khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (04 phương án khác nhau đã được đề xuất); (9) Vị trí hệ thống đào tạo nhân lực ngành y tế trong hệ thống giáo dục quốc dân. |