Dạy và học Tiếng Anh: Đừng để ngày càng tụt hậu

09/09/2015 07:25
ThS Ngô Mạnh Linh
(GDVN) - Thực trạng Tiếng Anh của Việt Nam hiện nay rất đáng lo ngại: Loay hoay với việc thay đổi liên tục, chạy theo các chương trình mới mang nhiều tính thử nghiệm.

LTS: Thời gian qua, rất nhiều vấn đề xoay quanh việc dạy và học Tiếng Anh của ta chưa thành công, tại sao học sinh phổ thông và sinh viên Việt Nam không giao tiếp được bằng Tiếng Anh và nhiều câu chuyện xoay quanh. 

Là một giảng viên, Thạc sỹ Ngô Mạnh Linh công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra một số ý kiến giúp việc dạy và học môn này đạt hiệu quả cao hơn. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Quá nhiều sách, nhiều chương trình khác nhau, phụ huynh và học sinh bị đánh đố trong một ma trận hỗn loạn mang tên “học Tiếng Anh”. Thậm chí hiện nay có xu hướng thương mại hóa việc dạy và học ngoại ngữ chứ không thực sự chú trọng đến chất lượng đào tạo. 

Việc thay sách, cập nhật chương trình học vẫn chỉ mang tính thời vụ, thi phần nào thì luyện bằng sách đó, một thời gian sau không thi phần đó nữa là lại thay đổi. 

Nhìn rộng ra thế giới, những kỳ thi SAT, IELTS, TOEFL là những kỳ thi chuẩn quốc tế, được biên soạn rất đúng đắn,sinh viên nếu muốn tiếp cận các chương trình học quốc tế, MBA, PhD đều phải tham gia thi. 

Dạy và học Tiếng Anh: Đừng để ngày càng tụt hậu (Ảnh: vnexpress.net)
Dạy và học Tiếng Anh: Đừng để ngày càng tụt hậu (Ảnh: vnexpress.net)

Vậy thì tại sao không đưa chúng vào học tại chương trình đào tạo Đại học, thậm chí phổ thông?

Tại sao sinh viên vẫn phải “học môn Tiếng Anh” ở trường chỉ để thi những bài thi của Việt Nam, rồi lại “đi luyện thi Tiếng Anh” ở các trung tâm ngoài để có thể tham gia những bài thi quan trọng của quốc tế?

Bên cạnh những bất cập về chương trình, còn có không ít những cán bộ tham gia giảng dạy môn Tiếng Anh vẫn duy trì thói quen, phương pháp dạy cũ mang nặng tính hình thức, có chăng là có thêm các bài giảng Powerpoint để trình chiếu theo yêu cầu, không thu hút và hầu hết vẫn là cô đọc, trò chép.
 
Nguyên nhân một phần do áp lực về chương trình nên người dạy thường ưu tiên số lượng hơn chất lượng, dạy cho kịp tiến độ, bài dạy chỉ tập trung vào nội dung kiểm tra-thi, mà những nội dung này lại quá xa vời so với thực tế sử dụng ngôn ngữ. 

Xu thế dạy ngoại ngữ của thế giới từ trước đến nay là giáo viên có thường có trang Blog, có kênh Youtube riêng. Họ thường xuyên giao lưu, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ, xây dựng các trò chơi mang tính giao tiếp để nâng cao hiệu quả hoạt động này. 

Nhà xuất bản uy tín Macmillan có giải thưởng thường niên cho blog dạy ngoại ngữ hay của các giáo viên trên toàn thế giới mang tên Love English Awards , Hội đồng Anh cũng có TeachingEnglish Blog Award với ý nghĩa tương tự. 

Còn với người học thì sao?  Do không được tiếp cận với chương trình hiệu quả và phương pháp tốt nên dễ cảm thấy chán nản khi học quá nhiều, quá lâu mà vẫn không thể sử dụng được. 

7 năm học phổ thông và 4 năm học đại học là quá dài cho việc học một ngôn ngữ, nhưng chữ thầy vẫn trả thầy! Điều này dẫn đến việc mất niềm tin vào việc học ngoại ngữ, trong khi chúng ta có rất nhiều lợi thế khi học Tiếng Anh.

Nếu như trước đây, người ta vẫn đổ lỗi cho việc thiếu môi trường giao tiếp cho người học. Đến nay thì khó khăn này đã được cải thiện đáng kể do sự phát triển của mạng Internet. 

Dạy và học Tiếng Anh: Đừng để ngày càng tụt hậu ảnh 2

Lời khuyên của một Thạc sỹ để sinh viên tự “bảo hiểm chống thất nghiệp”

(GDVN) - Doanh nghiệp mong muốn sinh viên làm được nhiều điều hơn là chỉ chú trọng về bằng cấp: Họ cần những người làm việc có kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế.

Xu thế hiện nay, học ngoại ngữ trực tuyến đang chiếm ưu thế bởi tính hiệu quả, thuận tiện.

Người học dễ dàng tiếp cận với những kênh học Tiếng Anh chất lượng và miễn phí trên Engvid và Duolingo . 

Nó hiệu quả bởi tính thực tiễn rất cao, tập trung vào những nội dung gắn liền với cuộc sống, và không mang tính tuần tự (người học muốn học gì, luyện kỹ năng nào sẽ chọn đúng phần mình mong muốn). 

Điều này tạo ra sự dễ dàng  trong việc tiếp nhận kiến thức, đồng thời gia tăng động lực, chứ không phải là áp lực cho người học như chương trình cổ điển của chúng ta đang áp dụng. 

Yếu điểm gần như lớn nhất của học sinh Việt Nam khi học ngoại ngữ là ngại giao tiếp cũng đã dần được cải thiện sau rất nhiều năm cố gắng của thầy và trò, cũng như tác động của công nghệ thông tin. 

Các em đã cầu thị hơn, đã đam mê và mong muốn được học, được biết và được giao tiếp nhiều hơn. Chìa khóa cho việc nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Anh giờ đây phần lớn nằm trong tay người dạy. 

Do vậy nếu không có những giải pháp tốt để nâng cao chất lượng chương trình cũng như trình độ giáo viên, công tác dạy Tiếng Anh sẽ bị tụt hậu và mang đến hậu quả không tốt cho một nền giáo dục đang trên đà hội nhập với thế giới.

ThS Ngô Mạnh Linh