LTS: Sau khi công bố kết quả điểm thi môn Ngoại ngữ trong kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, bàn về việc dạy và học Ngoại ngữ cũng như đề án Ngoại ngữ 2020, tác giả Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bảng phổ điểm kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, điều mà dư luận nhìn thấy là môn Ngoại ngữ là 1 trong 2 môn thi có điểm dưới trung bình nhiều nhất.
Với 637.335/814.779 bài thi môn Ngoại ngữ có điểm dưới trung bình, chiếm tới 78,22% đã cho chúng ta nhiều suy ngẫm.
Đề án Ngoại ngữ 2020 đã được điều chỉnh từ cuối tháng 12 năm ngoái với sự đồng ý từ Chính phủ.
Việc điều chỉnh, bổ sung đề án về việc dạy và học Ngoại ngữ đến năm 2025 liệu có đạt được mục tiêu hay không? Rõ ràng, bài toán về dạy và học ngoại ngữ của chúng ta đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn.
Từ điểm thi Ngoại ngữ trong kì thi quốc gia năm nay nghĩ về đề án Ngoại ngữ 2020 (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+). |
Cụ thể, ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080/QĐ-TTg để phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2015 nhằm khắc phục những hạn chế của Đề án 2020.
Từ những chính sách và sự quan tâm của hoàn hệ thống chính trị xã hội cho thấy Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội rất chú trọng và quan tâm đến việc phát triển năng lực Ngoại ngữ trong quá trình hội nhập của đất nước.
Rất nhiều thí sinh Quảng Trị được điểm rất thấp môn Tiếng Anh và Lịch Sử |
Như vậy, nhìn về chính sách, kinh phí, lòng quyết tâm của chúng ta đã có nhưng vì sao chất lượng Ngoại ngữ trong nền giáo dục quốc dân của chúng ta vẫn chỉ đạt được những kết quả chưa được như mong đợi.
Điều này được thể hiện rõ trong dạy và học Ngoại ngữ trong các trường phổ thông và rõ nhất là điểm số mỗi kì thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm.
Với 78,22% số lượng bài thi Ngoại ngữ trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm nay có điểm thi dưới trung bình, trong đó có 2.189 thí sinh có điểm liệt (<=1). Điểm trung bình của môn tiếng Anh là 3,91 (năm 2017 là 4,6; năm 2016 là 3,22)…
Như vậy, điểm thi môn Ngoại ngữ những năm qua vẫn là môn có điểm thi rất thấp và chưa có dấu hiệu khởi sắc so với nhiều môn học khác. Chưa xứng đáng với những đầu tư và kì vọng của xã hội.
Vì sao Ngoại ngữ vẫn là ác mộng của học trò?
Thực tế là điểm thi Ngoại ngữ năm nay rất thấp và đã có một số bài báo gọi là “mưa điểm liệt” thế nhưng đa phần các thí sinh khi tham gia thi đều ít nhiều đã phải học thêm Ngoại ngữ ở nhà thầy cô hoặc các trung tâm Ngoại ngữ từ khi còn mới vào tiểu học.
Nếu chỉ học ở nhà trường thì chắc chắn một điều điểm số còn tệ hại hơn rất nhiều. Bởi, từ lâu, dù ở cấp học nào thì môn Ngoại ngữ vẫn là “ác mộng” của đa phần các em học sinh và ngay cả với sinh viên các trường đại học.
Những học sinh ở thành phố - nơi có điều kiện trau dồi, tiếp xúc nhiều hơn thì khả năng Ngoại ngữ của các em có phần khả quan hơn.
Học sinh khu vực nông thôn, miền núi thì chủ yếu chỉ được học từ vựng, ngữ pháp nhưng không có điều kiện giao tiếp, tiếp xúc để phát huy vốn ngoại ngữ được học.
Nhiều trường học hiện nay vẫn chủ yếu là dạy chay, học chay, các phương tiện giảng dạy lạc hậu.
Ngay cả giáo viên dạy Ngoại ngữ vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều giáo viên chưa thể giao tiếp trôi chảy thì làm sao học sinh có thể phát huy được khả năng của mình.
Vì thế, phần lớn học sinh ở vùng quê chỉ học một cách đối phó để đủ điểm qua môn còn các kĩ năng khác gần như không có.
Việc điểm thi thấp trong kì thi vừa qua cũng đã phản ánh đúng thực trạng của việc dạy và học Ngoại ngữ ở các nhà trường phổ thông hiện nay.
Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả dạy và học Ngoại ngữ
Phải nói rằng để nâng cao hiệu quả dạy và học Ngoại ngữ ở nhà trường phổ thông thì khâu then chốt nhất phải là khả năng Ngoại ngữ của người thầy.
Vì thế, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giáo viên là việc luôn luôn phải chú trọng.
Khi người thầy có chuyên môn tốt sẽ tìm ra được những phương pháp tối ưu nhất cho việc giảng dạy của mình nhằm nâng cao chất lượng.
Hiện nay, khâu bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên chưa được thường xuyên và chỉ mới tập trung cho một số đối tượng cốt cán ở nhà trường.
Ngoài khả năng, trình độ chuyên môn của người thầy thì việc xây dựng kế hoạch giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trường học, giữa các khối, lớp với nhau cũng vô cùng cần thiết.
Bởi ngoài việc học những kiến thức “cứng” của môn học thì mỗi dịp giao lưu, chia sẻ với nhau sẽ giúp khả năng Ngoại ngữ của cả thầy và trò được phát huy tốt nhất.
Không chỉ chú trọng về con người mà cơ sở vật chất, đầu tư nguồn tư liệu cũng vô cùng cần thiết, Nhà trường, tổ bộ môn, thầy cô dạy Ngoại ngữ phải đặt hiệu quả đào tạo lên trên hết.
Muốn được như vậy phải có nguồn tư liệu tốt, có phương tiện dạy học, học tập đầy đủ và quan trọng hơn là thầy cô phải định hướng được phương pháp học tập, phương pháp tự học cho trò một cách hiệu quả.
Có lẽ chúng ta đã nói quá nhiều đến việc “hội nhập” đến Cách mạng 4.0 nhưng muốn tiệm cận được những tinh hoa của nhân loại thì việc đầu tiên phải nâng cao được khả năng ngoại ngữ của con người Việt Nam mà trong đó chúng ta phải chú trọng đến các em học sinh ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Cho dù những đề án có hay đến đâu, có nhiều kinh phí đâu nhưng đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy của người thầy cũng như động lực học tập của người học chưa tốt thì hiệu quả cũng chưa thể đạt được. Bởi thực tế, kết quả các kì thi có môn Ngoại ngữ đang phản ánh chất lượng dạy và học rõ nét nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Đề án Ngoại ngữ 2020
- Quyết định số 1400/QĐ-TTg
- Quyết định số 2080/QĐ-TTg