Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, nhiều giáo viên cảm thấy “thất vọng” vì phổ điểm môn Lịch sử và Tiếng Anh quá thấp.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:
Khi nhìn phổ điểm của kỳ thi quốc gia năm 2018 một cách tổng quan có thể khẳng định đề thi năm nay đã có sự tiến bộ rõ rệt so với năm ngoái, đặc biệt thể hiện ở khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi tốt hơn nên phổ điểm tốt hơn, toàn diện hơn.
Còn khi nhìn nhận cụ thể thì ông Khuyến đánh giá, phổ điểm môn Lịch sử, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân chưa thật sự đạt chuẩn.
Bởi lẽ phổ điểm môn Lịch sử và Ngoại ngữ bị lệch về bên trái, còn môn Giáo dục công dân lệch về bên phải, như vậy rõ ràng là phổ điểm không cân đối.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, đề thi năm nay đã có sự tiến bộ rõ rệt so với năm ngoái, đặc biệt thể hiện ở khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi tốt hơn nên phổ điểm tốt hơn, toàn diện hơn. (Ảnh: Xuân Trung) |
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trước tiên thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó nhiệm vụ của kỳ thi này là đánh giá kết quả học tập của học sinh có đạt được mục tiêu đặt ra đối với chương trình trung học phổ thông hay không.
Về mục tiêu này thì phổ điểm các môn thi trong kỳ thi quốc gia 2018 chưa đạt được.
Nhìn nhận từ thực tế này, ông Khuyến cho rằng, muốn đạt được mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh thì đề thi cần xây dựng theo hướng:
Chiếm 50% là những câu hỏi bám sát chuẩn đầu ra các môn học ở bậc trung học phổ thông, có nghĩa, số câu hỏi này phải đảm bảo điều kiện tối thiểu mà người học phải đạt được (tức từ 5 điểm trở lên).
Còn lại 50% câu hỏi là để phục vụ việc xét tuyển đại học, cao đẳng do đó câu hỏi phải khó hơn (tăng dần) so với mục tiêu đánh giá chuẩn tối thiểu. Có như vậy phổ điểm mới mang dáng dấp của đề thi tiêu chuẩn hóa, phân bố chuẩn.
Chi tiết phổ điểm từng môn thi trong kỳ thi quốc gia 2018 |
Do đó, nếu đề thi 50 câu mà có một vài câu hỏi khó (thậm chí giáo sư cần nhiều thời gian để tìm ra đáp án) thì đó cũng là chuyện bình thường, phụ huynh không cần lo lắng.
“Nếu phổ điểm xây dựng cho những đối tượng đạt từ chuẩn tối thiểu trở lên thì phổ điểm sẽ đẹp, đánh giá được độ phân hóa của đề thi cao hơn.
Còn những ai không đạt 5 điểm (trở lên) thì không đạt mục tiêu thứ hai của kỳ thi quốc gia là xét tuyển đại học, cao đẳng, tức là không đưa vào phổ điểm.
Đây là hướng xây dựng phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng tới trong những năm tới”, ông Khuyến đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ông Khuyến cũng cảnh báo, dù phổ điểm theo mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng có phân bố chuẩn đi chăng nữa thì kết quả thi thuần túy đó cũng chỉ áp dụng để xét tuyển đối với các trường tốp dưới, tốp giữa.
Còn đối với các trường tốp trên hay trường năng khiếu, đặc biệt đối với ngành học tuyển sinh rất ít nhưng số lượng thí sinh đăng ký rất nhiều (ví như y đa khoa…) thì cần có thêm một bài thi khác do nhà trường tự tổ chức để tuyển chọn và Điều 34 Luật Giáo dục cũng cho phép điều này.
Nói như vậy không có nghĩa tất cả các trường đại học, cao đẳng mà chỉ áp dụng ở một số ngành nghề đặc thù tránh việc các trường đều tổ chức thi để gây tốn kém, vất vả, căng thẳng cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, ông Khuyến cũng cho rằng, muốn tạo ra đề thi có độ phân hóa cao thì ngân hàng câu hỏi phải được thử nghiệm trực tiếp ở người học chứ không phải do các nhà biên soạn câu hỏi tự nghĩ và chọn lọc.
Bởi lẽ, vị này thấy phổ điểm môn Toán trong kỳ thi quốc gia 2018 “có vấn đề” rằng, nếu xây dựng ngân hàng câu hỏi, thử nghiệm trên chính người học thì sẽ không thể có chuyện cả nước chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán.