Đôi điều trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương về chương trình giáo dục năm 1979

28/08/2017 06:53
Phan Thị Hồ Điệp
(GDVN) - Học sinh Việt Nam vào lớp 1 mới bắt đầu học Tiếng Việt, mà chỉ học có 420 tiết/năm thì không phải là nhiều so với yêu cầu.

LTS: Ngày 28/7, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết của Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội với tiêu đề: “So sánh chương trình giáo dục mới với chương trình năm 1979”.
 
Trong bài báo Tiến sĩ Vũ Thu Hương nêu ra một vài số liệu so sánh Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua với Chương trình cải cách giáo dục năm 1979 và đưa ra một số câu hỏi, một số lời bình luận. 

Hôm nay, Tòa soạn nhận được bài viết của tác giả Phan Thị Hồ Điệp – giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội trong đó là một số trao đổi về một số vấn đề mà Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã nêu.

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết này. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới khi công bố đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Là một người tham gia giảng dạy đồng thời là phụ huynh học sinh, tôi cũng đọc, theo dõi các ý kiến phản biện và có những kiến giải của cá nhân trước những vấn đề mà dư luận đặt ra.

Dưới đây là những suy nghĩ của tôi sau khi đọc bài báo của Tiến sĩ Vũ Thu Hương đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/7 với tiêu đề: So sánh chương trình giáo dục mới với chương trình năm 1979. 

Bài báo của Tiến sĩ Vũ Thu Hương nêu ra một vài số liệu so sánh Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2017 với Chương trình cải cách giáo dục năm 1979 và đưa ra một số câu hỏi, một số lời bình luận. 

Vì tự thấy vốn hiểu biết của bản thân chưa thật nhiều và vì không tìm được văn bản Chương trình năm 1979 (theo tôi được biết thì năm đó chỉ có dự thảo chương trình vắn tắt, không có chương trình chính thức; và có những môn mà tác giả Vũ Thu Hương nêu ra chưa bao giờ được thực hiện, ví dụ môn Ngoại ngữ ở lớp 1 và ở toàn cấp tiểu học) nên tôi chỉ trao đổi về một số vấn đề mà bài báo đề cập, như là để giải đáp cho bản thân.  

1. Việc học hai buổi một ngày liệu có khả thi trong tình hình hiện nay? 

Như tôi được biết, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương chuyển dần việc dạy học ở tiểu học sang học 2 buổi/ ngày. 

Trong chỉ đạo của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ, các trường tiểu học dành buổi học thứ 2 để tổ chức tự học có hướng dẫn, giúp đỡ học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao, lao động,... phù hợp với lứa tuổi. 

Bảng so sánh chương trình giáo dục phổ thông vừa được thông qua và chương trình năm 1979 (Đồ họa: Tiến sĩ Vũ Thu Hương)
Bảng so sánh chương trình giáo dục phổ thông vừa được thông qua và chương trình năm 1979 (Đồ họa: Tiến sĩ Vũ Thu Hương)

Sau 15 năm triển khai, tới nay, đã có hơn 70% các trường tiểu học trên cả nước thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Ở đây có một câu hỏi đặt ra là: Học 2 buổi/ngày, học sinh có bị quá tải? 

Theo tôi, học 2 buổi/ngày sẽ quá tải nếu các trường sử dụng buổi thứ hai để dạy thêm kiến thức.

Ngược lại, nếu các trường sử dụng buổi học thứ 2 theo hướng dẫn của Bộ, học sinh sẽ đỡ chịu áp lực hơn vì có thêm thời gian thực hành, trải nghiệm những kiến thức đã học ở buổi thứ nhất trong ngày và vận động, giải trí,... 

Học 2 buổi/ngày còn phù hợp với tình hình của hầu hết các gia đình hiện nay: Bố mẹ đều đi làm cả ngày, khó có thể quản lý được trẻ trong giờ hành chính.

Ở các nước phát triển, học sinh tiểu học đều học 2 buổi/ngày. Chương trình Giáo dục phổ thông nước ta đang tiệm cận với hướng đi đó. 

Đối với những trường chỉ tổ chức được 1 buổi học/ngày, Chương trình mới đã  quy định rõ ràng:

Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

2. Tại sao cần nhiều tiết học tiếng Việt ở lớp 1? 

Theo tôi hiểu, lớp 1 là lớp đầu cấp, có vị trí vô cùng quan trọng. Nếu học hết lớp 1 mà học sinh không đọc thông viết thạo thì không thể học tốt bất cứ môn nào. 

Do đó, học sinh lớp 1 cần được dành nhiều thời gian học đọc, học viết để nhanh chóng chiếm lĩnh chữ viết làm công cụ học các môn học khác. 

Đôi điều trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương về chương trình giáo dục năm 1979 ảnh 2

Kế hoạch đào tạo năm 1979 khác gì với chương trình mới hiện tại?

Ngoài ra, học sinh cũng cần được dành nhiều thời gian để phát triển các kỹ năng nói và nghe.

Điều này rất cần thiết để trẻ tự tin, hòa nhập với bạn bè, thế giới xung quanh và tiếp tục phát triển.

Nhìn ra các nước trên thế giới, ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1, tiếng mẹ đẻ cũng là môn học được coi trọng và chiếm thời lượng lớn. 

Ví dụ sau đây là lịch học tập hằng ngày của học sinh lớp 1 ở Mỹ:

7 giờ 40-8 giờ 15: Hoạt động khởi động buổi sáng tại lớp.

8 giờ 15-9 giờ : Giáo viên dạy học tương tác.

9 giờ - 9 giờ 25: Tập đọc.

9 giờ 25-10 giờ 10: Các hoạt động đặc biệt.

10 giờ 10-11 giờ 15: Tổng hợp (viết/ từ vựng/thơ/tin học).

11 giờ 15-11 giờ 45: Ăn trưa.

11 giờ 45-12 giờ: Đọc sách.

12 giờ-12 giờ 30: Viết.

12 giờ 30-13 giờ 30: Toán.

13 giờ 30-13 giờ 45: Nghỉ ngơi/ăn nhẹ.

13 giờ 45-14 giờ 30: Thể dục (hoặc đọc sách ở thư viện).

14 giờ 30-15 giờ 10: Khoa học thường thức/kiến thức xã hội.

15 giờ 10-15 giờ 20: Tan học.

Theo lịch học tập nói trên, thời lượng dành cho các kĩ năng của môn Tiếng Anh (Viết, Tập đọc, Đọc sách) tối thiểu là 135 phút/ngày. 

Giả sử học sinh Mỹ chỉ học 35 tuần/năm và 5 buổi/tuần như học sinh Việt Nam thì mỗi năm các em học  23.625 phút Tiếng Anh, tương đương 675 tiết học ở Việt Nam. 

Đôi điều trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương về chương trình giáo dục năm 1979 ảnh 3

Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục

Đó là chưa kể, ở Mỹ cũng như nhiều nước khác, học sinh đã bắt đầu học đọc, học viết từ lớp Mẫu giáo; và ở tiểu học, các em học tới 40 tuần/năm.

Học sinh Việt Nam vào lớp 1 mới bắt đầu học Tiếng Việt, mà chỉ học có 420 tiết/năm thì không phải là nhiều so với yêu cầu.

Theo tôi biết, Chương trình giáo dục hiện hành quy định lớp 1 có 11 tiết Tiếng Việt/tuần; sau đó, rút bớt 1 tiết để “giảm tải”. 

Nhưng trên thực tế, giáo viên các trường dạy 2 buổi/ngày phải sử dụng gần hết các tiết tự học buổi chiều để hướng dẫn học sinh tập đọc, tập viết. 

Còn học sinh các lớp học 1 buổi/ngày nếu không đi học thêm thì cũng phải rèn luyện thêm ở nhà rất nhiều mới theo kịp chương trình.

Cũng liên quan đến điều này, tác giả bài báo có nêu vấn đề số tiết Tiếng Việt nhiều hơn chương trình năm 1979. 

Theo thiển ý của tôi, nếu chỉ so sánh đơn thuần về thời lượng học như vậy thì Chương trình năm 1979 sẽ nặng hơn Chương trình năm 1956 vì Chương trình năm 1956 chỉ có 11 năm; lớp 1 khi đó gọi là lớp Vỡ lòng, mà  lớp Vỡ lòng thì chỉ học chữ và hát múa. 

Tiếp tục phương pháp so sánh này, ta sẽ còn thấy Chương trình năm 1956 nặng hơn Chương trình năm 1951 vì theo Chương trình năm 1951, giáo dục phổ thông chỉ có 9 năm. 

Một trong những tiêu chí để đảm bảo tính khả thi khi xây dựng bất kỳ một chương trình giáo dục nào là kế thừa các chương trình cũ. 

Tuy nhiên, do bối cảnh xã hội, do lượng tri thức ngày một nhiều thêm cũng như nhu cầu ở từng thời điểm khác nhau, chương trình sau phải phát triển chương trình trước, vượt hơn chương trình trước để thế hệ sau tiến lên, chứ không giẫm chân tại chỗ. 

Chính vì thế, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở so sánh về thời lượng. Và ngay cả so sánh về thời lượng cũng có phần khập khiễng vì chương trình ở các giai đoạn khác nhau có số lượng môn học và nội dung các môn học khác nhau. 

3. Liệu chúng ta có biến học sinh thành “máy học”?

Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực của người học trong khi các chương trình giáo dục trước đây đều được xây dựng theo định hướng tiếp cận nội dung. 

Chương trình theo định hướng tiếp cận nội dung tập trung vào mục tiêu:

Chúng ta muốn học sinh biết cái gì?”. Còn chương trình theo định hướng tiếp cận năng lực tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào?”.

Đôi điều trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương về chương trình giáo dục năm 1979 ảnh 4

So sánh Chương trình giáo dục mới với Chương trình năm 1979

Nếu thực sự chương trình thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực thì có thể những băn khoăn, trăn trở trên về việc học sinh phải học nhiều, không có kiến thức thực tiễn, thiếu trải nghiệm sẽ được giải quyết.

Vì khi đó, chương trình sẽ quan tâm đến việc giúp học sinh vận dụng những điều đã học vào cuộc sống, giải quyết các tình huống trong cuộc sống dựa trên hứng thú, niềm tin và đạo đức.

Một điều nữa mà Chương trình mới cũng thể hiện rõ, đó là, hoạt động trải nghiệm được đưa vào trường học dưới hai hình thức: là một hoạt động được thực hiện trong từng môn học; và là một hoạt động giáo dục tích hợp. 

Như vậy, tôi hiểu thời lượng hoạt động trải nghiệm sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi 105 tiết mà “hơi thở” của nó sẽ nằm ở toàn bộ chương trình.

Cũng tương tự như vậy, ta không chỉ dạy học sinh các phẩm chất cần có của người học sinh qua môn Đạo đức, không chỉ giúp học sinh rèn luyện thể chất qua môn Giáo dục thể chất.

Tất cả phải được kết hợp hài hòa trong từng môn học, từng giờ học, từng hoạt động học của học sinh. 

Để kết luận bài viết này, theo tôi chương trình hay sách giáo khoa cũng chỉ có những vai trò giới hạn. Điều mấu chốt và quan trọng nhất nằm ở giáo viên.

Tâm huyết, nhận thức, năng lực, phương pháp giảng dạy,… của giáo viên sẽ quyết định phát huy tính ưu việt và hiệu quả của chương trình. 

Và để làm được điều này, chúng ta không chỉ cần hy vọng mà còn cần đóng góp trí tuệ và đôi bàn tay của mình tùy theo vị trí của mỗi người. 

Phan Thị Hồ Điệp