Đổi mới giáo dục - gợi mở từ học thuyết nhiều dạng trí khôn

10/03/2017 07:48
Phạm Anh Tuấn
(GDVN) - Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mọi mục tiêu giáo dục quan trọng bằng nhiều con đường.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài dịch của dịch giả, nhà giáo Phạm Anh Tuấn về một bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Howard Gardner, cha đẻ của lý thuyết về nhiều dạng trí khôn.

Nhận thấy những quan điểm của Giáo sư Howard Gardner có thể góp phần nào đó cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài dịch này, như một kênh để tham khảo. 

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư Howard Gardner và dịch giả Phạm Anh Tuấn. Tên bài viết do Tòa soạn đặt.

Lời người dịch

Michael Moore, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Mỹ trong bộ phim năm 2015 đã thực hiện một bộ phim tài liệu về các nền giáo dục của nhiều nước (Italia, Phần Lan, Tuynisia, Đức, Pháp, Slovenia, Bồ Đào Nha) và so sánh với nền giáo dục Mỹ. 

Bộ phim có tên là Where to Invade Next?, mới đây được chiếu trên một kênh truyền hình phát tại Việt Nam.

Trong một đoạn phỏng vấn các giáo viên một trường tiểu học ở Phần Lan, Michael Moore hỏi một thày giáo: “Theo ông mục đích của giáo dục là gì?” và nhận được câu trả lời: “Mục đích của giáo dục là giúp cho trẻ em hạnh phúc”.

Michael Moore hỏi tiếp: “Xin hỏi, ông dạy môn gì?”. Người được phỏng vấn trả lời: “Tôi là giáo viên dạy môn Toán”.

“Hạnh phúc” thì có liên quan gì đến giáo dục như là sự chuẩn bị cho trẻ em gia nhập xã hội, tìm được việc làm tốt trong nền kinh tế tương lai? Có liên quan gì đến giáo dục “thực học, thực nghiệp”?

Đây là câu hỏi thực sự không dễ trả lời.

Người đồng hương của Michael Moore, nhà tâm lý học-giáo dục Howard Gardner, giáo sư tại Đại học Havard, cha đẻ của lý thuyết về nhiều dạng trí khôn [1] đã có nhiều nỗ lực “nhân bản hóa” giáo dục, hay để nói theo ngôn ngữ thời thượng, là “dân chủ hóa giáo dục”. 

Giáo sư Howard Gardner, ảnh: espacioeniac.com.
Giáo sư Howard Gardner, ảnh: espacioeniac.com.

Phát hiện quan trọng của ông là mỗi một kiểu nhà trường hay một kiểu xã hội hay nền văn hóa lại đề cao “nhất” một dạng trí khôn nào đó, phổ biến là dạng trí khôn lôgic-toán. 

Từ nhiều năm nay Howard Gardner cùng các cộng sự triển khai dự án có tên là Good Project, nhằm nghiên cứu sự “sống sót” của các nghề nghiệp trong một xã hội bị thị trường thao túng. 

Thị trường, thông qua “bàn tay vô hình”, có thể điều khiển, làm biến mất hoặc xuất hiện những nghề nghiệp nào đó. Vì thế, nền giáo dục chạy theo thị trường sẽ rất dễ trở thành một nền giáo dục “thả mồi bắt bóng”. 

Xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn ngắn nhưng súc tích của Howard Gardner được trang web giáo dục www.tiching.com của Tây Ban Nha thực hiện năm 2013, trước khi chúng tôi có dịp nhận được những bài sâu hơn, kỹ lưỡng hơn về Howard Gardner.

Nội dung phỏng vấn cha đẻ của lý thuyết về nhiều dạng trí khôn Howard Gardner

- Hỏi: Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn của ông (Multiple Intelligences Theory) được cả thế giới biết đến, nhưng ông định nghĩa thế nào về thuật ngữ “trí khôn”?  

Howard Gardner: Trí khôn là một tiềm năng có cơ sở sinh học và tâm lý.

Tiềm năng ấy được thể hiện ra ở việc một người có thể phân tích thông tin theo những cách đặc trưng riêng biệt để giải quyết các vấn đề, hoặc để sáng tạo những sản phẩm được đề cao trong một nền văn hóa nhất định. 

- Hỏi: Ông giải thích trong lý thuyết của mình rằng có tồn tại tám dạng trí khôn khác nhau.

Như thế nghĩa là mỗi chúng ta ai cũng đều có tám dạng trí khôn đó theo những mức độ khác nhau hay là mỗi người chỉ có một trí thông minh? 

Howard Gardner: Điều này đã được bao hàm trong định nghĩa của tôi về trí khôn.

Tôi bác bỏ quan niệm cho rằng con người chỉ có độc nhất một trí thông minh nói chung, rồi người ta cho rằng trí thông minh ấy được đem dùng để giải quyết tất tật mọi vấn đề. 

Đổi mới giáo dục - gợi mở từ học thuyết nhiều dạng trí khôn  ảnh 2

Những bí ẩn được che đậy về giáo dục tiếp cận năng lực ở các nước Pháp ngữ

(GDVN) - Đường lối tiếp cận năng lực là một yếu tố gây ra sự bừa bãi, làm củng cố thêm sự bất bình đẳng (bình đẳng xã hội) trong hệ thống giáo dục.

Cái được người ta quen gọi là “trí thông minh” là ám chỉ tới khả năng ngôn ngữ và khả năng lôgic vốn được đề cao ở trong những kiểu nhà trường nhất định nào đó và để phục vụ những nhiệm vụ giống như những nhiệm đã được chuẩn bị ở trong nhà trường như vậy. 

Hầu như không còn chỗ nào cho trí khôn không gian, trí khôn cá nhân, trí khôn âm nhạc v.v. Ai cũng đều có tất cả tám dạng trí khôn. 

Nhưng mỗi chúng ta không ai thông minh giống ai, vì cả lý do di truyền lẫn do thực hành mà có, nếu ta chỉ nhìn vào một phương diện của trí thông minh tại một thời điểm nào đó. 

Chúng ta có thể làm cho mình thông minh lên, nhưng như tôi đây, tôi không bao giờ là Yo-Yo Ma, Albert Einstein, Marie Curie hay Pele. 

- Hỏi: Chúng tôi đã tham dự cuộc hội thảo do ông tổ chức tại Trường Montserrat, hôm ấy ông đã nói về hai dạng trí khôn mà ông muốn bổ sung: trí khôn sư phạm và trí khôn hiện sinh. Vấn đề này đã tiến triển đến đâu rồi? 

Howard Gardner: Với tôi, để “công nhận” một dạng trí khôn thì tôi phải tiến hành rất nhiều nghiên cứu. 

Tôi chưa có thời gian để nghiên cứu “trí khôn dạy học”, và cách đây nhiều năm tôi đã tiến hành khảo sát “trí khôn hiện sinh” nhưng đến giờ tôi vẫn chưa chắc chắn liệu đây có phải là một dạng trí khôn rõ rệt hay không. 

Nhưng tôi vẫn cứ dùng hai thuật ngữ này một cách không chính thức, và ai muốn dùng cũng được. 

- Hỏi: Ông dùng các tiêu chí nào để kết luận về một dạng trí khôn để đưa thêm vào lý thuyết của mình? 

Howard Gardner: Tại Chương 4 của quyển Frames of Mind xuất bản năm 1983 tôi đã đề ra tám tiêu chí cho mỗi dạng trí khôn.

Để rút ra tám tiêu chí này tôi đã nghiên cứu một số lĩnh vực và những kiểu người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. 

Không có một phương trình hoàn hảo độc nhất để xác định một “ứng cử viên” có đủ tiêu chuẩn hay không. Tôi cân nhắc thận trọng và cố gắng sao cho đưa ra được sự đánh giá tốt nhất. 

Tôi nghĩ “trí khôn dạy học” và “trí khôn hiện sinh” đáp ứng khá tốt tám tiêu chí, nhưng như tôi vừa nói đấy, tôi vẫn còn phải nghiên cứu thêm để tự tin đưa ra kết luận.

- Hỏi: Ông có nghĩ trong tương lai ông sẽ đưa thêm các dạng trí khôn khác nữa hay không? 

Howard Gardner: Tôi mới chỉ nghĩ trong đầu thôi. Antonio Battro, đồng nghiệp của tôi, đã viết về một “trí khôn số” (digital intelligence) và chắc chắn cũng đáng để ta suy nghĩ lắm chứ. 

Nhưng cho tới giờ thì cái mà anh ấy gọi là “trí khôn số” dường như cũng có thể giải thích thỏa đáng bằng trí khôn lôgic-toán và trí khôn cơ thể-vận động – những kỹ năng ứng xử với một con chuột và/hoặc một con trỏ trên màn hình theo kiểu sử dụng “các ngón tay”. 

- Hỏi: Mới đây ông đã khai trương trang web Multiple Intelligences Oasis. Mục đích của ông là gì vậy? 

Howard Gardner: Đây là một trang web bắt đầu hoạt động từ mùa hè năm 2013.

Tôi đưa lên trang web này những bài viết nói về lý thuyết về nhiều dạng trí khôn, nêu bật những ứng dụng có sức thuyết phục, và chỉ ra những điều tôi đã khẳng định rồi nhưng vẫn còn nghi vấn, vì thế tôi mới dùng hình ảnh một ốc đảo (nước ở giữa một sa mạc khô cằn). 

- Hỏi: Đối với người làm nghề dạy học, làm thế nào để biết một học sinh có dạng trí khôn nào? 

Howard Gardner: Tôi vẫn thường khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con mình tới một viện bảo tàng và quan sát xem con mình làm gì, làm như thế nào, chú ý đến cái gì, phát triển rõ rệt cái gì. 

Đổi mới giáo dục - gợi mở từ học thuyết nhiều dạng trí khôn  ảnh 3

Bản chất của việc học - cơ sở lý luận của Cánh Buồm

(GDVN) - Không lo cái lý lẽ cốt lõi của sự học, không thấy bản chất của việc học là tự học, không quan tâm nghiên cứu con đường tự học, thì không thể thành công!

Các giáo viên cũng có thể làm giống hệt hoặc có thể tổ chức những sân chơi như là một nơi cung cấp “dưỡng chất” nuôi các dạng trí khôn … và quan sát cẩn thận những gì xảy ra và những gì mình không thấy xảy ra ở mỗi học sinh.  

Khi một đứa trẻ đang tiến bộ thì chẳng có lý do gì để mất thời gian vào việc đánh giá các dạng trí khôn của đứa trẻ ấy.

Nhưng nếu một đứa trẻ KHÔNG “phát triển”, ở trường hoặc ở nhà, thì đấy là lúc phải vận dụng lăng kính của lý thuyết về nhiều dạng trí khôn và xem thử liệu có thể tìm ra các cách để đứa trẻ ấy có thể phát triển trong những môi trường khác đi. 

- Hỏi: Khi đã nhận diện được các dạng trí khôn thì làm thế nào để phát triển chúng? Mỗi dạng trí khôn có một cơ chế để giúp nó mạnh lên hay là? 

Howard Gardner: Mỗi người phát triển một dạng trí khôn chỉ khi tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự sử dụng dạng trí khôn ấy. 

Có giáo viên giỏi, có đầy đủ các phương tiện vật chất phục học tập, rồi có động cơ cá nhân, thì cũng tốt thôi.

Bất cứ ai cũng đều có thể cải thiện trí thông minh của mình nếu có các yếu tố nói trên và nếu có tiềm năng cao về một dạng trí khôn.

- Hỏi: Có nên thiết kế lại chương trình học để nâng cao tất cả các dạng trí khôn? Nếu có thì nên thay đổi điều gì? 

Howard Gardner: Tôi không nghĩ là cần thiết phải xem xét lại những mục tiêu của chương trình học. Nhưng điều chắc chắn đáng để suy nghĩ đó là liệu những mục tiêu ấy có thể đạt được bằng nhiều cách hay không. 

Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mọi mục tiêu giáo dục quan trọng bằng nhiều con đường.

Ở các chương từ 7 đến 9 của cuốn sách The Discipled Mind xuất bản năm 1999 tôi có giới thiệu cách thức dạy môn khoa học, lịch sử và âm nhạc, qua lý thuyết về nhiều dạng trí khôn. 

- Hỏi: Phương tiện học tập sử dụng công nghệ tiên tiến có quan trọng không đối với quá trình học của mỗi học sinh?

Howard Gardner: Giáo viên giỏi thì cũng nên làm quen với công nghệ tiên tiến thích hợp. Nhưng đừng để phương tiện học tập sử dụng công nghệ tiên tiến chỉ huy chúng ta. 

Đừng coi đó là mục tiêu của giáo dục. Mà người giáo viên (cả cha mẹ, sinh viên sư phạm và nhà hoạch định chính sách) nên tự hỏi:

Phương tiện công nghệ có thể giúp đạt được mục đích mình định hay không và công nghệ nào là hữu ích nhất? 

- Hỏi: Ông thấy bản thân ông nghiên cứu mạnh nhất về dạng trí khôn nào? 

Howard Gardner: Tôi nghĩ mình mạnh nhất ở dạng trí khôn ngôn ngữ và trí khôn âm nhạc [trong khi ông Jean Piaget mạnh về trí khôn lôgic-toán [2], và tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với trí khôn hướng ngoại và trí khôn hướng nội.

- Hỏi: Hiện tại ông đang thực hiện dự án (hay các dự án) gì? 

Howard Gardner: Từ hai mươi năm nay tôi tham gia dự án The Good Project, đây là một dự án nghiên cứu về cách nào để các nghề nghiệp sống sót được trong một thời đại mà thị trường có quyền năng quá lớn, dự án này lại đẻ ra nhiều dự án con. 

Hiện tại tôi đang nghiên cứu về các môn học nhân văn và các môn khoa học tự nhiên ở thế kỷ 21 này.

Chúng tôi muốn nghiên cứu để biết cách làm thế nào tạo ra và duy trì một nền giáo dục đại học như chúng tôi đề cao song hiện nay đang lâm nguy vì nhiều lý do.

Chú thích:

[1] Theory of Multiple Intelligences, năm 1985 đã xuất bản cuốn sách quan trọng nhất của mình, Frames of Mind để trình bày về lý thuyết trên. Năm 1995, cuốn sách được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Cơ cấu trí khôn, người dịch là nhà giáo Phạm Toàn người sáng lập Nhóm Cánh Buồm.

Năm nay (2017) nhóm Cánh Buồm sẽ giới thiệu tiếp bản dịch cuốn sách nữa cũng rất quan trọng của Howard Gardner, The Unschooled Mind, được dịch là “Trí khôn phi học đường”. 

[2] Câu của Howard Gardner trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác, người dịch.

Nguồn: trang nhà của Howard Gardner: https://howardgardner.com/

Phạm Anh Tuấn