Phương pháp dạy học mới thay đổi ở vỹ mô, chưa thấm sâu vào trường học

11/10/2017 06:19
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Tạ Quang Sum: “Việc tiếp cận chương trình mới không chờ đến thời điểm thực hiện mà ngay từ năm học này cần tổ chức giới thiệu đến giáo viên và học sinh".

Tại Hội thảo Giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức 22/9, ông Tạ Quang Sum (Nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo, thành phố Cam Ranh) đã gửi tới tham luận, “Chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam những vấn đề quan tâm”.

Trong đó, ông Tạ Quang Sum đã chỉ ra nhiều điểm bất cập và đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm thay đổi để giáo dục phổ thông phát triển hơn trong thời gian tới.

Vấn đề mà chuyên gia này dành tâm huyết lớn đó là đổi mới phương pháp dạy và học tại các trường phổ thông hiện nay.

Theo ông Sum: “Hoạt động chủ yếu của mọi nhà trường là dạy và học, triển khai công việc có tính sự nghiệp ấy đòi hỏi phải có phương pháp phù hợp thời thế.

Cho đến hiện nay phương pháp dạy và học trong các nhà trường đã rất lạc hậu, nhưng khó thay đổi vì chưa có những giải pháp khả thi nhằm thay đổi cả một hệ thống tập quán bị nhân danh là truyền thống.

Cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẻ tạo ra sức ì ngăn cản đổi mới, vì đích đến của họ chỉ là kết quả các kỳ thi”.

Theo ông Tạ Quang Sum phương pháp dạy học hiện nay ở các trường phổ thông cần đổi mới (ảnh nguồn giaoduc.net).
Theo ông Tạ Quang Sum phương pháp dạy học hiện nay ở các trường phổ thông cần đổi mới (ảnh nguồn giaoduc.net).

Liên quan đến phương pháp dạy học phổ thông hiện nay, ông Tạ Quang Sum cho rằng còn nhiều tồn tại như việc:

“Thầy cô giáo trong quá trình dạy học hầu như phải và chỉ cần nói lại đầy đủ những gì đã được viết trong sách giáo khoa, phải tuân thủ trình tự lên lớp.

Tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở nên cấp thiết để vinh thăng nghề dạy học.

Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra chưa thực chất, khó phản ánh được chất lượng của giáo viên và học sinh.

Việc thay đổi hầu như chỉ dừng ngang ở những quyết định vỹ mô, chưa thấm sâu vào các cơ sở trường học.

Cả cán bộ quản lý lẫn giáo viên đều không dễ dàng từ bỏ nhiều cách làm cố hữu bởi quan điểm dạy học chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học mà không có điều tiếng gì”.

Phương pháp dạy học mới thay đổi ở vỹ mô, chưa thấm sâu vào trường học ảnh 2Vào năm học mới, VNEN sẽ đi về đâu?

Từ những tồn tại đó, vị chuyên gia này cho rằng cần phải thay đổi phương pháp dạy học, trong đó việc thay đổi phương pháp dạy và học không có nghĩa là loại bỏ những phương pháp truyền thống như :

Thuyết trình – đàm thoại – luyện tập – đọc chép – ghi chép….. mà trong giai đoạn chuyển tiếp cần cải tiến những phương pháp này để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm.

Người dạy có thể chọn hoặc kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học, phương pháp được chọn phải phù hợp với đối tượng – môi trường – yêu cầu thiết kế và mục tiêu giải quyết công việc được giao trong phạm vi chương trình giáo dục, và hiệu quả được đo bằng chất lượng học sinh.

“Trong tất cả các trường hợp thì việc tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và tận dụng tiện ích từ công nghệ thông tin – bồi dưỡng phương pháp tự học cho học sinh – đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phải được đặt vào vị trí ưu tiên.

Để việc thay đổi phương pháp dạy học hiệu quả, cần thiết phải bắt đầu đào tạo những thế hệ giáo viên theo quy chuẩn mới.

Thành lập các trường kiểu mẫu hoàn toàn áp dụng phương pháp dạy học mới, xem đó là hình mẫu để nhân lên đại trà.

Tổ chức các lớp học chính quy tập trung để tái đào tạo giáo viên hiện hành với kế hoạch - chương trình rõ ràng.

Trao quyền tự chủ cho người dạy trên cơ sở toàn khối chương trình và thời gian hoàn thành. Cho phép người dạy chủ động điều phối chương trình theo với mặt bằng tiếp thu của người học.

Như vậy thay đổi phương pháp dạy học cũng đồng nghĩa với việc thiết lập một nền giáo dục khai phóng” – Vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Phương pháp dạy học mới thay đổi ở vỹ mô, chưa thấm sâu vào trường học ảnh 3Kỹ thuật đổi mới giáo dục phổ thông của ta chưa mạch lạc, thống nhất

Một vấn đề mà nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo, thành phố Cam Ranh đề xuất cần thay đổi nữa là cách dạy ngoại ngữ hiện nay.

Theo ông Tạ Quang Sum: “Việc dạy ngọai ngữ lâu nay quá chú trọng vào lĩnh vực hàn lâm, dạy và học ngoại ngữ chủ yếu để đi thi.

Do đó, cả thầy và trò đều dành phần lớn thời gian tập trung vào việc giải những đề thi, quanh quẩn với những chủ điểm – vấn đề thường ra thi… mà quên mất đặt ra yêu cầu trang bị cho học sinh phương tiện phục vụ giao tiếp.

Hệ quả là trình độ ngoại ngữ của học sinh thấp mặc dù chương trình học khá nhiều nội dung.

Về chuyên môn và cơ sở vật chất thì còn có một số tồn tại như: năng lực của giáo viên còn hạn chế (đặc biệt việc phát âm chưa đúng), thiếu thiết bị hỗ trợ dạy học nên học sinh khó tiếp thu, có lúc học bị sai.

Bên cạnh đó, rất nhiều học sinh chưa nắm vững ngữ pháp tiếng Việt, nên không thể hiểu, tiếp thu, sử dụng ngữ pháp tiếng nước ngoài”.

Từ những tồn tại được chỉ ra, ông Sum cho rằng: “Không nên bê nguyên chương trình và phương pháp dạy ngọai ngữ của nước ngoài đặt lên bàn học sinh Việt Nam.

Cần khảo sát trên các bộ môn khác mà mỗi cấp - khối lớp đang học, chiết xuất được phần đặc trưng.

Để cấu trúc lại chương trình và viết lại nội dung giảng dạy ngọai ngữ cho người Việt, trên cơ sở của sự liên thông giữa Việt văn và Ngọai văn, sao cho tạo ra được nhiều sự trùng lặp chủ đề qua song ngữ.

Ví dụ: ở bộ môn Văn học lớp 12 có bài Tuyên ngôn độc lập, thì liền kế đó ở bộ môn Ngoại ngữ nên cho học sinh gặp lại nội dung trên, chính điều này sẽ làm hưng phấn và tạo ra thích thú cho học sinh học ngọai ngữ”.

Phương pháp dạy học mới thay đổi ở vỹ mô, chưa thấm sâu vào trường học ảnh 4Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại!

Ông Tạ Quang Sum nhấn mạnh: “Giáo viên dạy ngoại ngữ phải được đào tạo đúng chuẩn quốc tế, thường xuyên được tu nghiệp trong và ngoài nước ở những quốc gia có ngôn ngữ thứ 2.

Đặc biệt phải triệt tiêu được quan niệm và mục đích: chỉ học để thi, mới xác lập được cơ sở vững bền cho việc dạy ngọai ngữ trong trường phổ thông”.

Bên cạnh những tồn tại cách dạy học hiện nay, ông Tạ Quang Sum rất trăn trở làm sao để thầy và trò tiếp cận được chương trình phổ thông mới. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng: “Việc tiếp cận chương trình mới này không thể chờ đến thời điểm thực hiện, mà ngay từ năm học này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dành nhiều thời gian để tổ chức giới thiệu đến giáo viên và học sinh.

Cần lập nên nhiều diễn đàn cho giáo viên tiếp cận với tất cả nội dung, những cuộc hội thảo trong trường hoặc liên trường rất bổ ích cho lực lượng con người sẽ thực hiện các chương trình.

Đài truyền hình quốc gia nên dành hẳn kênh thông tin cho giáo viên, hàng ngày phát các thông tin liên quan về giáo dục cả nước, bài giảng về Anh ngữ thực dụng, kể cả những chương trình tập huấn cho cha mẹ học sinh tham gia giáo dục con cái ngoài nhà trường.

Đó chính là điều kiện rộng rãi và hoàn cảnh tích cực để toàn xã hội thực hiện chiến lược giáo dục quốc gia”.

Ngoài ra, chuyên gia này còn cho rằng: “Các bậc học – các nhà trường cần phải được định hướng bằng những chủ trương giáo dục cụ thể và hiện thực như thế nào!

Cần được trang bị về mặt lý luận dạy học, phương pháp dạy học, tổ chức dạy học như thế nào trong điều kiện phát triển của Việt Nam thời hội nhập!

Đặc biệt lực lượng nhân sự phục vụ sự nghiệp giáo dục quốc gia phải được đào tạo chính quy và chính thống.

Để mỗi thầy – cô giáo là một tấm gương đạo đức – văn hóa – khoa học – sáng tạo, cho học sinh ngưỡng mộ mà noi theo.

Giáo dục Việt Nam phải giao đến tận cơ sở trường học nhiệm vụ hiện thực và cung ứng giải pháp khả thi trong tổng thể chiến lược trồng người”.

Trinh Phúc