LTS: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra dự thảo 3 phương án cho kì thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
GS. TSKH Phạm Sỹ Tiến từng có một thời gian là Trưởng ban Đề án tuyển sinh viên đi học nước ngoài ở trình độ đại học bằng ngân sách nhà nước nên đã nghiên cứu về cách tuyển sinh của một số nước, và đã thu thập khá nhiều thông tin từ các học sinh Việt Nam tốt nghiệp THPT ở Việt Nam cũng như ở một số nước,được các trường đại học (ĐH) loại tốt của nước ngoài nhận đào tạo trình độ ĐH, thậm chí cấp học bổng.
Vì thế ông muốn tham gia ý kiến và kiến nghị về 3 phương án của Bộ GD&ĐT nhằm góp phần tìm ra một giải pháp tốt nhất, làm cho việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) của nước ta tương đồng với nhiều nước trên thế giới.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông.
Theo ông GS. Tiến cả ba phương án của Bộ GD&ĐT có điểm chung là đều gồm 4 môn (hoặc bài) thi, trong đó ngoại ngữ là môn bắt buộc, chấm dứt cuộc tranh luận có nên yêu cầu thi ngoại ngữ khi việc dạy ngoại ngữ ở các vùng miền khác nhau còn có sự chênh lệch.
Nên chọn phương án 2
Ở phương án 1, ngoài ngoại ngữ thì 2 môn bắt buộc khác là Toán, Văn và 1 môn học sinh được tự chọn trong một số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa. Về cơ bản, phương án 1giống kìthi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa thực hiện với kết quả xấp xỉ 100% học sinh tốt nghiệp. Với kết quả này, nhiều người có lí khi cho rằng chẳng cần tổ chức thi tốt nghiệp tốn kém làm gì.
Ảnh minh họa |
Kết quả thi cũng không đủ tin cậy để làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ. Phương án 1 tất nhiên được nhiều học sinh ủng hộ, nhưng sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, học sinh chỉ chú trọng các môn bắt buộc, học đối phó đối với các môn được lựa chọn.Vì thế, nếu coi trọng việc giáo dục toàn diện thì không nên sử dụng phương án 1.
Phương án 2, theo dự thảo học sinh phải thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 được lựa chọn nhưng yêu cầu cao hơn phương án 1 ở chỗ đó là bài thi khoa học tự nhiên (KHTN gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (KHXH gồm Lịch sử và Địa lý). Người ủng hộ phương án 2 cho rằng học sinh sẽ lựa chọn theo định hướng khối thi ĐH, CĐ. Cũng có ý kiến cho rằng phương án 2 của Bộ GD&ĐT vẫn gây ra tình trạng học lệch, nên đề nghị thi 5 môn (trong đó 3 môn đơn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tích hợp là bài thi KHTN và bài thi KHXH).
Theo tôi, bước đầu trong năm 2015 kỳ thi tốt nghiệp THPT nên gồm 5 môn với 3 môn bắt buộc như dự thảo của Bộ GDĐT (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Ngoài ra, học sinh được chọn 2 môn, nhưng yêu cầu 1 môn chọn trong nhóm môn về KHTN (Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học) và 1 môn chọn trong nhóm môn về KHXH (Lịch sử hoặc Địa lý).
Kỳ thi quốc gia và quan điểm bảo thủ của xã hội
Theo PGS. TS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông thì kỳ thi quốc gia nên tổ chức từ năm 2015, không thể để tới các năm sau.
Như vậy học sinh sẽ tránh được sự ngỡ ngàng về bài thi tích hợp hay tổng hợp. Để giảm áp lực cho học sinh khi thi tốt nghiệp THPT nên tinh giản nội dung từng môn học.
Phương án 3 với 4 bài thi tích hợp gồm: bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân) và bài thi Ngoại ngữ. Phương án 3 khó áp dụng trong điều kiện nước ta hiện nay.
Ba phương án trên, kể cả có một số điều chỉnh đều chưa giải quyết được vấn đề phân luồng sau trung học cơ sở (THCS), đại bộ phận học sinh sau khi hoàn thành THCS đều lên học THPT. Để khắc phục tình trạng này, nên nghiên cứu cơ cấu lại giáo dục phổ thông (GDPT), trên cơ sở đó khẳng định cách thi tốt nghiệp THPT sau năm 2015.
Nói về cơ cấu lại GDPT có ý kiến cho rằng cấu trúc GDPT đã được quy định trong Luật Giáo dục nên sẽ động đến việc sửa Luật Giáo dục. Tuy nhiên, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục nghiên cứu đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế phát triển giáo dục của thế giới”.Như vậy, hệ thống GDPT hiện nay chưa thể coi là tối ưu.
Đề xuất 2 năm nâng cao ở phổ thông
Nên cơ cấu lại hệ thống giáo dục theo hướng: THPT thực hiện đến lớp 10, sau đó là 2 năm Trung học nâng cao (THNC). Tại sao nên xây dựng THPT 10 năm? Có thể nói THCS (hiện tại là 9 năm) chưa trang bị đủ cho học sinh kiến thức cần thiết để bước vào cuộc sống, lao động, còn THPT 12 năm hiện nay với nhiều kiến thức mà cuộc sống lao động thực tế lại không cần. Ở nước ta đã tồn tại THPT 10 năm với nhiều thành tự to lớn, và trên thế giới hiện nay cũng có nước THPT chỉ 10 năm.
THPT 10 năm có nhiệm vụ trang bị cho học sinh đủ kiến thức để bước vào cuộc sống, lao động, không nên yêu cầu quá cao về toán học, văn học, khoa học, những yêu cầu cao này dành cho giai đoạn Trung học nâng cao, trong khi đó nên chú trọng trang bị tốt cho học sinh kiến thức về lịch sử, địa lý, đạo đức, cách sống.
"Nếu là học sinh, mình cũng thấy hoảng..."
Một kỳ thi không giải quyết được những bất cập của nền giáo dục. Vì vậy, Bộ Giáo dục nên đầu tư phân luồng học sinh, để có nền giáo dục chất lượng.
Hai năm THNC tạo điều kiện cho học sinh có thể chọn học theo các nhóm môn khác nhau phù hợp với nguyện vọng và năng lực cá nhân, ví dụ có các nhóm môn: Toán - Lý; Toán – Tin, Hóa - Sinh; Văn - Sử - Địa v.v… trong đóNgoại ngữ (một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức)là yêu cầu chung bắt buộc khi học THNC.
Khi đã thống nhất cơ cấu lại GDPT, thi tốt nghiệp THPT(10 năm) gồm 5 bài thi như kiến nghị cải tiến phương án 2 nêu ở trên. Trong đó, sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan kèm câu tự luận.Thi tốt nghiệp THPT (10 năm), nên thiết kế sao cho khoảng 80-85% học sinh tốt nghiệp với tổng điểm 5 bài thi đạt 24 hoặc 25 điểm trở lên.
Có thể nghiên cứu để quy định tổng điểm thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu (ví dụ với 5 bài thi phải đạt 35 điểm) thì học sinh mới được lên học TH nâng cao. Số học sinh tốt nghiệp THPT dưới mức điểm quy định này (từ 24 hoặc 25 điểm đến dưới 35 điểm) sẽ chỉ được đăng ký học cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Sau khi học xong cao đẳng, sinh viên giỏi sẽ có thể tiếp tục học ngay bậc đại học với quy định liên thông mềm dẻo, khuyến khích người học giỏi, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng hình thức đào tạo liên thông.
Đề thi tốt nghiệp THPT cũng cần nghiên cứu sao cho chỉ khoảng 50% số học sinh đạt mức điểm quy định (ví dụ 35 điểm) để được học chương trình THNC, là điều kiện cần để được vào học đại học. Đây là biện pháp cụ thể giúp cho việc phân luồng học sinh sau 10 năm học THPT một cách rõ ràng,chất lượng sinh viên vào đại học nhờ thế sẽ được cải thiện.
Học sinh học THNC có thể thi một vài lần trong năm để có chứng chỉ các nhóm môn nêu trên (tạm gọi là chứng chỉ THNC).Cuộc thi này tổ chức một cách nhẹ nhàng đối với học sinh, có thể so sánh với thi chứng chỉ SAT2 của Hoa Kỳ, chứng chỉ A Level của Anh Quốc, Singapore. Các trường đại học Việt Nam theo định hướng nghiên cứu hay trường đại học có yêu cầu cao sẽ quy định điểm cao trong chứng chỉ THNC đồng thời với kết quả học 2 năm THNC của học sinh.
Các trường đại học khác có thể quy định điểm thấp trong chứng chỉ THNC hoặc chỉ xét kết quả học THNC.Những học sinh tốt nghiệp THPT trước năm tuyển sinh đại học (học sinh khóa trước) và học sinh học hệ giáo dục thường xuyên cần phải thi để có chứng chỉ THNC với điểm phù hợp do các trường đại học qui định.
Riêng việc thi tốt nghiệp THPT không thể nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng đó là khâu đột phá,định hướnggiảng dạy, học tậptrong giáo dục phổ thông và có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, CĐ. Còn nhiều vấn đề trong giáo dục cần được thảo luận sâu rộng, nhưng vấn đề cơ cấu lại hệ thống giáo dục nên được nghiên cứu sớm.