LTS: Chỉ ra những đối tượng thường hay bị bạo hành nhất trong nhà trường, nhà giáo Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Qua đó, cô Phan Tuyết cũng cho rằng, việc chấm dứt bạo hành trong nhà trường không phải trách nhiệm của mình giáo viên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời gian gần đây, dư luận sục sôi bởi hàng loạt vụ bạo hành học sinh trong trường học bị phơi bày trước ánh sáng.
Những vụ bạo hành thường diễn ra nhiều nhất ở cấp tiểu học. Nhiều phụ huynh bất an, lo sợ con cái mình sẽ là những nạn nhân tiếp theo…môi trường giáo dục ngỡ là nơi tuyệt đối an toàn cho bọn trẻ giờ đây đã hoàn toàn mất đi ý nghĩa ấy.
Vấn nạn bạo hành học đường (Ảnh minh họa: chụp màn hình từ kênh Nghệ An TV). |
Chẳng cần tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành học sinh thì ai cũng biết đó chính là áp lực về các chỉ tiêu, về thành tích thi đua…nhưng không phải học sinh nào học trong môi trường ấy cũng bị bạo hành.
Vậy đối tượng nào thường hay bị bạo hành trong nhà trường nhiều nhất?
Học sinh chậm phát triển trí tuệ
Nếu là học sinh khuyết tật học hòa nhập, theo quy định các em sẽ được đánh giá theo hai cách.
Với học sinh khuyết tật nhẹ, giáo viên sẽ hạ mục tiêu theo chuẩn kiến thức kĩ năng. Học sinh ở mức độ nặng thầy cô chỉ dựa trên sự tiến bộ của các em để đánh giá.
Nhờ quy định này, giáo viên không quá áp lực với các em về việc học vì học thế nào cũng sẽ được lên lớp mà thầy cô sẽ không bị vướng vào chỉ tiêu đã khống chế.
Nhưng lại khá áp lực về việc theo dõi, trông nom và canh chừng các em bởi độ chai lỳ, hay nổi nóng bất kì và thường xuyên đánh bạn, phá phách trong giờ học.
Những học sinh chậm phát triển trí tuệ nhưng không có giấy chứng nhận của cơ sở y tế (đối tượng này, lớp ít nhất có một em, lớp nhiều đôi khi có đến vài em/lớp). Giáo viên vô cùng khổ với những học sinh diện này.
Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu chân tơ kẽ tóc của nạn bạo lực học đường |
Bởi vì không ai công nhận các em chậm phát triển trí tuệ. Thế nên các em buộc phải học như những học sinh bình thường khác.
Áp lực chỉ tiêu và lương tâm đè nặng. Học quá yếu mà cho các em lên lớp lương tâm, trách nhiệm người giáo viên bị cắn rứt. Bởi gần như thầy cô trực tiếp chặn đứng con đường học tập của các em sau này.
Phần vì đổ trách nhiệm nặng nề cho đồng nghiệp lớp trên. Nếu cho các em ở lại lớp thì kéo theo biết bao hệ lụy cho trường, cho bản thân thầy cô ấy. Bởi thế, thầy cô phải nỗ lực kèm cặp.
Thế nhưng giáo viên đâu chỉ dạy vài em yếu kém, còn mấy chục học sinh khác thì sao?
Ngoài giờ học chung, thầy cô phải kè kè bên cạnh để dạy đọc, dạy viết nhưng vốn học yếu lại lười cùng với việc phụ huynh ít quan tâm phối hợp với thầy cô. Những ức chế ấy cứ bị dồn nén và trút giận lên đầu các em là điều dễ hiểu.
Học sinh quá hiếu động
Đối tượng tiếp theo là những học sinh quá hiếu động. Trong giờ học thường các em không thể ngồi yên, quay qua chọc bạn này, véo bạn kia, la hét gây ồn ào mất trật tự. Có khi tự ý đi lại ngay trong giờ học.
Giờ chơi thì nghịch ngợm hay gây gổ, xích mích đánh nhau với bạn…những học sinh này thường xuyên có mặt trong sổ đầu bài, sổ cờ đỏ, sổ theo dõi của giám thị…gặp được phụ huynh quan tâm, hợp tác, giáo viên chủ nhiệm còn đỡ.
Có không ít gia đình ba mẹ suốt ngày bận rộn công việc mưu sinh nên chẳng có thì giờ đâu mà nghe chuyện con cái.
Những giáo viên chủ nhiệm của các em cũng thường xuyên bị đồng nghiệp “mắng vốn” khi các em gây gổ với học sinh lớp khác đôi khi giáo viên còn bị nhà trường nhắc nhở bởi nề nếp lớp không thể cải thiện.
Và những thành tích của cả lớp thường bị “đổ sông đổ biển” vì những học sinh này.
Học sinh ngồi nhầm lớp
Nếu làm cuộc khảo sát công tâm ở các trường tiểu học trong cả nước thì đối tượng học sinh ngồi nhầm lớp trong từng trường không hề nhỏ. Giáo viên gặp khá nhiều khó khăn với những học sinh này.
Có em lớp 5 nhưng đọc bài phải đánh vần từng chữ, có em lớp 4 nhưng làm toán lớp 1, lớp 2 đơn giản còn sai, học sinh lớp 3 không viết nổi tên mình…
Khi giảng hoài mà trò không hiểu đặc biệt là những thầy cô nóng tính và áp lực thành tích thi đua cao nên có thầy cô khó giữ nổi bình tĩnh.
Hạn chế bạo lực không chỉ mình giáo viên thay đổi là xong
Chấm dứt bạo hành trong nhà trường không phải trách nhiệm của mình giáo viên. Thầy cô thay đổi chỉ mới giải quyết phần ngọn. Muốn triệt tiêu tận gốc bạo lực cũng cần thay đổi cách áp đặt các chỉ tiêu vô lý như hiện nay.
Học yếu phải được quyền ở lại lớp mà giáo viên không bị buộc tội gì (đương nhiên khi thầy cô đã nỗ lực kèm cặp). Không cột nề nếp lớp vào chỉ tiêu thành tích cho giáo viên để tạo áp lực…
Cùng với việc từng phụ huynh hãy luôn phối hợp với thầy cô để hỗ trợ các em trong việc học tập sinh hoạt ở trường. Có như thế tình trạng bạo hành học sinh mới mong được chấm dứt.