Dừng thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thì tốt ít, dở nhiều

21/09/2017 06:38
THIÊN ẤN
(GDVN) - Thầy Thiên Ấn khẳng định rằng, nếu bỏ hẳn hai hội thi quan trọng bậc nhất này dành cho đội ngũ nhà giáo thì chỉ có “lợi bất cập hại”, tốt ít, dở nhiều.

LTS: Gần đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến liên quan đến việc có nên tiếp tục duy trì các cuộc thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi hay không.

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, thầy giáo Thiên Ấn, một người đang làm công tác quản lý tại trường trung học cho rằng việc xóa bỏ hai hội thi trên sẽ là “lợi bất cập hại”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 31/5/2017, tôi (Thiên Ấn) từng có bài viết “Ngành giáo dục chỉ nên tổ chức các cuộc thi, hội thi gì?”.

Trong bài này, tôi chỉ rõ nhiều kỳ thi, cuộc thi, hội thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương phát động, triển khai trong thời gian qua dành cho thầy, cô giáo và học sinh phổ thông nặng về hình thức, vô bổ, gây nhiều áp lực, mệt mỏi, tốn kém không ít thời gian, công sức, tiền bạc của nhà trường, giáo viên và học sinh cần phải cắt giảm.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có hai văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, tinh giản các cuộc thi, hội thi kiểu như thế.

Hai hội thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi có ý nghĩa và giá trị nhất định. Ảnh minh họa: baosonla.org.vn
Hai hội thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi có ý nghĩa và giá trị nhất định. Ảnh minh họa: baosonla.org.vn

Đồng thời, tôi còn đưa đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì và nhân rộng hai hội thi: Giáo viên dạy giỏi và Chủ nhiệm giỏi dành cho đội ngũ thầy, cô giáo ở các bậc học phổ thông.

Bởi những lý do cơ bản sau đây:

Hai hội thi này được Bộ Giáo dục và Đào tạo thể chế hóa bằng hai Điều lệ, kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT năm 2010 và Thông tư số 43/2012/TT-BGDĐT năm 2012 trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng và thấy được tính cần thiết, ý nghĩa to lớn của nó đối với việc tiếp tục củng cố, nâng cao, phát huy hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục ở nhà trường phổ thông.

Hai hội thi là hai “sân chơi” thực sự bổ ích, thiết thực để các thầy, cô giáo gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của mình được đúc kết quả một quá trình công tác, giảng dạy.

Dừng thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thì tốt ít, dở nhiều ảnh 2

Giảm bớt các cuộc thi, người vui kẻ buồn

Có thể nói, mục đích, điều kiện, tiêu chuẩn, cách thức tổ chức và mức độ yêu cầu ở từng cấp (trường, huyện (quận), tỉnh và Bộ)… của hai Thông tư được thể hiện một cách khoa học, phù hợp, chặt chẽ, rất thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện.

Kết quả, cái lắng đọng nhất của hai hội thi này không dừng lại ở các con điểm, các giải thưởng cao, thấp, những tấm giấy, bằng khen mà chính là nơi thầy, cô giáo dự thi cũng như Ban tổ chức, Ban giám khảo ở từng địa phương, bậc học được chia sẻ, giao lưu, học hỏi.

Thầy cô sẽ có thêm những kinh nghiệm tốt, phương pháp dạy học hiện đại để hoàn thiện mình, đem cái hay trong dạy học, trong giáo dục cảm hóa học sinh cá biệt của đồng nghiệp, trường bạn áp dụng, làm mới trường mình, đồng nghiệp, tổ chuyên môn của mình.

Tất nhiên, trong quá trình thi, thầy cô giáo làm sao tránh khỏi những áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, thức đêm thức khuya để tìm tòi thêm tài liệu, sách vở, thiết kế giáo án, làm đồ dùng dạy học… nhằm hướng tới bài giảng, câu chuyện kể của mình trở nên hoàn hảo nhất trong con mắt của Ban giám khảo.

Qua trao đổi, dự giờ, thăm lớp, tôi nhận thấy, không ít thầy, cô giáo (tại ngôi trường tôi đang công tác) và các đơn vị trường bạn (từ thao giảng cụm) đã tự tin, vững vàng, trưởng thành hơn trong công tác chuyên môn qua nhiều lần tham gia, cọ xát ở “sân chơi” thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh.

Mục đích, ý nghĩa và kết quả thực tiễn của hai hội thi này không thể phủ nhận.

Bức tranh giáo dục phổ thông đạt được như hôm nay đều có dấu ấn tốt đẹp của các hoạt động trên để lại.

Dừng thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thì tốt ít, dở nhiều ảnh 3

Trong mỗi cuộc thi ở trường, thật thì có ít, giả dối quá nhiều

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số nơi, địa phương thực hiện chưa tốt, để nảy sinh tình trạng tiêu cực, giáo viên đi thi “chạy” giải thưởng, “mớm” bài trước cho học sinh, giám khảo đánh giá chưa công tâm, khách quan, bên trọng, bên khinh, gây bất bình trong nội bộ nhà giáo.

Một số thầy cô giáo đi thi song không đạt kết quả như ý hoặc không muốn, không thích đi thi mặc dù có năng lực chuyên môn khá, tốt lại bực tức, khó chịu đối với những thầy cô giáo đạt thành tích cao và bắt đầu có cái nhìn nhận, đánh giá lệch lạc, phiến diện, “vơ đũa cả nắm” về hai hội thi này.

Nào là hình thức, nào là giỏi “diễn” trên lớp, nào là thân quen, dễ dãi, nào là thầy giáo này dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cái gì…

Thật đáng buồn, có gần 30 bạn đọc bình luận trong phần thảo luận dưới bài viết: “Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, tại sao lại bỏ đi?” của tác giả Sông Trà, đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 17/9/2017 thì không thấy một ý kiến nào đồng tình, ủng hộ cũng như đưa ra một số giải pháp khả thi để việc thực hiện Hội thi Giáo viên chủ nhiệm và Hội thi Giáo viên dạy giỏi được đồng bộ, tốt hơn ở các địa phương.

Các ý kiến toàn là phản bác, chỉ trích, đòi bãi bỏ, thậm chí còn quy kết cho tác giả cái “tội” lý thuyết, “người nhà” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tư tưởng, nhìn nhận một chiều, cực đoan, nhìn cây mà không thấy rừng của một số giáo viên, đồng nghiệp như vậy thì làm sao những chủ trương, hội thi có mục đích, giá trị tốt đẹp kia “đơm hoa kết trái” nơi môi trường giáo dục - luôn cần sự đổi mới, sáng tạo, học hỏi không ngừng ở tất cả nhà giáo chúng ta?

Anh nói anh dạy giỏi, chị nói chị chủ nhiệm giỏi, có thể anh, chị nói đúng.

Thế nhưng, tại sao, anh, chị lại không mạnh dạn đăng ký dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp để khẳng định mình hơn, để đồng nghiệp được học hỏi cái tài năng của anh, chị đã có cả một quá trình, bề dày thành tích?

Phải chăng, có giáo viên, đồng nghiệp đã quá hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết cho mình mà thôi?

Tôi dám khẳng định rằng, nếu bỏ hẳn hai hội thi quan trọng bậc nhất này dành cho đội ngũ nhà giáo thì chỉ có “lợi bất cập hại”, tốt ít, dở nhiều.

Tôi tin tưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe mọi ý kiến và có quyết định, điều chỉnh sáng suốt, phù hợp. 

THIÊN ẤN