LTS: Sau bài viết "Đề nghị Bộ xóa bỏ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi" của tác giả Hồng Phong đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/9, bản thân là một thầy giáo với nhiều năm kinh nghiệm, thầy giáo Sông Trà đã có bài viết trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
Tôn trọng tranh luận đa chiều, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này. Văn phong và nội dung thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của tác giả.
Với tư cách là một thầy giáo có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm ở bậc trung học phổ thông và là giám khảo của Hội thi Giáo viên chủ nhiệm toàn tỉnh Quảng Ngãi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2016, tôi nhận thấy tác giả bài viết "Đề nghị Bộ xóa bỏ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi" có cái nhìn lệch lạc, phiến diện, đưa những lý lẽ thiếu căn cứ khoa học về Hội thi này.
Cách đây 5 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (kèm theo Thông tư số 43/2012/TT-BGDĐT) với mục đích tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Từ đó phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, có đóng góp và giải pháp tốt trong giáo dục đạo đức học sinh; thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục học sinh.
Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục, nhà trường, trung tâm, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi được tổ chức hằng năm.
Đề nghị Bộ xóa bỏ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi |
Đối với cấp huyện, phòng giáo dục, hai năm tổ chức 1 lần.
Và, đối với cấp tỉnh, sở giáo dục, bốn năm tổ chức 1 lần; cấp toàn quốc, cứ 5 năm tổ chức 1 lần.
Các tiêu chuẩn bình bầu, đánh giá thi ở cấp trường là mức độ hoàn thành nhiệm vụ; sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã hiệu quả, có tính thực tiễn.
Biện pháp giáo dục học sinh nói chung và giáo dục học sinh cá biệt nói riêng, công tác phối hợp với các lực lượng gia đình và xã hội tham gia giáo dục học sinh; sự tín nhiệm của học sinh, phụ huynh và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Thi cấp huyện và tỉnh gắn với các hình thức: hồ sơ chủ nhiệm, bài thi hiểu biết, ứng xử tình huống sư phạm, bài thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm….
Theo tôi đánh giá thì các nội dung, tiêu chuẩn đưa ra bình bầu, đánh giá như vậy là khoa học, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của công tác chủ nhiệm.
Sau mỗi hội thi, có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng các giáo viên chủ nhiệm đạt giải.
Mức khen thưởng được thực hiện theo mức, theo quy định của Luật thi đua khen thưởng hiện hành.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo cho rằng, việc ban hành và triển khai hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi là hết sức cần thiết.
Hội thi nhằm đánh thức ý thức, trách nhiệm, kể cả củng cố kỹ năng, nghiệp vụ của nhà trường, thầy cô giáo trong giáo dục.
Từ đó uốn nắn hạnh kiểm học sinh, nhất là học sinh cá biệt, khi mà tình hình giáo dục đạo đức học sinh nhiều nơi thực hiện chưa tốt, còn nặng dạy chữ hơn dạy người.
Mục đích của hội thi mang ý nghĩa tích cực và phù hợp thực tiễn như thế, tại sao lại đề nghị bỏ nó đi.
Có nên bỏ hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi hay không (Ảnh minh họa trên: baobacninh.com.vn). |
Qua tìm hiểu, tôi được biết, từ khi có Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động ban hành các hướng dẫn, quy định cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình giáo dục địa phương.
Nhiều nhà trường, địa phương đã tiến hành tổ chức hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, bước đầu thu được kết quả khá tốt.
Các giáo viên chủ nhiệm hào hứng tham gia và chuẩn bị khá chu đáo các nội dung, yêu cầu của Ban tổ chức từ hồ sơ chủ nhiệm, sáng kiến, báo cáo thành tích đến bài thi về hiểu biết, về ứng xử tình huống sư phạm.
Cô N.T.Q.N, giáo viên chủ nhiệm nhiều năm tại Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) vừa rồi đạt giải nhì Hội thi chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, tâm sự:
Giảm bớt các cuộc thi, người vui kẻ buồn |
“Lần đầu tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi tổ chức hội thi này, chúng tôi rất háo hức, mong đợi, có đến 108 giáo viên chủ nhiệm đến từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tự nguyện đăng ký dự thi.
Khi tiếp cận với những tài liệu, nội dung, yêu cầu của hội thi, chúng tôi được học hỏi, có thêm nhiều hiểu biết, kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm.
Tất nhiên, khi tham gia thi cử thì mỗi thí sinh làm sao tránh khỏi những lo lắng, áp lực về tâm lý, nhất là bài thi kể chuyện, xử lý tình huống sư phạm.
Vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy rồi, chúng tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, thoải mái.
Cái được từ hội thi đem đến cho chúng tôi là rất lớn và bổ ích, có tác dụng tích cực nên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này hơn nữa”.
Giáo viên đi thi cấp huyện và tỉnh phải có hồ sơ chủ nhiệm để minh chứng là đúng rồi. Chẳng lẽ, giáo viên đi thi bằng tay không?
Bài các bài thi hiểu biết, ứng xử tình huống sư phạm, bài thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm….cũng không thể thiếu.
Thế nào là giáo viên chủ nhiệm giỏi? |
Còn mấy chục phút trên “sân khấu” cho phần trả lời câu hỏi ứng xử tình huống sư phạm, bài thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm…biết là chân thực hay là “diễn” hoặc hình thức… phụ thuộc vào cách hỏi, cách đánh giá, cho điểm của ban giám khảo.
Theo tôi, nếu có điều chỉnh thì điều chỉnh ở chỗ, thay đổi bài thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm bằng việc giáo viên thực hiện một tiết sinh hoạt chủ nhiệm ngay tại lớp, trường của mình.
Tuy nhiên, việc này có cái khó cho ban tổ chức, ban giám khảo lại phải di chuyển, tốn kém thêm thời gian, công sức và các chi phí khác khi đến nhiều điểm trường trên cả một địa bàn rộng lớn của huyện, tỉnh.
Điều này những cán bộ quản lý giáo dục, hay tham gia làm giám khảo các cuộc thi, hội thi như chúng tôi luôn trăn trở suy nghĩ.
Tôi nói thẳng, nhiều giáo viên phổ thông bây giờ rất lười nhác, thiếu trách nhiệm trong công việc của nhà trường, của ngành, chỉ giỏi than thở, thích Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hết các cuộc thi, hội thi để chẳng phải làm gì cả tập trung cho dạy thêm, kiếm thật nhiều tiền.
Theo tôi, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp với mục đích, giá trị, ý nghĩa tốt đẹp như vậy, không thể bãi bỏ được mà trái lại các địa phương, nhà trường cần tiếp tục triển khai và thực hiện có chất lượng và hiệu quả hơn nữa.