Giáo dục, nhìn ngọn phải thấy gốc mà sửa

30/11/2018 07:12
Trần Xuân Vinh
(GDVN) - Nguyên nhân sâu xa của những việc tiêu cực xảy ra có hệ thống trong thời gian hơn 2 thập kỷ qua chính là những yếu kém, lệch lạc của nền giáo dục nước nhà.

LTS: Trước những câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục, tác giả Trần Xuân Vinh cho rằng cần giải quyết phần gốc của vấn đề chính là xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có tâm và có tài.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Lại thêm một vụ việc đáng buồn lòng nữa xảy ra đối với ngành giáo dục năm 2018 này. Cô giáo cho cả lớp tát một học sinh. Chẳng cần bàn luận nhiều về việc này vì nó đã quá rõ. Cô giáo hoàn toàn sai và phải trực tiếp chịu trách nhiệm.

Điều mà chúng ta cứ phải day dứt là tại sao những sự việc tiêu cực đã biết và không được biết tiếp tục xảy ra trong một ngành ươm mầm và nuôi lớn nhân cách con người.

Đâu là gốc rễ, là nguyên nhân sâu xa của vụ việc? Những ai là người chịu trách nhiệm cao nhất của vụ việc? Và giải pháp căn cơ là gì?

Cần đội ngũ cán bộ làm giáo dục thực sự có tâm, có tài. Ảnh minh họa: http://www.qtv.vn
Cần đội ngũ cán bộ làm giáo dục thực sự có tâm, có tài. Ảnh minh họa: http://www.qtv.vn

Quay ngược lại thời gian cách đây khoảng 12 năm, lúc ngành giáo dục phát động phong trào “Hai không”.

Lúc đó, sự tiêu cực đã trở nên phổ biến và đã sâu rễ bền gốc từ nhiều năm trước đó trong môi trường giáo dục. Đáng thất vọng thay, phong trào này chỉ mang nặng tính hình thức, giống như ném đá ao bèo, mọi sự đâu vẫn hoàn đấy.

Những năm sau, sự tiêu cực ngày càng nhức nhối hơn mà đỉnh điểm là những sự vụ trong năm 2018 này.

Bác Hồ từng nói rằng cán bộ là gốc của công việc. Một nền giáo dục có nhân văn, có lành mạnh đúng như bản chất tự có của nó hay không được quyết định bởi những cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục từ cấp trung ương đến cấp địa phương và từng cơ sở giáo dục.

Thực tế cuộc sống và nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ rằng có một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống. Ngành giáo dục cũng không là ngoại lệ.

Trải lòng của Bộ trưởng Nhạ trước vụ việc cô giáo phạt học sinh 231 cái tát

Có thể nào chấp nhận một thực trạng là bệnh vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm, xa rời thực tế của không ít cán bộ quản lý; rồi những tiêu cực, bệnh chạy theo thành tích mà gọi đúng tên là sự giả dối vì lợi ích không chính đáng chỉ cho cá nhân, đơn vị mình mà bất chấp đến việc làm tổn thương, hủy hoại đến sự phát triển nhân cách, quyền lợi của học sinh, và xa hơn là làm lệch lạc một nền giáo dục.

Trở lại vụ việc của cô giáo Thủy, nếu việc đào tạo sư phạm, quản lý, bồi dưỡng giáo viên tốt; nếu hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục …sâu sát với thực tế tình hình giáo dục từng lớp, từng trường; không ngồi trong phòng máy lạnh làm việc trên giấy thì những vụ việc đáng buồn như vậy chắc chắn được giảm thiểu hoặc được ngăn ngừa.

Vậy, nguyên nhân sâu xa của những việc tiêu cực xảy ra có hệ thống trong thời gian hơn 2 thập kỷ qua chính là những yếu kém, lệch lạc của nền giáo dục nước nhà.

Và như Bác Hồ đã nói rằng cái gốc của công việc là cán bộ. Cán bộ nào thì phong trào nấy.

Vậy đâu là thuốc chữa tận gốc cho vấn nạn này? Câu trả lời chỉ có thể là phải tìm cho được một đội ngũ cán bộ làm giáo dục thực sự có tâm, có tài, có bản lĩnh để cầm lái đưa giáo dục trở về với đúng bản chất nhân văn tự có của nó.

Trần Xuân Vinh