LTS: Xây dựng lại một hệ thống giáo dục quốc dân thích hợp là yêu cầu quan trọng mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận ở cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ngày 5/11/2015.
Bài viết của GS. TSKH Lâm Quan Thiệp gửi riêng cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nêu hai bất cập lớn của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại là thất bại trong phân luồng giáo dục và khiếm khuyết của việc phân tầng giáo dục đại học.
Đối với bài toán phân luồng giáo dục giải pháp quan trọng trước hết là thiết kế hệ thống giáo dục quốc dân hợp lý, tận dụng kinh nghiệm thế giới, lưu ý đến hai luồng của hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục phổ thông-học thuật và dạy nghề-đào tạo chuyên nghiệp.
Rất tiếc là dự thảo về hệ thống giáo dục quốc dân đang thảo luận được thiết kế chưa hợp lý và sử dụng không chính xác khái niệm phân luồng.
Theo GS. Lâm Quang Thiệp, hai luồng nói trên phải xuyên suốt hệ thống giáo dục nhưng phải “liên thông” theo tinh thần hệ thống mở chứ không cô lập.
Tiếp đến, cần tạo hệ thống dạy nghề - đào tạo chuyên nghiệp hấp dẫn, đặc biệt phải đầu tư thích đáng cho các trường trung học nghề. Ngoài ra, cần khắc phục tâm lý chuộng khoa cử bằng cách thay việc đánh giá con người qua bằng cấp bằng đánh giá qua thực lực.
Đối với bài toán phân tầng giáo dục đại học, bài viết nêu các ví dụ về phân tầng giáo dục đại học của bang California, Mỹ, và của Trung Quốc.
Bài viết cũng đề nghị Nhà nước thay việc theo đuổi mục tiêu xây dựng vài trường đại học “đẳng cấp thế giới”, bằng việc xây dựng một “hệ thống đẳng cấp thế giới giáo dục đại học”, tức là hệ thống giáo dục đại học với các tầng bậc hợp lý phục vụ sự phát triển của quốc gia. Cuối cùng bài viết đề xuất một sơ đồ phân tầng cụ thể cho hệ thống giáo dục sau trung học nước ta.
Bài viết của GS. Lâm Quang Thiệp sẽ được chia làm hai nội dung cơ bản. Ở bài một, tác giá trình bày hai bất cập lớn và giải pháp cho phân luồng. Ở bài hai, tác giả trình bày giải pháp cho phân tầng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Bất cập về phân luồng giáo dục
Chủ trương phân luồng giáo dục đã được nêu trong nhiều nghị quyết và luật lệ của Trung ương Đảng và Nhà nước từ mấy thập niên qua (Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Nghị quyết 29-NQ/TW, …), cụ thể là phân học sinh sau THCS thành hai luồng: trung học nghề và THPT, với định hướng luồng THPT ít hơn luồng trung học nghề.
Việc phân luồng ở bậc đại học cũng đã được nêu rõ ở Nghị quyết 14/2015/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học: phân đào tạo đại học thành 2 luồng: luồng nghiên cứu (thực chất là academic) khoảng 70-80%, luồng nghề nghiệp - ứng dụng (professional) khoảng 20-30%. Như vậy các ý tưởng phân luồng của chúng ta cũng phù hợp với tiêu chuẩn phân loại quốc tế.
Tuy nhiên, cho đến nay các mục tiêu đó vẫn không thực hiện được. Thống kê giáo dục năm 2010-2011 cho biết 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào trung học phổ thông, còn 9,86% gia nhập thị trường lao động không được chuẩn bị về nghề nghiệp.
Tỷ lệ nhập học trung học phổ thông quá cao dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên đại học, cao đẳng, gây mất cân đối trong nguồn nhân lực.
Theo báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2011 của Tổng cục Thống kê , trong lực lượng lao động đang làm việc từ 15 tuổi trở lên ở nước ta có 84,6% không có trình độ chuyên môn, 4% qua dạy nghề, 3,7% trung cấp chuyên nghiệp, 1,7% cao đẳng và 6,1% đại học.
Một kết quả đáng buồn được Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) công bố: năng suất lao động năm 2010 của nước ta chỉ bằng 1/17 so với Singapore.
Thất bại của việc giải quyết bài toán phân luồng giáo dục có thể vì 2 lý do chính. Một là thiết kế và vận hành hệ thống giáo dục không hợp lý, quản lý thì theo kiểu cát cứ.
Sau THCS lẽ ra chỉ nên có THPT và trung học nghề, thế mà nhiều năm nay tồn tại hệ trung học chuyên nghiệp lấy đầu vào chủ yếu là THPT, để rồi lại cấp bằng tốt nghiệp trung học ở đầu ra!
GS. Lâm Quang Thiệp. Ảnh của Xuân Trung |
Hệ thống trung học nghề lại quá yếu, các trường trung học nghề không có nhiều nghề thích hợp và không được đầu tư đầy đủ nên không hấp dẫn học sinh. Thiết kế hai luồng trong hệ thống giáo dục cũng thiếu liên thông.
Tình trạng quản lý theo kiểu cát cứ ở nước ta (hai bộ khác nhau quản lý hệ thống giáo dục và dạy nghề) đã dẫn đến các thiết kế và vận hành không nhất quán, không tạo nên các hệ thống liên thông.
Biểu hiện sai lầm rõ rệt nhất là Luật giáo dục nghề nghiệp 74/2014/QH13 đã khoanh giáo dục nghề nghiệp vào một bậc học chứ không phải một trong hai luồng của hệ thống giáo dục quốc dân, và luật đó đã cắt hẳn hệ thống các trường cao đẳng sang “bậc” giáo dục nghề nghiệp chứ không còn ở khu vực giáo dục đại học như thông lệ.
Lý do thứ hai là tâm lý sùng bái khoa cử trong dân ta, tâm lý này càng được khuếch đại bởi chính sách chuộng văn bằng của cả hệ thống chính trị nước ta. Chính tâm lý đó làm cho đa số học sinh quan niệm ĐH là con đường lập thân duy nhất.
Bất cập về phân tầng giáo dục đại học
Tuy thuật ngữ “phân tầng” mới được đưa vào Luật giáo dục đại học năm 2012 nhưng ý tưởng phân tầng, tức là quy định sứ mạng và chức năng của một số loại trường ĐH đã được thể hiện trong các quy định của Nhà nước từ thập niên 1990.
Chẳng hạn, việc thành lập hai đại học quốc gia (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1993 và quy định đó là các “trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao”, “có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy” (Nghị định 07/2001/NĐ-CP của Chính phủ).
Và “Đại học Quốc gia được Nhà nước ưu tiên đầu tư về cán bộ, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ để từng bước phát triển Đại học Quốc gia ngang tầm với các đại học có uy tín trong khu vực và quốc tế” (Quyết định 16/2001/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Bậc trung học phổ thông nói có ba luồng là nhầm lẫn lớn(GDVN) - Nhận định của GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định về Khung cơ cấu giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ. |
Tiếp đến, ba đại học khu vực (Huế, Thái Nguyên và Đà Nẵng) thành lập năm 1994 được xem là các “trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học khu vực và đa ngành” (Các nghị định 30/CP, 31/CP, 32/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ).
Ngoài ra, ra một số trường đại học khác, phần lớn là đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực, được Nhà nước lần lượt công nhận, bằng các văn bản khác nhau, là các đại học trọng điểm: các trường đại học Cần Thơ, đại học Bách khoa Hà Nội, đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đại học Nông nghiệp Hà Nội, đại học Y Hà Nội, đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, đại học Y Dược tp. Hồ Chí Minh, đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự (mang tên dân sự là đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn), đại học Vinh.
Ngoài ra, Nhà nước còn theo đuổi thành lập các trường đại học “xuất sắc” mới với mong muốn đến “năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới” (Quyết định 121/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Cần nêu thêm 2 trường không được xem là trọng điểm nhưng có chức năng đặc biệt được thành lập vào năm 1993 là Viện Đại học mở Hà Nội và Trường đại học mở Tp. Hồ Chí Minh, được quy định có chức năng “phát triển loại hình đào tạo mở và từ xa”.
Ngoài các trường đại học trọng điểm và đặc biệt nêu trên còn các loại trường đại học địa phương, các trường cao đẳng sư phạm, cao đẳng cộng đồng, cao đẳng chuyên ngành và các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập…
Như vậy, thực tế là Nhà nước đã quy định cho một số loại trường đại học các sứ mạng và chức năng khác nhau, tức là đã “phân tầng”.
Tuy nhiên việc sắp xếp các trường nói trên chưa theo những tiêu chí cụ thể mà chỉ là kiểu “ban phát”, và quy định về vị trí của chúng trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia cũng chưa gắn với các ưu tiên đầy đủ về điều kiện để đảm bảo vị trí đó, và cũng không có yêu cầu cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng đối với toàn hệ thống.
Do chi phí đơn vị để đào tạo (unit cost) của các trường đó quá thấp, cho nên trong một thời gian dài các trường “trọng điểm” cấp quốc gia vẫn tranh thủ mở rộng quy mô đào tạo đại học, thậm chí cả đối với hệ không chính quy, để nâng cao thu nhập.
Xu hướng đó làm cho các trường này, một mặt xao nhãng làm giảm chất lượng thực hiện các sứ mạng và chức năng được quy định, mặt khác lấn sân tuyển sinh của các trường ở các tầng thấp.
Đặc biệt, Nhà nước thành lập hai đại học mở nhằm ưu tiên phát triển loại hình đào tạo mở và từ xa nhưng không đầu tư kinh phí đủ lớn và đưa ra các chính sách thích hợp để chúng thực hiện được nhiệm vụ đó, kết quả là biến chúng trở thành các đại học “đóng”, và nhiều trường đại học trọng điểm tầng trên thực chất lại biến thành các “đại học mở”.
Giải bài toán bất cập này như thế nào?
Muốn giải bài toán về phân luồng giáo dục phải xử lý các lý do làm cho ý tưởng phân luồng thất bại, mà quan trọng nhất là phải thiết kế lại hợp lý hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ nhất, cần thiết kế hệ thống giáo dục quốc dân hợp lý, tận dụng kinh nghiệm thế giới. Theo tiêu chuẩn UNESCO, hệ thống giáo dục được chia làm 9 bậc.
Đặc biệt, từ bậc 3 (ứng với THPT của nước ta) đến bậc 9 tận cùng của hệ thống (ứng với bậc tiến sĩ của nước ta) được phân thành hai luồng: luồng được gọi là giáo dục phổ thông (general) và đào tạo nghề (vocational) từ bậc 3 đến bậc 5;
Tiếp nối bằng luồng học thuật (academic) và chuyên nghiệp (profestional) từ bậc 6 đến bậc 9. Tuy định hướng chung là phân thành 2 luồng, nhưng giữa 2 luồng có nhiều lối rẽ để xuyên vào nhau, tức là hai luồng “liên thông” với nhau.
Ở nước ta, như đã nói ở mục 1.1, ý tưởng phân luồng sau THCS cũng đã được nêu ra nhiều lần trong các văn bản của Đảng và nhà nước, gần nhất là ở Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới giáo dục, nhưng được thực hiện không hiệu quả.
GS. Lâm Quang Thiệp: Tôi thấy Bộ Giáo dục ôm đồm thành ra...khổ quá!(GDVN) - Bộ Giáo dục ôm đồm công việc, can thiệp sâu vào công việc các trường đại học khiến công tác thi và tuyển sinh như vừa qua chưa đạt những mục tiêu đề ra. |
Gần đây nhất, đầu tháng 1 năm 2016 Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng đề án về hệ thống giáo dục quốc dân và đang trưng cầu ý kiến đóng góp. Theo tôi, tờ trình và đề án có một số nhược điểm.
Trước hết, ba quan điểm xuất phát để xây dựng hệ thống mà tờ trình đề ra là: dựa vào Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới giáo dục, tuân thủ các luật hiện có về giáo dục và đảm bảo cho hệ thống mới khắc phục được những bất cập, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước cũng như tiếp cận giáo dục quốc tế.
Rõ ràng ba quan điểm nêu trên là mâu thuẫn với nhau: khi các luật hiện tại về giáo dục có một số thiếu sót, nếu hoàn toàn “tuân thủ” chúng thì hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng được sẽ khó thỏa mãn được đòi hỏi cao của nghị quyết và khó đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Có lẽ do xuất phát từ các quan điểm như trên nên dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều sơ suất. Trong dự thảo hệ thống giáo dục quốc dân bậc THPT lại được chia thành ba “luồng”: định hướng chung; định hướng kỹ thuật, công nghệ; định hướng năng khiếu nghệ thuật.
Tôi cho rằng quan niệm về “luồng” như vậy là một sự nhầm lẫn về khái niệm. Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới giáo dục có viết “...trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay, đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT”.
Như vậy phân luồng sau THCS và định hướng nghề nghiệp ở THPT là hai khái niệm khác nhau, định hướng nghề nghiệp là vấn đề nội bộ của chương trình THPT, nhằm tạo thuận lợi cho học sinh chọn các nghề nghiệp khác nhau khi vào đại học, chứ không phải là “phân luồng sau THCS” như nghị quyết 29/NQ-TW đã nêu.
Dự thảo hệ thống giáo dục quốc dân gọi định hướng nghề nghiệp ở THPT là phân luồng đã không phản ánh đúng khái niệm phân luồng, sẽ làm lệch trọng tâm của bài toán phân luồng, do đó khó giải quyết triệt để vấn đề phân luồng.
Thứ hai, tạo hệ thống dạy nghề - đào tạo chuyên nghiệp hấp dẫn. Cần khắc phục lý do quan trọng thứ hai dẫn đến thất bại của bài toán phân luồng là tâm lý chuộng khoa cử trong dân ta.
Muốn vậy, ngoài việc điều chỉnh hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước, thay việc đánh giá con người qua bằng cấp bằng đánh giá qua thực lực, còn phải làm cho con đường đi theo luồng dạy nghề - giáo dục nghề nghiệp trở nên hấp dẫn.
Hai luồng được thiết kế trong hệ thống cần có nhiều đầu vào và đầu ra liên thông với nhau, trên tinh thần “giáo dục mở” như Nghị quyết 29-NQ/TW NQ29 của trung ương quy định.
Việc phân luồng phải sao cho không cản trở người học có thể chuyển từ luồng này sang luồng kia khi họ mong muốn hoặc họ có điều kiện mà không phải trả giá quá nhiều về thời gian và sức lực.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng để lôi cuốn người học vào luồng giáo dục nghề nghiệp là xây dựng hệ thống trường trung học nghề hấp dẫn: trang bị đầy đủ, thầy giỏi và dạy các nghề thích hợp đối với thị trường lao động. Nhà nước cần đầu tư một lượng kinh phí thích đáng cho hệ thống trường này.
Luật đã cởi trói về tự chủ, nhưng còn trách nhiệm của người thực hiện(GDVN) - GS. Lâm Quang Thiệp nói về tự chủ đại học hiện nay, theo ông, chúng ta đã có luật để “cởi trói” cho nhà trường, nhưng còn phụ thuộc thực hiện như thế nào? |
Còn đối với luồng đào tạo chuyên nghiệp ở các tầng trên cũng không nhất thiết chỉ có các chương trình thuần túy theo hướng chuyên nghiệp, mà đôi khi có thể pha trộn, tức là hai luồng đào tạo không hoàn toàn cô lập với nhau.
Phải tích hợp đào tạo chuyên nghiệp với giáo dục đại học thì mới có được nguồn nhân lực nghề nghiệp trình độ cao, chứ không thể khoanh giáo dục nghề nghiệp trong một bậc học thấp. Để có hệ thống đào tạo nghề nghiệp như vậy yếu tố quản lý cũng rất quan trọng.
Hệ thống quản lý hệ thống phải rất linh động, không nên phân chia rạch ròi là giáo dục nghề nghiệp phải thuộc bộ này hoặc bộ kia, và hợp lý hơn cả là ở các tầng trên nên phân công chỉ một bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với cả hệ thống giáo dục học thuật và đào tạo chuyên nghiệp.
Hi vọng việc thiết kế lại hợp lý và tổ chức vận hành tốt hệ thống giáo dục quốc dân sẽ giải quyết được bài toán phân luồng, tạo cơ hội cải thiện hệ thống dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp của nước ta, và đó là biện pháp cơ bản nhất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tiến trình công nghệp hóa – hiện đại hóa.
Còn nữa...