Hạnh phúc của người thầy bạc mệnh

20/10/2018 07:40
Phan Tuyết
(GDVN) - Vào đọc những tâm sự của các em, chúng tôi cũng phải mủi lòng khi nhiều em dành tình cảm yêu thương quý trọng thầy một cách sâu sắc.

Đến thăm nhà một đồng nghiệp, dù đã biết qua bệnh tình của thầy giáo Lê Đức Lộc (giáo viên trường Trung học cơ sở Bình Tân, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) nhưng chúng tôi thật sự sốc với những gì mình nhìn thấy được. 

Thầy chỉ còn da bọc xương, người gầy khô, thi thoảng oằn mình gồng cơn đau đang hành hạ.

Căn bệnh ung thư giai đoạn cuối cùng với sự kiệt quệ về tiền bạc đang giày vò ngày đêm đã thật sự nhấn chìm thầy.

Chúng tôi vẫn thường trêu đùa nhau “là giáo viên phải biết nói không với bệnh tật. Bởi nếu bệnh sẽ biết lấy tiền đâu mà chữa bệnh trong khi ăn còn chưa đủ?”.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, rời sân trường là tất tả làm thêm bằng đủ thứ nghề câu cá đêm, đào cây cảnh, bán bảo hiểm… nhưng tiền kiếm được hằng ngày cộng với số tiền lương ít ỏi cũng chỉ đủ sống qua ngày.

Mảnh đất trong xó xỉnh được người bạn tốt bụng bán trả góp dăm năm mới hết.

Sổ đỏ làm xong gần chục năm vẫn chưa có tiền chuộc về. Thế nên khi bị bệnh, của nả trong nhà cũng chẳng có để “đội nón ra đi”.

Không tiền bạc chạy chữa, thầy chỉ nằm nhà tự chống chọi với những cơn đau đến xé lòng.

Thế rồi, tờ báo của tỉnh đăng bài viết về hoàn cảnh của thầy được chia sẻ trên facebook và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt của mọi người.

Hàng ngàn người đọc và bình luận, hàng trăm lượt chia sẻ mỗi ngày.

Nhiều phụ huynh đã liên hệ, kết nối với nhau, nhiều bạn bè, đồng nghiệp bao năm chưa gặp, nhiều học sinh cách xa nửa vòng trái đất cũng kịp gọi về hỏi thăm, gửi thuốc, gửi tiền về giúp đỡ.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Cô giáo Thùy, vợ thầy Lộc cho biết, sau khi biết tin nhiều người tấp nập đến thăm hỏi.

Trong số đó, đa phần là những đồng nghiệp, những phụ huynh có con học với thầy trước đây và học sinh nhiều thế hệ thầy đã từng dạy hoặc từng biết thầy.

Có em ở nước Úc, nước Nhật xa xôi cũng gọi điện thoại về hằng ngày đến vài lần hỏi thăm, động viên để thầy có tinh thần vượt lên bệnh tật. Các em ấy còn gửi những thuốc trị ung thư tốt nhất.

Đã có những phụ huynh lặn lội từ xa đến thăm hỏi, động viên. Có nhiều học sinh cũ lập hội nhóm kêu gọi giúp đỡ thầy.

Trên trang facebook địa phương những ngày ấy gần như chỉ là những cuộc trò chuyện của các em học trò.

Vào đọc những tâm sự của các em, chúng tôi cũng phải mủi lòng khi nhiều em dành tình cảm yêu thương quý trọng thầy một cách sâu sắc.

Là tác giả bài viết kêu gọi từ thiện, tôi để số điện thoại của mình dưới bài báo.

Hạnh phúc của người thầy bạc mệnh ảnh 3Tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc khi được nhiều học trò quý mến

Hằng ngày, chính tôi cũng nhận được khá nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm đường vào nhà thầy.

Tôi đã thật sự xúc động khi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ “em chào cô! Cô ơi em muốn giúp thầy Lộc nhưng em chỉ có 200 ngàn có được không ạ?

Và cô bé hẹn tôi xuống lấy vì mình bận đi làm không thể ghé thăm thầy. Khi gặp mặt, tôi đề nghị biết tên để “cô nói lại với thầy”.

Nghe thế, cô bé nói nhỏ nhẹ “thầy cũng không nhớ con đâu. Thầy chỉ dạy thay lớp con một tiết nhưng con rất nhớ thầy vì thầy hiền lắm. Con thấy thương thầy lắm cô ạ nhưng con cũng nghèo…”.

Có tiền giúp đỡ, gia đình đã đưa thầy đi truyền máu và xạ trị.

Nằm thoi thóp trên giường bệnh nhưng thầy vẫn luôn nhớ về trường lớp, nơi có đồng nghiệp có rất nhiều học trò thân thương.

Thầy nói trong tiếng thở dài đến tê lòng “biết bao giờ tôi mới có thể trở lại nơi ấy? Lẽ nào là không bao giờ?”.

Những ngày nằm điều trị bệnh, thầy và gia đình mình đã nhận được rất nhiều ân tình của học trò cũ.

Cũng không phải thầy cô giáo nào lâm vào cảnh khốn cùng cũng nhận được sự giúp đỡ thân tình như thế.

Thầy có được điều này bởi vì bao năm qua, chính thầy đã từng mang tình yêu thương của mình sẻ chia cho lớp lớp học trò nhỏ mà chẳng hề tính toán thiệt hơn.

Quả ngọt cho đi chắc chắn sẽ nhận được sự đáp đền cũng đầy ngọt ngào như thế.

Phan Tuyết