Hai bên gia đình (bố mẹ của chị Mai và bố mẹ chồng) đều là nhà giáo. Thế nên, chị Mai nhất quyết cho 2 cô con gái của mình sẽ theo nghiệp ba mẹ.
Do chăm học lại được ba mẹ rèn từ nhỏ, hai chị em luôn đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của lớp.
Ngày con làm hồ sơ thi tuyển, dù ba mẹ có nói hết lời, phân tích cho con hiểu nên tiếp nối truyền thống gia đình nghề giáo nhưng cô bé nhất định không chịu.
Hình ảnh minh họa về những nỗi khó khăn, vất vả của người giáo viên (Tranh minh họa của V.Thọ) |
Nghe con nói mà chị xót xa cả cõi lòng “Mẹ à, giá con học trung bình con sẽ nên nghe theo lời mẹ. Nhưng con học giỏi thế này, mẹ bắt con đi nghề giáo có thiệt thòi cho con không?”
Rồi nó dẫn chứng, chị Lan con bác Hạnh sát nhà mình học Kinh tế ra trường lương khởi điểm đã 10 triệu đồng.
Anh Hùng con bác Dũng học Bách khoa giờ lương cũng gần hai chục triệu.
Anh Bình con cô Hòa học đại học xây dựng giờ lương ba chục triệu…
Còn ba mẹ ngày xưa cũng học giỏi có tiếng nhưng đi dạy gần về hưu lương hai người cộng lại chưa tới hai mươi triệu.
Quanh năm suốt tháng làm việc có dư đồng nào để cả nhà mình đi du lịch chung một chuyến?
“Con nhà giáo có bao nhiêu em nối nghiệp cha mẹ?” |
Năm nay, con đi với trường mẹ. Năm sau, em đi theo trường ba vì đi một lần mẹ không lo tiền nỗi.
Nói là đi du lịch với trường nhưng tiền mình phải bỏ ra đóng từ A đến Z mẹ không thấy sao?
Nó làm một thôi một hồi, chị Mai nói mình đứng hình chẳng thể cãi lời con vì những phân tích, những dẫn chứng của nó đưa ra rất chắc.
Thất bại khi hướng nghiệp cho con đầu, chị Mai lại càng quyết tâm nhen nhóm nuôi hy vọng cho cô con gái sau sẽ thi vào sư phạm năm nay.
Chưa kịp nói chuyện với con thì cô bé đi học về kể rằng, hôm nay cô giáo ở lớp con thông báo, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có quy định học sinh muốn đi sư phạm phải có lực học loại giỏi.
Nó bất ngờ hỏi “Mẹ biết cô vừa nói xong các bạn phản ứng thế nào không?”
Chị Mai chưa kịp trả lời, cô bé nói tiếp “Học giỏi thì tội gì đi vào sư phạm hả cô? Cô thử hỏi các bạn lớp mình xem được mấy ai đồng ý?”
Và, cô giáo con đã làm cuộc trắc nghiệm với lớp: “Trong lớp chúng ta ai yêu nghề giáo” Rất nhiều cánh tay đưa lên nhưng yêu nghề giáo và thi làm nhà giáo lại khác à mẹ.
Có bạn nói mình rất yêu nghề này nhưng nhà giáo nghèo nên không muốn đi.
Trò hư, cấp trên đè nén, lương thấp, không tiền... ai còn muốn làm thầy? |
Có bạn cho rằng nghề nào cũng áp lực nhưng nghề giáo lại chịu áp lực từ nhiều phía, đã thế mọi chế độ đãi ngộ quá thấp, nếu có yêu nghề cũng sẽ không thi vào.
Bạn lại than rằng nghề giáo nghèo quá cô ơi…con thích đi nhưng lại sợ khổ…
Thế là, lớp gần 50 bạn chỉ khoảng 10 bạn giơ tay sẽ thi vào ngành sư phạm nhưng theo quy định mới, chỉ học sinh giỏi mới được đăng kí, những bạn này sẽ không đủ điều kiện.
Cô con gái phán câu chắc mịch “Học giỏi mà thi sư phạm con thấy cũng uổng. Lớp con thi sư phạm chỉ toàn bạn học dở thôi”.
Tình hình này, chị có vận động, khuyên bảo thì chắc chắn con bé cũng chẳng nghe đâu.
Sao cái nghề cao quý, thanh cao mà nhiều người phong cho nhà giáo lại hẩm hiu thế này?
Biết bao giờ nghề giáo của chúng tôi mới chọn được những học sinh ưu tú nhất như các ngành ngoại thương, kinh tế, bách khoa?
Chúng tôi nghĩ rằng, song song với việc các trường đại học, cao đẳng sư phạm nâng chuẩn đầu vào thì ngành giáo dục cũng phải cải thiện đời sống cho giáo viên.
Có thế mới mong thu hút được người tài thi vào sư phạm và ngành giáo dục mới mong chuyển mình, khởi sắc.