Liên quan đến loạt bài “Cá chép hóa rồng nhờ…thi hộ”, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những trao đổi với Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ về vấn nạn học hộ, thi hộ tại các trường đại học.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam). |
Phóng viên: Thưa Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, theo ông việc học hộ, thi hộ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đào tạo nói riêng và ngành giáo dục nói chung?
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Trước hết học hộ, thi hộ có nghĩa là người học không có kiến thức trong khi cái mà chúng ta cần là người có kiến thức thật chứ không cần người có kiến thức giả.
Những kỳ thi như thi học kỳ và cuối năm được tổ chức với mục đích để kiểm tra cũng như đánh giá chất lượng của người học và cái đích cuối cùng là giúp cho xã hội có được nhân tài và sử dụng nhân tài đó.
Nếu ai thuê người học hộ, thi hộ thì đó là một hành vi giả dối. Trước hết là một điều sai lầm, sau là một việc làm thiếu đạo đức và vi phạm pháp luật.
Chứng minh thư là cái giấy để chứng nhận rằng người này là ai? Bản thân việc làm giả chứng minh thư đã là vi phạm pháp luật.
Cho nên trong vấn đề này các cơ quan chức năng và hệ thống pháp luật nhà nước cần phải truy tố và xử phạt nặng.
Đứng về phía giáo dục thì đây là một hành động gian dối trong việc thi cử và học tập. Nếu việc này trót lọt thì rất tai hại.
Hệ quả là xã hội sẽ lầm tưởng rằng cái người thuê thi hộ kia là học giỏi nên mới có điểm cao.
Những người này sau khi ra trường nhờ điểm số sẽ được bố trí này và vị trí kia.
Điều nguy hiểm nhất là người dốt lại được tuyên dương, bổ nhiệm vào vị trí A, vị trí B còn những người học thật, thi thật và nỗ lực thật thì lại không bằng những người thuê thi hộ kia.
Cho nên việc này tôi thấy cần phải lên án mạnh mẽ.
Thưa Phó giáo sư, dưới cương vị là một người quản lý giáo dục trong nhiều năm, ông đã bao giờ thấy việc học hộ, thi hộ trở thành vấn nạn như hiện nay hay chưa?
Phó giáo sư Trần Xuân Nghĩ: Tôi đã có thời gian quản lý giáo dục gần 18 năm. Trước đó, tôi cũng có một khoảng thời gian làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước.
Trước đây tôi chỉ thấy có các hiện tượng gian lận chẳng hạn như do điều kiện vật chất còn thiếu thốn nên học sinh các bạn phải ngồi gần nhau.
Cho nên không bố trí được một bàn hai người, một bàn phải bố trí ba, bốn người một bàn vì thế dẫn đến tình trạng liếc bài, xem bài nhau.
Nghiệm trọng hơn thì có tình trạng học sinh viết những tờ giấy nhỏ lồng dưới tay áo để chép bài.
Riêng chuyện làm giả chứng minh nhân dân để thuê người thi hộ là không có vì liên quan đến pháp luật rồi.
Ngày trước tôi chưa bao giờ phát hiện trường hợp nào làm giả chứng minh thư để thi hộ. Hiện tượng gian lận cũng có nhưng chỉ là một phần rất nhỏ thôi. Còn bây giờ tôi nghĩ đó là một vấn đề khá phổ biến.
Ví dụ nói về vẫn đề tham nhũng, ngày xưa cũng có nhưng mà nó rất ít thôi. Vì ai tham nhũng bị nói đến là người ta cảm thấy xấu hổ lắm.
Giáo dục cũng vậy, nói đến gian lận họ cảm thấy xấu hổ. Nhưng bây giờ người ta thấy cái việc gian lận, gian dối trong học tập là chuyện hết sức bình thường.
Loạt bài viết “Cá chép hóa rồng nhờ…thi hộ” phản ánh tình trạng học hộ, thi hộ tại các trường đại học (Ảnh: Vũ Ninh). |
Theo Phó giáo sư, cần có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng học hộ, thi hộ nói riêng và gian lận trong ngành giáo dục nói chung?
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Trước hết tôi cũng nói rằng mình phải giáo dục cho học sinh lòng trung thực.
Từ nhỏ cũng phải giáo dục cho học sinh lòng trung thực thì lúc bấy giờ nó mới giảm được sự dối trá. Trẻ con muốn trung thực thì người lớn phải trung thực để làm gương.
Về vấn đề thi hộ nêu trên cần phải giám sát chặt chẽ không chỉ bởi riêng ngành giáo dục mà còn cần sự phối hợp của các cơ quan nhà nước.
Để mình ngành giáo dục làm thì đây cũng là một việc khó chứ không phải chuyện dễ đâu.
Chẳng hạn như chuyện làm giả chứng minh nhân dân cần đến sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật.
Gốc rễ của vấn đề này đó chính là phải tăng cường đạo đức trong nhà trường ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục các em đức tính và lòng trung thực.
Có lần tôi sang Đức và đi cùng với một đứa cháu nhỏ 3 tuổi. Khi đến ngã tư thì đèn giao thông đang là đèn đỏ. Mặc dù khi đó không có xe cộ đi lại.
Cá chép hóa rồng nhờ thi hộ: Sự đồng lõa và những kẻ gian dối |
Tôi bảo cháu mình: Không có xe ông cháu mình cứ đi qua. Cháu tôi nói không đi được đâu ông ơi vì đang đèn đỏ, kể cả không có xe thì ông cháu mình cũng không được vượt đèn đỏ.
Nếu ông muốn đi thì ông phải lại gần cái cột điện kia và nói với cái trụ điện là không có xe thì nó mới lên đèn xanh, ông cháu mình sẽ đi được.
Đấy chỉ là một ví dụ để cho bạn thấy rằng việc giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ rất quan trọng. Chúng ta cần chỉ ra những việc làm gian dối và thiếu trung thực. Đấy là cách giải quyết đi từ gốc rễ.
Xin cảm ơn Phó giáo sư!