Học thì lười, làm thì dở, đứng núi nọ trông núi kia, thất nghiệp còn kêu ai?

26/06/2017 06:36
Phan Tuyết
(GDVN) - “Việc làm nơi đây không thiếu, nhưng nó không dành cho những người lười lại luôn ảo tưởng vào bản thân” - một giám đốc công ty tư nhân cho biết.

LTS: Trước tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay, cô giáo Phan Tuyết cho rằng một trong những nguyên nhân là do các bạn trẻ kén chọn công việc.

Theo đó, dù vừa ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng các bạn đã mong muốn có mức lương cao hoặc tìm kiếm những công việc nhàn hạ, ổn định.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày càng có nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Đã có nhiều bài viết của các chuyên gia, những người làm quản lý, những nhà tuyển dụng… phân tích, lý giải nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.

Ở phạm vi bài viết này, người viết chỉ muốn nói đến một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp chính là việc kén chọn công việc, đòi hỏi thù lao của nhiều bạn trẻ hiện nay.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm trong ngày hội "Phỏng vấn - Tuyển dụng". (Ảnh: Tuoitre.vn)
Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm trong ngày hội "Phỏng vấn - Tuyển dụng". (Ảnh: Tuoitre.vn)

Chê việc và chê lương thấp

Nhiều người cho rằng “vào biên chế” mới là có việc làm ổn định.

Chẳng hạn, công việc kế toán ở một trường học hoặc một cơ quan nào đó có biên chế trả cho một sinh viên mới ra trường chưa tới 3 triệu đồng/tháng nhưng vẫn rất đông người muốn được vào làm.

Thậm chí có gia đình vẫn sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ để có được việc làm ấy. Theo họ, “dù lương thấp nhưng công việc nhàn hạ và ổn định”.

Ngược lại, làm kế toán ở một công ty tư nhân với lương khởi điểm cho sinh viên đại học là 5 triệu đồng nhưng vẫn không nhiều người mặn mà.

Họ cho rằng lương ít, áp lực công việc cao và việc làm không ổn định (theo suy nghĩ của nhiều người công ty tư nhân họ thích đuổi mình lúc nào thì đuổi).

Và thực tế đang có rất nhiều sinh viên ra trường không chịu đi làm ở những xí nghiệp, công ty tư nhân dù cho công việc ấy rất đúng chuyên môn đã học.

Học thì lười, làm thì dở, đứng núi nọ trông núi kia, thất nghiệp còn kêu ai? ảnh 2

Trình độ cao vì sao vẫn thất nghiệp?

Họ sẵn sàng nằm ở nhà hoặc đi lông bông đây đó để đợi gia đình xin công việc nhàn hạ hơn.

Số khác, cứ làm ở nơi này vài ba tháng lại chạy qua nơi khác dăm bảy tháng.

Cuối cùng, cũng chẳng trụ được nơi nào vì các em luôn có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” nên chẳng bao giờ ổn định cả.

Con của một số người quen của tôi cũng nằm trong tình trạng này. Có em tốt nghiệp trường cao đẳng Ngân hàng, em học trường đại học Kinh tế, Sư phạm… nhiều nơi nhận làm nhưng các em vẫn ở nhà chờ việc khác.

Theo lời kể của em học Ngân hàng, “con làm kế toán cho một Ngân hàng cổ phần ở Sài Gòn, lương tháng khởi điểm chỉ có 5 triệu đồng mà công việc rất áp lực. Với số tiền ấy, chi ăn uống, xăng xe và thuê nhà là hết nên con bỏ về quê”.

Em học đại học Kinh tế cho biết: “Con tốt nghiệp ở một trường có tên tuổi nhưng làm kế toán cho một xưởng may với mức lương khởi điểm 5,5 triệu/tháng thì thiệt quá. Bởi thế, mới làm được mươi tháng là em bỏ ngang về nhà”.

Còn em học cao đẳng Mầm non tâm sự: “Con không muốn đi dạy các trường tư thục lương khởi điểm chỉ 3 triệu mà giờ giấc không ổn định và vất vả quá. Con ở nhà chờ đợt thi công chức sắp tới để tham gia”.

Đó mới chỉ là 3 trong hàng ngàn sinh viên ra trường nói là thất nghiệp nhưng thật ra các em luôn chê việc và chê lương thấp.

Nhưng có một điều khó hiểu rằng tại sao công việc ở các cơ quan nhà nước, lương khởi điểm của họ thậm chí chỉ bằng phân nửa lương các xí nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn trả nhưng lại có rất ít người từ chối?

Hãy biết vận động đừng than vãn

Học thì lười, làm thì dở, đứng núi nọ trông núi kia, thất nghiệp còn kêu ai? ảnh 3

Hàng ngàn sinh viên sư phạm thất nghiệp do trường nào đào tạo?

Một người bạn của tôi (đi lên từ hai bàn tay trắng với đủ các công việc không tên) hiện đang làm giám đốc một công ty tư nhân ở thành phố cho biết:

Việc làm nơi đây không thiếu, nhưng nó không dành cho những người lười lại luôn ảo tưởng vào bản thân”.

Báo Tiền Phong ngày 4/8/2004 có đăng bài “Giải mã hiện tượng ngày càng nhiều người có bằng cấp thất nghiệp”.

Trong đó chia sẻ về câu chuyện của cô sinh viên Đào Thị Hằng hiện là chủ thương hiệu Mắm Thuyền Nan (thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị).

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, tiếng Anh tốt nhưng Hằng từ chối vào làm ở một cơ quan nhà nước cấp tỉnh.

Hằng chọn công việc vất vả hơn với mức lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng, vì đây là công việc cô yêu thích và tin sẽ học được rất nhiều điều khi làm công việc này.

Để có thêm thu nhập, Hằng đi dạy kèm Toán và tiếng Anh vào buổi tối. Hằng gặp người quản lý trực tiếp để yêu cầu giao thêm việc, không nhận phụ cấp, chỉ mong được dạy để trưởng thành trong công việc.

Sau hai năm làm việc không mệt mỏi, Hằng trưởng thành hơn nhiều trong nghề và nhận học bổng toàn phần học thạc sỹ ở Úc.

Từ câu chuyện của mình, cô khuyên các bạn trẻ: “Khi mới ra trường, các bạn đừng nên quá quan tâm chuyện lương bổng.

Nếu có công ty nào nhận, hãy làm việc một cách nhiệt tình, học hỏi thật nhanh và nhiều từ công việc hiện tại, kể cả những công việc nhỏ nhất.

Nên xác định đó là thời gian học việc, trải nghiệm thực tế. Sau thời gian đó, bạn đòi hỏi tăng lương cũng chưa muộn vì chẳng ông chủ nào để bạn ra đi khi bạn tạo ra giá trị dương cho công ty.

Khi không làm việc vì tiền, tiền sẽ tìm đến bạn”.

Lời chia sẻ của Đào Thị Hằng là kinh nghiệm quý giá cho tất cả những sinh viên đã và đang mang hai chữ thất nghiệp bên mình.

Tài liệu tham khảo:

http://www.tienphong.vn/gioi-tre/giai-ma-hien-tuong-ngay-cang-nhieu-nguoi-co-bang-cap-that-nghiep-743281.tpo

Phan Tuyết