Học trò thực sự muốn gì ở lễ khai giảng?

15/08/2018 07:37
HỮU SƠN
(GDVN) - Hàng triệu học sinh phổ thông rất náo nức, phấn chấn với những ngày tựu trường và khai giảng năm học mới.

LTS: Trước thềm năm học mới, thầy giáo Hữu Sơn chia sẻ một số để những ngày tựu trường và lễ khai giảng trở nên thu hút hơn với học sinh.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học mới, 2018-2019 sắp bắt đầu. Các trường mầm non, phổ thông ở 63 tỉnh, thành đang tích cực chuẩn bị mọi thứ để đón học sinh các khối, lớp tựu trường sau hơn 2 tháng nghỉ hè.

Hàng triệu học sinh phổ thông rất náo nức, phấn chấn với những ngày tựu trường và khai giảng năm học mới.

Theo Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi cơ sở giáo dục phải dành khoảng 1 tuần để tổ chức những hoạt động tập thể, công việc chung cho tất cả học sinh trước khi khai giảng, bước vào năm học mới.

Hàng triệu học sinh phổ thông rất náo nức, phấn chấn với những ngày tựu trường và khai giảng năm học mới. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Hàng triệu học sinh phổ thông rất náo nức, phấn chấn với những ngày tựu trường và khai giảng năm học mới. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Có kế hoạch bài bản, cách tổ chức tốt thì tuần “khởi động” này, thầy, cô giáo và các em học sinh có nhiều việc để làm.

Kiện toàn, tổ chức, sắp xếp theo lớp học mới, từ vị trí chỗ ngồi, bình bầu, lựa chọn các cán sự lớp.

Phân công trực nhật, tham gia lao động tập thể, dọn dẹp nhà vệ sinh trường, lớp sau một thời gian nghỉ hè, bị quên lãng.

Một hoạt động rất có ý nghĩa và cần thiết ở tuần tựu trường, giúp các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 hình thành ý thức và thêm gắn kết, yêu lao động tập thể.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, nhiều trường và phụ huynh muốn việc này diễn ra nhanh gọn, con trẻ đỡ vất vả, không bị dơ bẩn áo, quần, giảm thiểu rủi ro… nên đã cho “dịch vụ hóa” (thuê người làm) hết ngay từ ngày đầu tiên tựu trường và xuyên suốt cả năm học.

Học trò thực sự muốn gì ở lễ khai giảng? ảnh 2Hà Nội khai giảng năm học mới vào ngày 05/9

Học sinh thành phố lẫn nông thôn bây giờ đến trường dường như chẳng phải lao động, đụng chân, tay là gì cả. 

Nhà trường phối hợp công an xã, huyện, quận tổ chức cho học sinh các khối lớp, nhất là những em đầu cấp học: Điều lệ nhà trường phổ thông, Nội quy, truyền thống của trường, Luật an toàn giao thông, Phòng chống các tệ nạn xã hội, Y tế học đường… một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Lâu nay, nhiều cơ sở giáo dục cũng có làm việc này.

Tuy nhiên, tác động, mục đích tuyên truyền đến học sinh chưa đạt, vì cách báo cáo, nói chuyện của thầy, cô giáo, khách mời (công an, y tế) có phần khô khan, đơn điệu, nặng về điều này, khoản kia, thiếu những ví dụ, câu chuyện sát thực, gần gũi với nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi của các em. 

Giá như tuần tựu trường các đơn vị được triển khai, thực hiện triệt để sẽ đem lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và sâu đậm đối với tất cả học sinh, đặc biệt là các học sinh đầu cấp, lớp 1, lớp 6 và lớp 10, góp phần giúp mọi hoạt động giáo dục của nhà trường trong năm học được trơn tru, chất lượng hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà trường, thầy cô giáo hiện nay với cách làm quá sơ sài, đơn giản.

Thông báo các em đến trường, lớp để tập trung, điểm diện, sắp xếp chỗ ngồi vài lần (mỗi lần chỉ diễn ra có mười mấy phút), phát giấy mời họp phụ huynh đầu năm là xong và chủ yếu là thông báo và thu các khoản tiền nộp theo quy định và thỏa thuận, tự nguyện giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường. 

Đồng tình với việc khai giảng năm học mới phải có chút màu sắc lễ hội, văn nghệ, lời ca, tiếng hát cất lên sau phần Lễ thì mới vui, mới ra năm học mới, thay vì “cây nhà lá vườn”, tập luyện đội trống, đội văn nghệ… ở mức độ vừa phải, đi vài buổi là được, đằng này, có nhà trường, có Hiệu trưởng lại thích “cầu toàn”, thích rềnh rang, bắt con em phụ huynh đi tập luyện suốt cả mấy tuần liền.

Mấy năm nay, mặc dù, Bộ, Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo thường chỉ đạo, yêu cầu thời gian, nội dung, hình thức ở phần Lễ của Khai giảng ngắn gọn, súc tích thôi.

Học trò thực sự muốn gì ở lễ khai giảng? ảnh 3Nhà trường và những nỗi lo trước thềm năm học mới

Song, nhiều vị lãnh đạo nhà lại hay sở hữu những bài diễn văn (chủ yếu là nêu báo cáo thành tích năm học trước, chặng đường đi qua 5, 10 năm) dài lê thê, “hành hạ” đủ mệt các quan khách, thầy cô giáo và các em học sinh ngồi bên dưới giữa tiết trời đầu tháng 9 nắng nóng.

Bài phát biểu khai giảng của Hiệu trưởng nhà trường được mọi người, các em mong đợi nhất là rất ngắn gọn, súc tích (khoảng 1 trang rưỡi giấy đánh máy khổ A4), điểm lướt qua các kết quả, thành tích của năm học trước đạt được, nêu bật những nhiệm vụ, yêu cầu trọng tâm và vài lời lắng đọng về cam kết phấn đấu, thực hiện thắng lợi, thành công năm học mới.

Kể cả bài cảm nghĩ của đại diện học sinh toàn trường trong lễ khai giảng cũng cần cô đọng, gãy gọn, khoảng 1 trang giấy vở học trò là được rồi.

Lưu ý thêm, các thầy, cô giáo đừng viết thay học sinh (vì sợ các em viết, phát biểu không ổn) hãy để các em tự viết, tự trình bày theo cách nghĩ, cách cảm của em thì mới chân thực, tự nhiên và hay hơn. Nếu có chỉ là vài chỉ dẫn, gợi ý khái quát. 

Các công việc chính của tuần tựu trường và khai giảng năm học mới là khởi đầu của mọi khởi đầu, mong sao tất cả nhà trường, thầy cô giáo tổ chức thật tốt, gieo vào tâm trí học trò, con trẻ những ấn tượng, hình ảnh, kỷ niệm… khó quên.                           

HỮU SƠN