Hỏi đáp 3 Hiệp hội về cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam mới

24/11/2015 07:48
Văn phòng Hiệp hội
(GDVN) - Sơ đồ cấu trúc do ba cơ quan (Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người) đề xuất.

LTS: Tái cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết trong thời đại ngày nay. Cấp thiết hơn nữa khi chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiến tới xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phần hỏi – đáp dưới đây của ba hiệp hội sẽ giúp độc giả hình dung được tính cấp thiết phải tái câu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân.

Hỏi: Hệ thống Giáo dục Việt Nam hiện tại (dựa theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp ) có những hạn chế gì?

Đáp: Cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay về cơ bản không đáp ứng  nhiều định hướng quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tề. Cụ thể là:

Toàn hệ thống không có sự nhất quán đẻ tạo thành một hệ thống giáo dục mở do khối Giáo dục nghề nghiệp được tách riêng biệt. Do không phải là một bậc học nên không thể xem khối này nằm ở vị trí trên giáo dục trung học và dưới giáo dục đại học. Ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng trong khối đó cũng không có sự liên thông thực sự. 

Luật giáo dục nghề nghiệp quy định muốn được dự tuyển vào cao đẳng thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp THPT (hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT).

Từ cao đẳng chuyển lên đại học lại càng không dễ dàng chút nào vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo (do 2 cơ quan Nhà nước khác nhau quy định).

Không có sự hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO (ISCED 2011 ), thì các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật giáo dục nghề nghiệp không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của ISCED2011. 

Không có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông. Việc rẽ nhánh học sinh sau THCS là lối đi vào “ngõ cụt” vì người học không có hướng học lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp THPT. Do đó xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau THCS người học đều cố đi vào THPT. 

Hỏi: Sơ đồ Cấu trúc hệ thống Giáo dục Việt Nam vừa được Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam cùng đề xuất đã được thiết kế dựa trên các cứ liệu gì?

Đáp: Có ba cứ liệu quan trọng đã được sử dụng để thiết kế sơ đồ cấu trúc này là: 

Những định hướng cơ bản của Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Những định hướng cơ bản của Nghị quyết Chính Phủ 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt nam giai đoạn 2006-2020.
Các nguyên tắc cơ bản của Phân loại giáo dục theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được UNESCO ban hành (ISCED 2011).

Hỏi: So với sơ đồ Cấu trúc hệ thống Giáo dục Việt Nam hiện tại, sơ đồ mới này có những nét gì mới?

Đáp: Nét mới ở sơ đồ này là đã phác họa ra hình hài của một hệ thống giáo dục mở, ở đó thể hiện rất rõ ràng sự phân luồng người học sau THCS và sau THPT, cũng như tính liên thông ở mỗi luồng cho tới trình độ cao nhất. 

Đồng thời sơ đồ cũng cho phép tạo ra đội ngũ nhân lực đa dạng, đa trình độ để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Hỏi: Tính phân luồng của sơ đồ thể hiện như thế nào?

Đáp: Có 2 thời mốc quan trọng để thực hiện phân luồng người học:
Một là, phân chia học sinh sau THCS theo 2 luồng: luồng trung học phổ thông (3 năm) và luồng trung học nghề (3 năm). Luồng trung học phổ thông (THPT) chủ yếu cung cấp nguồn tuyển cho cao đẳng (CĐ) và đại học (ĐH).

Luồng trung học nghề (THN) chủ yếu cung cấp nhân lực tham gia thị trường lao động, một bộ phận không nhỏ cũng sẽ là nguồn tuyển cho cao đẳng thực hành. Dự tính bước đầu luồng THPT chiếm không quá 50%, luồng THN chiếm trên 30% quy mô học sinh tốt nghiệp THCS.

Hai là, phân chia học sinh sau THPT theo 2 luồng: luồng đại học nghiên cứu (4-6 năm) và luồng ứng dụng – thực hành bao gồm cao đẳng thực hành (3 năm) và đại học ứng dụng (4 năm). 

Ảnh minh họa VNN
Ảnh minh họa VNN

Trong khi đó thời gian thiết kế cho học sinh từ trung học nghề lên cao đẳng thực hành chỉ là 2 năm, từ cao đẳng thực hành lên đại học ứng dụng là 2 năm.

Đây là giải pháp rất phổ biến ở nhiều nước để khuyến khích học sinh sau THCS tự nguyện đi theo luồng THN (ở nhiều nước, tỷ lệ phân luồng giữa THPT và THN có thể đạt tới 30:70).

Hỏi: Tính liên thông của sơ đồ thể hiện như thế nào?

Đáp: Tính liên thông của sơ đồ được thể hiện ở chỗ sau THCS người học được phân luồng theo 2 hướng: hướng phổ thông - nghiên cứu và hướng nghề - ứng dụng/thực hành. Nếu theo đúng hướng thì thời gian đi từ trình độ thấp nhất tới trình độ cao nhất ở cả 2 hướng là tương đương nhau. 

Việc người học có đi tới được trình độ cao nhất hay không là tùy thuộc vào năng lực của người đó và các đòi hỏi về đầu vào của mỗi cơ sở giáo dục, hoàn toàn không có vướng mắc về thể chế như ở hệ thống giáo dục hiện hành của Việt Nam.

Tất nhiên sự liên thông sẽ thuận lợi hơn nếu người học đi đúng luồng. Còn trong trường hợp người học cần đi “chéo luồng” thì phải chấp nhận thời gian học dài hơn hoặc phải bổ sung thêm một vài chứng chỉ kiến thức (nếu phải thi chung đầu vào). 

Hỏi: Trên thế giới người ta có thực hiện phân luồng và liên thông học sinh như ở sơ đồ này hay không?

Đáp: Trước khi đề xuất, đưa ra mô hình mới tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân, chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ cấu trúc giáo dục quốc dân hiện tại của Việt Nam cũng như mô hình của các nước trên thế giới.

Theo kinh nghiệm của thế giới, càng đi sâu vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động  sẽ ngày càng đa dạng hơn. 

Để đáp ứng được sự đa dạng đó, hệ thống giáo dục của quốc gia bắt buộc phải phân luồng mạnh. Ngoài ra, quy mô, trình độ và cơ cấu ngành nghề đào tạo phải luôn được điều chỉnh cho phù hợp với dịch chuyển cơ cấu kinh tế của từng vùng lãnh thổ.

Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011 của UNESCO, trên thế giới, sự phân luồng học sinh, sinh viên có thể bắt đầu từ sau tiểu học (giáo dục trung học thường phân thành các luồng phổ thông và nghề, còn giáo dục đại học phân thành các luồng hàn lâm hay học thuật và chuyên nghiệp). 

Tuy nhiên, thường gặp phổ biến 2 dạng phân luồng từ sau trung học cơ sở và sau Trung học phổ thông, tùy theo chính sách phúc lợi và trình độ phát triển xã hội – công nghệ ở mỗi quốc gia.

Đối với các quốc gia phát triển phân luồng thường diễn ra từ sau trung học phổ thông thành các hướng: đại học, cao đẳng, nghề.

Đối với các quốc gia đang phát triển phân luồng thường diễn ra từ sau trung học cơ sở, thành các hướng: phổ thông và nghề; khi tiếp lên giáo dục đại học, các hướng này được tiếp nối thành các hướng hàn lâm hay học thuật (Academic) và chuyên nghiệp (Professional).

Việt Nam hiện chưa phải là một quốc gia phát triển, đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, trình độ công nghệ trong sản xuất còn thấp, do đó chọn hướng phân luồng học sinh từ sau THCS là hợp lý.

Hỏi: Tại sao trong sơ đồ lại bỏ Trung cấp chuyên nghiệp và thay Trung cấp nghề bằng Trung học nghề (Vocational Secondary Education)?

Đáp: Trung cấp chuyên nghiệp ra đời từ những thập niên 50 của thế kỷ trước, có chức năng đào tạo kỹ thuật viên hoặc tương đương (mid-level) – Theo Luật Giáo dục 2009 (Điều 32 Khoản 1), Trung cấp chuyên nghiệp được thực hiện từ 3 đến 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp THCS, từ 1đến 2 năm đối với người có bằng tốt nghiệp THPT. 

Đối chiếu với ISCED 2011 loại chương trình thứ nhất chỉ tương ứng với cấp độ 2, còn loại chương trình thứ 2 tương ứng với cấp độ 4. Cũng chính vì vậy mà theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành thì người có bằng Trung cấp chuyên nghiệp nếu học theo chương trình thứ nhất thì không được quyền dự tuyển vào cao đẳng, đại học. 

Dự kiến sơ đồ phân luồng học sinh sau THCS của ba tổ chức.
Dự kiến sơ đồ phân luồng học sinh sau THCS của ba tổ chức.

Hơn thế, do sự phát triển của công nghệ quá nhanh nên trên thế giới còn rất ít quốc gia duy trì loại hình đào tạo kỹ thuật viên ở cấp độ 3 (nếu là Trung học chuyên nghiệp) chứ chưa nói ở cấp độ 2, mà thường là ở trình độ cao đẳng (cấp độ 5) lấy nguồn tuyển là những người tốt nghiệp THPT hoặc THN. 

Do vậy, nếu vẫn duy trì tiếp Trung cấp chuyên nghiệp thì sẽ gây thiệt thòi cho người học, ngăn cản chủ trương phân luồng người học sau THCS và tạo ra nguồn nhân lực dưới chuẩn, không bảo đảm hội nhập quốc tế.

Trung cấp nghề là dạng đào tạo nguồn lao động trực tiếp (thợ và tương đương). Theo Luật giáo dục nghề nghiệp, Trung cấp (được gộp cả trung cấp chuyên nghiệp và Trung cấp nghề nhưng thực chất là trung cấp nghề) có thời gian đào tạo là 1-2 năm đối với người học tốt nghiệp THCS. Có 2 điều bất cập ở đây. 

Một là, tuổi lao động của người tốt nghiệp quá sớm. 

Hai là, đối chiếu với ISCED 2011 thì Trung cấp nghề chỉ tương ứng với cấp độ 2, không đạt được cấp độ 3 như THPT nên người học không được quyền dự tuyển vào cao đẳng, đại học (xem Điều 6 Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành).

Trong khi đó ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, ở giáo dục trung học bậc cao (Upper Secondary Education) có 2 luồng là Trung học phổ thông (General Secondary Education) và Trung học nghề (Vocational Secondary Education). 

Trung học nghề có thời gian đào tạo 3 năm cũng như THPT nhằm cung cấp hài hòa cho người học cả kiến thức văn hóa (khoảng 50-60%) cũng như kiến thức – kỹ năng nghề (khoảng 40-50%). 

Do đó ISCED 2011 xem Trung học nghề tương ứng với cấp độ 3 và bằng THN hoàn toàn bình đẳng với bằng tốt nghiệp THPT, người có bằng THN được quyền dự tuyển thẳng vào cao đẳng, đại học (sẽ thuận lợi và được ưu tiên nếu đi đúng luồng). 

Bởi vậy, việc thay thế Trung cấp nghề bằng trung học nghề là một trong những công việc mà ngành giáo dục cần làm ngay để việc phân luồng học sinh sau THCS sớm trở thành hiện thực.

Hỏi: Hai hướng nghiên cứu (Academic) và ứng dụng–thực hành (Professional) khác nhau như thế nào?

Đáp: Theo ISCED 2011 các chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu (Academic) được thiết kế cung cấp cho người học chủ yếu các kiến thức, kỹ năng và năng lực học thuật, nhằm đào tạo ra các học giả, nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo dục… 

Do đó, các chương trình này thường có nội dụng định hướng chủ yếu lý thuyết và có thể bao gồm các hợp phần thực hành được dẫn dắt bởi các nghiên cứu hiện đại.

Trong khi đó, các chương trình giáo dục theo định hướng ứng dụng – thực hành (Professional) được thiết kế cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn ở bậc trung và bậc cao nhằm đào tạo ra các chuyên viên, chuyên viên công nghệ (Technologist), giáo viên, điều dưỡng viên,… 

Do đó, các chương trình này không quá nặng về lý thuyết và có thể bao gồm cả hợp phần thực hành được dẫn dắt từ những thực tiễn chuyên môn hiện đại nhất.

Riêng các chương trình cao đẳng thường được thiết kế cung cấp cho người học kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên nghiệp nhằm đào tạo ra các kỹ thuật viên / tương đương và đội ngũ công nhân kỹ thuật cao. Nhu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật cao (cao đẳng nghề) chỉ thật sự lớn khi đất nước đi vào thời kỳ cuối của CNH, HĐH, đặc biệt khi triển khai nền kinh tế tri thức.

Hỏi: Những năm trước đây Giáo dục Việt Nam có đặt mục tiêu thực hiện phân luồng và liên thông học sinh hay không? Hậu quả của việc không thực hiện được phân luồng và liên thông này là gì?

Đáp: THPT đã được khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thí dụ như cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục  xác định sau giáo dục mầm non (dưới 6 tuổi) sẽ đến giáo dục tiểu học (5 năm), trung học cơ sở (4 năm), sau đó đến THPT (3 năm) hoặc trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (3-4năm), rồi CĐ, ĐH, sau ĐH. 

Việc phân luồng  này có vẻ tương đối hợp lý, nhưng trên thực tế chỉ đạo (ở cả cấp Trung ương và cấp Địa phương) lại mở cửa cho số đông học sinh tràn vào luồng trung học phổ thông và chặn luồng học lên đối với các hệ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề (thể hiện ở các quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng), trong khi ở các nước, học sinh học hệ trung học nghề vẫn được quyền học lên các bậc học cao hơn. 

Kết quả là, theo thống kê giáo dục năm 2010-2011, 81,1% học sinh sau tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT, 9,86% gia nhập thị trường lao động. 

Chính tỉ lệ nhập học THPT cao đã dẫn tới tình trạng quy mô học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề quá thấp so với quy mô sinh viên ĐH, CĐ (mặc dù tỉ lệ nhập học ĐH của Việt Nam vẫn còn ở dưới mức trung bình của thế giới), cũng như nhiều rắc rối khác có liên quan tới sự quá tải của các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm. 

Hậu quả của việc không phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở là trong nhiều năm qua Việt Nam chỉ có được nguồn nhân lực quá thấp kém về trình độ nghề nghiệp vì không được qua đào tạo (mặc dù có bằng tốt nghiệp THPT) hoặc được đào tạo ở mức dưới chuẩn chuyên môn (như ở hệ trung cấp chuyên nghiệp), hoặc ở mức dưới chuẩn học vấn (như ở các trình độ sơ cấp và trung cấp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp),  hoặc ở mức vượt quá trình độ công nghệ hiện tại của đất nước (như ở hệ cao đẳng nghề). 

Xu hướng chung của giáo dục thế giới hiện nay là giáo dục nghề đang xâm nhập ngày càng sâu vào lĩnh vực giáo dục đại học, để cùng với giáo dục đại học truyền thống, hình thành nên nền giáo dục sau trung học hoặc giáo dục bậc ba (Tertiary Education), góp phần quan trọng đưa giáo dục đại học ở nhiều nước chuyển nhanh từ giai đoạn tinh hoa qua giai đoạn đại chúng và tiếp đó là giai đoạn phổ cập, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho sự ra đời một nền kinh tế tri thức ở những nước đó. 

Trong khi đó ở Việt Nam hai hệ thống này đang ngày càng tách xa nhau và đang được hoạch định bởi hai dòng chính sách độc lập với nhau. Việc tách trình độ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học để hợp nhất với các trình độ sơ cấp và trung cấp hình thành một bậc học riêng biệt (theo Luật Giáo dục nghề nghiệp) là một biểu hiện rõ ràng của khuynh hướng đó.

Hỏi: Để tạo ra tiền đề cho việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở trước mắt cần phải làm gì?

Đáp: Trước mắt cần phải thực hiện các công việc như sau:

Tập trung quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo về cùng một đầu mối như rất nhiều nước đã làm (thí dụ như trong Bộ Giáo dục của Thái Lan có 3 Tổng cục là: giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề).

Thiết kế khung chương trình tổng thể cho các hệ giáo dục phổ thông (bao gồm: giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) và hệ trung học nghề.

Thực hiện cơ chế phân cấp quản lý về giáo dục – đào tạo cho các địa phương và các cơ sở giáo dục (về ngành nghề, nội dung chương trình, mạng lưới cơ sở giáo dục…) bám sát cơ cấu chuyển dịch kinh tế và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, cũng như ở tầm quốc gia.

Mô tả Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục Việt Nam do ba tổ chức đề xuất.
Mô tả Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục Việt Nam do ba tổ chức đề xuất. 

Tổ chức lại hệ thống giáo dục các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, các cơ sở dạy nghề ở địa phương để hình thành nên 2 loại trường cơ bản là trung học phổ thông và trung học nghề.

Theo thống kê giáo dục 2013, Việt Nam hiện có 2669 trường trung học phổ thông trong khi chỉ có 295 trường trung cấp chuyên nghiệp và 303 trường trung cấp nghề. 

Do đó, để có sự phân luồng khoảng hơn 30% học sinh tốt nghiệp THCS, không phải chỉ chuyển mục tiêu đào tạo cho các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề để trở thành các trường trung học nghề mà còn cần hợp nhất một lượng rất lớn các trường THPT với các trung tâm dạy nghề tại địa phương (có khoảng 869 trung tâm) để chuyển các trường này thành trường trung học nghề.

Ban hành chính sách khuyến khích người học đi theo luồng trung học nghề bao gồm các ưu đãi về chính sách tuyển sinh, học phí, học bổng… Cần kiên quyết siết chặt chỉ tiêu đối với hệ THPT.

Hỏi: Những công việc gì cần triển khai sớm để thực hiện phân luồng học sinh sau THPT?

Đáp: Cần thực hiện quyết liệt các giải pháp sau:

Thực hiện phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, trước hết là các cơ sở giáo dục công lập, theo sứ mệnh: Hướng nghiên cứu chỉ dành cho các trường đại học trọng điểm quốc gia; Hướng ứng dụng – thực hành chủ yếu dành cho các trường thuộc Bộ, Ngành và địa phương.

Sáp nhập một số Viện/ Trung tâm nghiên cứu khoa học trọng điểm vào các trường đại học định hướng nghiên cứu để tăng cường năng lực nghiên cứu cho các trường này, để chúng sớm trở thành các trường đại học nghiên cứu thực sự, đạt chuẩn quốc tế.

Xây dựng khung trình độ quốc gia và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản hỗ trợ để triển khai khung này.

Từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung năng lực quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở GDĐH.

Thành lập một số học viện công nghệ cấp cao đầu tư theo các hướng mũi nhọn.

Quy hoạch lại hệ thống các trường cao đẳng và giáo dục chuyên nghiệp tại các địa phương để hình thành hệ thống trường cao đẳng cộng đồng đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực đại học ở từng địa phương.

Hỏi: Đối với sơ đồ cấu trúc hệ thống giáo dục này, một hệ thống các văn bằng chứng chỉ như thế nào thì được xem là hợp lý?

Đáp: Có thể sẽ có các loại văn bằng, chứng chỉ sau:

Các văn bằng (ở tầm quốc gia), tương ứng với mỗi cấp độ của ISCED2011, bao gồm: bằng Tiểu học, bằng Trung học cơ sở, bằng Trung học phổ thông, bằng Trung học nghề, bằng Nghề bậc cao (cho các chương trình trung học nghề có thời gian đào tạo từ 4 năm trở lên ), bằng cao đẳng, bằng cử nhân (thời gian đào tạo 4 năm ), bằng chuyên gia (như: bằng bác sỹ, bằng nha sỹ, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư,… có thời gian đào tạo từ 5 năm trở lên), bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ.

Các chứng chỉ sau đại học (như: chứng chỉ nội trú, chứng chỉ chuyên khoa 1, chứng chỉ chuyên khoa 2,... ) có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên.

Các chứng chỉ ngắn hạn (như Chứng chỉ nghề bậc 1, Chứng chỉ nghề bậc 2, Chứng chỉ đại học đại cương,... ), có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên.

Các chứng chỉ ngắn hạn (rất đa dạng ) có thời gian đào tạo dưới 1 năm.

Mối liên hệ giữa các văn bằng, chứng chỉ trên với các bậc trình độ trong Dự thảo khung trình độ quốc gia (do Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ,TB&XH đề xuất ) và với các cấp độ trong ISCED-2011 như sau:         

Văn bằng, chứng chỉ

Bậc của Khung TĐQG

Cấp độ ISCED2011

Bằng Tiến sỹ

8

8

Bằng Thạc sỹ

7

7

Bằng Cử nhân/Chuyên gia

6

6

Bằng Ccao đẳng

5

5

Bằng Nghề bậc cao

4

4

Bằng Trung học nghề

3

3

Chứng chỉ Nghề bậc II

2

2

Chứng chỉ Nghề bậc I

1

2

Văn phòng Hiệp hội