Sáng nay (6/6), Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ, tập trung vào nhóm vấn đề giải pháp về chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp về tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi, Bộ đang thực hiện triển khai đổi mới giáo dục phổ thông. Vậy việc phân luồng được thực hiện ra sao để mang lại hiệu quả?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, câu hỏi của đại biểu đánh đúng vào vấn đề trọng tâm của ngành. Vấn đề phân luồng học sinh đã được nhắc nhiều lần. Trung ương cũng đã có chỉ đạo.
Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua, việc phân luồng đã được thực hiện nhưng kết quả chưa được tốt.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, vấn đề căn cốt là phải ở chương trình, chương trình giáo dục phổ thông hiện tại có phân luồng nhưng chưa làm tốt.
Học sinh mới chỉ tập trung học kiến thức ít gắn với thực hành.
Tháng 5 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về giáo dục phân luồng và định hướng học sinh từ 2018 -2025.
Trong đó, có nhóm giải pháp thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ sẽ tập trung xây dựng đội ngũ tư vấn về hướng nghiệp chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: TTXVN) |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vừa rồi chúng tôi làm khảo sát, có khoảng 76,9 % học sinh khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào Trung học Phổ thông.
Vấn đề là tạo điều kiện để cho các em tiếp cận việc làm, nghề nghiệp mới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định, đối với chương trình phổ thông, Bộ đã quán triệt đến các nhóm tác giả, tác giả lồng các thông tin hướng nghiệp, đặc biệt thông tin về cách mạng 4.0 vào chương trình, bám sát thực tiễn.
“Căn cơ là phải tạo đam mê hướng thích cho các em chứ không phải bắt buộc là cháu nào không học lên được thì mới phải học nghề”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng khẳng định: “Lúc nào các em thực sự đam mê, hứng thú với việc học nghề lúc đó mới hiệu quả. Giáo dục phân luồng bắt buộc sẽ không thành công”.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Giơ biển tranh luận, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu băn khoăn, với các học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở, các em mới chỉ là giáo dục cơ bản.
Các em có đủ kiến thức, đủ đam mê với nghề mình chọn không? Liệu có ổn về năng suất lao động để có thể tăng năng suất như Bộ trưởng nêu, liệu có đáp ứng trình độ, có đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động? Đa số người sử dụng lao động luôn yêu cầu chất lượng, trình độ của người lao động.
Theo đại biểu Hương chia sẻ, ở mục tìm việc làm, nhà sử dụng lao động đa số đều yêu cầu tốt nghiệp Trung học Phổ thông, rất ít nơi yêu cầu tốt nghiệp Trung học Cơ sở.
Đại biểu, đề nghị Bộ trưởng làm rõ cơ hội việc làm cho các học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp Trung học có sở?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây đúng là một vấn đề.
"Tôi xin thưa, các em học sinh Trung học Cơ sở rất thông minh. Người học tiếp cận các thông tin mới rất nhiều.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đều lồng ghép hướng nghiệp.
Giờ học sinh rất đam mê khoa học công nghệ để tạo ra hoài bão. Nếu không tạo ra hoài bão thì các cháu khó hứng thú.
Tôi xin nhấn mạnh, tạo động lực trong giáo dục không thể bằng biện pháp hành chính.
Đối với Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, chúng tôi đã ban hành khung hệ thống giáo dục Quốc dân tạo sự linh hoạt. Các cháu có thể học nghề sau chuyển đổi sang Cao đẳng, Đại học rất thuận lợi", Bộ trưởng Nhạ khẳng định.