Họp, họp và họp chỉ tốn thời gian, nhiều cuộc hình thức, vô bổ

18/01/2019 06:37
Thủy Trúc
(GDVN) - Đừng bắt giáo viên họp nhiều, đừng quản lý giờ giấc cuộc họp, đừng quan tâm biên bản viết dài hay ngắn. Chỉ cần đánh giá công việc họ làm, chất lượng họ dạy...

Một trong những việc chiếm nhiều thời gian lãng phí của giáo viên hiện nay nhất chính là việc hội họp.

Lịch họp dày, thời gian họp dài và không hiệu quả. Nhiều giáo viên phải thốt lên “hở tí là họp”, “không có gì quan trọng cũng họp”.

Đã thế, một số Ban giám hiệu nhiều trường học chủ yếu chỉ quan tâm đến thời gian họp có đúng quy định hay không mà bỏ qua chất lượng các cuộc họp và hiệu quả của nó.

Có nhất thiết phải triệu tập giáo viên hội họp nhiều không? (Ảnh minh họa VOV)
Có nhất thiết phải triệu tập giáo viên hội họp nhiều không? (Ảnh minh họa VOV)

Bởi những cuộc họp mà “hành” là chủ yếu đã làm cho giáo viên vốn đã áp lực càng trở nên mệt mỏi.

Nhiều trường học phá vỡ quy định hội họp

Theo quy định trong Điều lệ trường phổ thông, họp hội đồng nhà trường 1 tháng/lần.

Họp tổ chuyên môn 2 lần/tháng.

Thế nhưng không ít trường học lại đẻ thêm những cuộc họp chuyên môn cấp, họp hội đồng cấp (ngoài những cuộc họp theo quy định).

Và bên cạnh đó, còn khá nhiều cuộc họp vô bổ khác. Có trường họp giao ban tuần, giao ban tháng, họp kế hoạch triển khai hoạt động ngoài giờ, họp tổ trưởng, họp công đoàn, họp xét học bổng, họp giải quyết học sinh vi phạm…

Thực ra những nội dung này đâu nhất thiết phải tổ chức cuộc họp với đầy đủ các ban bệ như thế?

Chú trọng hình thức bỏ qua chất lượng

Nhiều giáo viên bất bình vì những cuộc họp bất thường. Bởi, có thầy cô đang dạy phải bỏ lớp cho học sinh tự quản để ngồi họp.

Hoặc giờ ra chơi, thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn để vào dạy tiếp, giáo viên phải ngồi vào họp.

Giờ ra về, nhiều khi phải nán lại đã gây khó khăn cho công việc gia đình đặc biệt là chuyện đưa đón con.

Khổ nhất là những giáo viên không có tiết dạy ở trường nhưng khi được triệu tập cuộc họp lại chẳng dám vắng.

Có người “mắt nhắm mắt mở” phi đại đến trường cho kịp giờ. Người đi cả chục cây số chỉ đến ngồi nghe những chuyện đôi khi chẳng liên quan đến mình hoặc cũng chẳng có gì là quan trọng.

Hết thời tập huấn “Tam sao thất bản”

Những nội dung này có thể soạn và gửi tin nhắn trên phần mềm cũng chẳng ai áp dụng.

Ngay như những cuộc họp chuyên môn tổ hàng tháng, nhiều trường học quy định giờ cứng “các tổ phải họp ít nhất 3 tiếng mới được tan”.

Thế là dù các nội dung đã được triển khai xong nhưng chẳng ai dám ra về vì chưa đúng 3 tiếng.

Giáo viên đành ngồi chơi, tán dóc và canh chừng (canh chừng Ban giám hiệu có đi qua thì cứ giả vờ như đang bàn chuyện họp).

Khổ nỗi, họp chuyên môn tổ chủ yếu những nội dung quen thuộc cứ lặp từ lần họp này đến lần họp khác.

Ví như yêu cầu của cuộc họp tìm giải pháp giúp đỡ học sinh yếu kém. Những biện pháp này hàng tuần đều nêu và ghi vào sổ.

Ngày nào giảng dạy chẳng áp dụng cũng chỉ những biện pháp ấy trong năm. Làm gì có biện pháp nào mới hơn để phải ghi chép lại?

Hay như trao đổi chuyên môn, bài này dạy đồ dùng gì? Triển khai cách dạy ra sao? Đã giao cho giáo viên quyền chủ động sáng tạo.

Họ có quyền đưa ra phương pháp dạy tốt nhất phù hợp với chất lượng học sinh của lớp mình. Đâu nhất thiết mang ra để bàn, để buộc phải dạy theo kiểu “đồng phục?’

Buồn nhất là việc quy định biên bản cuộc họp phải dài chừng này chừng nọ.

Biên bản viết ngắn gọn lại quy chụp họp không chất lượng.

Thế là thư kí phải kể lể dông dài sao cho càng nhiều trang càng tốt.

Ngay cuộc họp chuyên môn trường, họp hội đồng cũng phải kéo trưa lơ trưa lắc mới xong.

Cán bộ, giáo viên rất chán ghét báo cáo, họp hành nhiều

Nội dung cuộc họp chẳng có gì ngoài việc Ban giám hiệu thay nhau đọc công văn, giáo viên phải ngồi nghe cho đến hết buổi. Lẽ ra những nội dung này chỉ cần chuyển email là xong nhưng Ban giám hiệu nói “sợ giáo viên về không đọc”.

Chương trình mới còn họp hành liên miên không?

Chương trình mới giáo viên phải có thời gian tự học, tự tìm hiểu để bổ sung thêm kiến thức, kĩ năng mới đáp ứng được mục tiêu yêu cầu của chương trình.

Thế nhưng Ban giám hiệu các trường vẫn cứ quản lý giáo viên theo kiểu học sinh tiểu học, họp ít mà “hành” nhiều sẽ là vật cản khiến cho giáo viên không thể làm tốt công tác giảng dạy.

Nhiều thầy cô đề nghị, đừng bắt giáo viên họp nhiều, đừng quản lý giờ giấc các cuộc họp, đừng quan tâm biên bản viết dài hay ngắn.

Ban giám hiệu chỉ cần đánh giá công việc họ làm, chất lượng họ giảng dạy sẽ tốt gấp triệu lần những kiểu họp hành kia.

Thủy Trúc