Kết quả điều tra cho thấy, trong kỳ thi năm 2018, Hòa Bình có 64 thí sinh có gian lận điểm.
Trong số 64 thí sinh đã được xác định là có dính líu đến với việc tiêu cực thì có 63 thí sinh của kỳ thi năm 2018 và 1 thí sinh của kỳ thi năm 2017.
Trả lời báo chí sáng 17/3 tại "Ngày hội tư vấn tuyển sinh" diễn ra ở Hà Nội, đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn - Trợ lý tuyển sinh Cục Đào tạo, Bộ Công an - cho hay: Tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường công an đều nhập học, trong đó có thí sinh ở Hòa Bình. Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình công bố điểm chấm thẩm định, các trường công an sẽ liên hệ để lấy danh sách điểm đã thay đổi. |
Thông báo về kết quả điều tra, ông Mai Văn Trinh Cục trưởng cục Khảo thí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
“Trong vụ điểm thi ở Hòa Bình, có 64 thí sinh (63 thí sinh 2018, 1 thí sinh 2017) có thay đổi về kết quả.
Trong đó điểm được tăng lên cao nhất là 9,25 điểm/môn; có thí sinh chênh 3 môn cao nhất là 26,45 điểm”.
Như vậy kết quả điều tra đã cụ thể, tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra là có công bố công khai danh sách 64 thí sinh này hay không?
Đang có nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm của xã hội nên đại diện ngành giáo dục địa phương, chính quyền và các trường đại học còn đắn đo bởi sợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thí sinh khi các em đang còn quá trẻ và sự việc này chưa hẳn là các em được biết.
Trước sự việc này, bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hòa Bình đã cho biết là Sở sẽ không công bố danh sách gian lận thi cử vì “sợ tổn thương” thí sinh.
Lý do không công bố được bà Hường lý giải như sau:
“Vì tuổi của các thí sinh hiện đang 17, 18, độ tuổi tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột.
Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Nhưng chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”.
Bảng điểm thực của các thí sinh ở Hà Giang đã được công bố trên Internet. (Ảnh thống kê) |
Song, có thể thấy việc gian lận điểm thi không chỉ xảy ra tại Hòa Bình mà nó còn xảy ra tại Sơn La, Hà Giang.
Ngoài Hòa Bình, Hà Giang đã có kết quả của cơ quan điều tra sớm nhất khi phát hiện ra tiêu cực. Các thí sinh ở Hà Giang đã được trả lại điểm thực của mình trước khi kỳ tuyển sinh đại học đã diễn ra.
Các điểm thi thực của các em đều được công khai, nhiều em vì gian lận đã buộc phải nhường cơ hội học đại học cho những bạn khác.
Những cái sai, chưa đúng đã được xử lý để trả lại công bằng cho các em khác.
Đến nay sau nhiều tháng, Hòa Bình hoàn thành kết luận điều tra, đã xác định rõ số lượng thí sinh sai phạm có cả năm 2017.
Việc công bố, cập nhật điểm của các thí sinh này là cần thiết, không hiểu lý do nhạy cảm ở đây là gì?
Có nên công bố danh sách thí sinh trong vụ tiêu cực thi cử ở Hòa Bình hay không? |
Cần phải thấy rằng, trong số những em đã có gian lận, có em đã bước chân vào trường đại học. Các em biết rõ mình có gian lận không?
Chắc chắn là có bởi khả năng học hành của các em, năng lực của các em đến đâu các em biết rõ nhất.
Khi các em bước chân vào trường đại học bằng con đường chạy chọt, gian lận thì đồng nghĩa với việc nhiều cơ hội của các em khác đã bị khước từ, các bạn đồng trang lứa trở thành nạn nhân một cách vô cùng đau xót.
Gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình có bao nhiêu con em là nông dân, người lao động, những người có cuộc sống khó khăn? Không ai cả.
Bởi họ lấy đâu ra hàng trăm triệu, hàng chục triệu đồng để đút lót cho những người có tâm địa xấu? Những người vì đồng tiền trước mắt mà đã có những hành động phá hoại nền giáo dục.
Chẳng có lý do nào để coi việc công bố điểm thực của các thí sinh đã gian lận điểm là “nhạy cảm”, là ảnh hưởng cả.
Ngày 14/3, Trung tướng Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Nhà trường (Bộ Quốc phòng) cho biết một số thí sinh Hòa Bình thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, trở thành thủ khoa trường quân đội đã không nhập học, ví dụ ở Học viện Hậu cần. Trong đó, có em báo ra nước ngoài học, có em không nêu lý do. |
Trong những ngày tác nghiệp tại Hà Giang, chúng tôi đã tiếp xúc với một thí sinh có gia đình tác động vào điểm thực.
Thí sinh này đã chọn cách không nộp hồ sơ vào Đại học, em chọn cho mình cách khác để bước vào cuộc sống.
Nếu các em đã biết xấu hổ trước những hành động gian lận mà các em đã biết, các em sẽ có cách xử lý khác hơn.
Đặc biệt, phần nhiều thí sinh gian lận đều chọn vào những trường được cho là “top trên” với những ngành nghề có thể kiếm được việc làm tốt sau khi ra trường.
Cùng một sai phạm, chỉ khác nhau ở thời điểm nhưng các thí sinh ở Hà Giang khi bị trả về điểm thực đều được công bố và công khai trên mạng.
Để những gian lận không còn, Bộ GIáo dục và Đào tạo cần công khai điểm thi của các thí sinh có sai phạm. (Ảnh minh họa: Báo Tổ quốc) |
Vậy lý do gì ở Hòa Bình được coi là nhạy cảm? thậm chí những thí sinh ở Hòa Bình đến nay cũng đã trên 18 tuổi và đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nêu ý kiến trên tờ Tiền Phong, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng khẳng định cần phải công khai danh tính những trường hợp vi phạm.
Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Dù không trực tiếp hành vi, nhưng các thí sinh gian lận ấy phải được coi là đồng phạm.
Trong trường hợp này chúng ta phải có một thái độ kiên quyết, rõ ràng. Bởi việc thi cử vốn rất thiêng liêng, công bằng và công khai”.
Nói trên tờ Tuổi trẻ, Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội cho rằng:
“Tôi cho rằng cần công khai những người đã giúp các thí sinh nhờ vả hoặc mua điểm là ai và những người này phải bị xử lý kỷ luật, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật.
Có như vậy mới đủ để cảnh báo, ngăn ngừa tiêu cực khác có thể nảy sinh”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực xây dựng một kỳ thi công bằng, không có chỗ cho gian lận thì cần phải công khai để những kỳ thì sau làm gương. Để những gian lận cần phải loại bỏ cần công khai điểm thực của các thí sinh gian lận.