Làm sao để học sinh vừa không ngồi nhầm lớp, vừa không bỏ học?

03/09/2015 07:55
Đỗ Quyên
(GDVN) - Đã có cảnh phụ huynh chạy theo níu áo xin cô cho con ở lại lớp. Dù rất muốn làm điều đó nhưng nhiều giáo viên cũng phải làm ngơ vì biết bao điều khống chế.

LTS: Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 đối với cấp Tiểu học. 

Theo quan điểm của cô giáo Đỗ Quyên thì công văn còn nhiều nội dung bất cập và đáng lưu ý. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 


Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn hướng dẫn các Sở Giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 đối với cấp Tiểu học

Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như không để học sinh ngồi nhầm lớp; không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lí; không giao chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi khác; không để học sinh bỏ học…

Trong những nội dung trên đáng lưu ý 2 vấn đề: Không để học sinh ngồi nhầm lớp và không để học sinh bỏ học.

Nhưng xem chừng khó khả thi bởi ngành Giáo dục chưa bỏ được các chỉ tiêu thi đua giao về các trường như tỉ lệ lên lớp thẳng, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, hiệu quả 5 năm đào tạo…thì chừng đó sẽ còn nhiều trường học tìm đủ mọi cách để ép học sinh phải lên lớp để đỡ ảnh hưởng đến thi đua của trường. 

Làm sao để học sinh vừa không ngồi nhầm lớp, vừa không bỏ học? ảnh 1
Giải pháp nào tránh học sinh ngồi nhầm lớp? (Ảnh minh họa giaoduc.net.vn)

Mới đây nhất, Báo Tuổi Trẻ đã phản ánh trường hợp một học sinh ở trường tiểu học Hàm Cường 1, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận mới chỉ học 2 tháng lớp 4 rồi nghỉ học nhưng trong bảng tổng hợp đánh giá cuối năm học ở phần phẩm chất được ghi rõ ràng “tham gia đầy đủ các hoạt động học tập, trung thực với mọi người”. 

Cuối bảng đánh giá ghi “hoàn thành chương trình lớp 4” và được đóng con dấu “Được lên lớp”. Bà Hiệu trưởng đã thừa nhận cuối năm học mình đã chỉ đạo cho giáo viên mang bài thi đến nhà cho học sinh làm với mục đích giúp cho học sinh này được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. 

Thực tế thì chẳng phải bà Hiệu trưởng muốn “giúp học sinh” mà bà đang tự giúp chính mình, giúp ngôi trường mà bà làm hiệu trưởng. Vì sao ư? 

Vì nếu để học sinh lưu ban, để học sinh nghỉ học dù với bất cứ lí do gì cũng ảnh hưởng tới thi đua của trường đặc biệt những trường mang danh trường chuẩn Quốc gia. Nếu trường đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ càng cao thì các chỉ tiêu thi đua càng được siết chặt. 

Làm sao để học sinh vừa không ngồi nhầm lớp, vừa không bỏ học? ảnh 2

Không để học sinh ngồi nhầm lớp trong năm học mới

(GDVN) - Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 đối với cấp tiểu học.

Nếu là người ngoài ngành Giáo dục sẽ lên án mạnh mẽ và không thể chấp nhận tình trạng để học sinh ngồi nhầm lớp diễn ra giống ở trường Hàm Cường 1 nhưng những người trong nghề giáo chỉ thấy thật “xui” cho giáo viên trường ấy đã bị báo chí sờ gáy và phanh phui trước công luận. 

Bởi những chuyện học sinh không biết đọc, không làm nổi phép toán đơn giản nhưng vẫn lên lớp đều đều chẳng thiếu gì trong các trường học hiện nay trong cả nước. 

Bạn đã gặp cảnh phụ huynh chạy theo níu áo xin cô cho con ở lại lớp chưa? Dù rất muốn làm điều đó nhưng nhiều giáo viên cũng phải làm lơ vì biết bao điều khống chế. 

Bản thân từng thầy cô giáo cũng sợ ảnh hưởng tới thi đua của cá nhân mình khi cả năm học cố gắng dạy dỗ, nhưng gặp phải học sinh yếu quá cũng khó lòng vực dậy, chỉ vì cho em ở lại lớp mà bao thành tích của giáo viên bị phủ nhận. Không chỉ cá nhân thầy cô ảnh hưởng mà Nhà trường cũng bị dính theo.

Còn vấn nạn học sinh nghỉ học thì sao? Đặc biệt là học sinh cấp 2, 3. Có lớp nghỉ dăm em, một trường ngót nghét gần trăm em. Lý do thì vô cùng đa dạng nhưng chủ yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân các em lại học yếu. 

Nhiều gia đình không có đủ tiền đóng học phí cho con, học yếu nhưng không được phụ đạo miễn phí…Thầy cô đi vận động nhưng khi nghe phụ huynh thẳng thừng: “Con tôi không có tiền đóng học phí, gia đình tôi không có người đi làm. Cho nó đi học cô thầy có nuôi nhà tôi không?” Thì thầy cô cũng đành bó tay. 

Làm sao để học sinh vừa không ngồi nhầm lớp, vừa không bỏ học? ảnh 3

"Nếu bắt các em phải lên lớp thì thật là tội"

(GDVN) - Thầy cô thông cảm, tôi không phải là người thích chạy theo thành tích nhưng trường chuẩn Quốc gia không cho phép học sinh lưu ban quá 2%.

Mặc dù trường học, hay xã phường thi thoảng cũng có những phần quà hỗ trợ những học sinh nghèo nhưng chục cuốn vở, vài trăm ngàn hay cái cặp, bộ sách giáo khoa…cũng chẳng giải quyết được gì khi học sinh nghèo nhưng không được miễn tiền học phí, tiền bảo hiểm thì cứ tăng hàng năm. 

Để thực hiện triệt để những nhiệm vụ trọng tâm năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành rất cần được trút bỏ những chỉ tiêu thi đua đang đè nặng các trường, không lấy tiêu chí thi đua để đánh giá giáo viên cũng như cần hơn nữa những giải pháp thiết thực để hỗ trợ những học sinh nghèo, học sinh cận nghèo tiếp tục được theo học mà không bị gánh nặng tiền bạc chi phối. 

Đỗ Quyên