LTS: Một năm học nữa sắp qua, và theo thông lệ, việc xét để học sinh được lên lớp hay ở lại vẫn luôn là câu chuyện đáng bàn.
Tiểu học thì đã bỏ chấm điểm, không có lưu ban, nhưng còn các cấp sau đó nữa?
Dưới đây, thêm một băn khoăn với nghề của cô giáo Đỗ Quyên, gửi từ một trường tiểu học ở Nam Trung Bộ đến tòa soạn.
Cô giáo bày tỏ quan điểm và cái nhìn về bệnh thành tích trong giáo dục. Ở đó, "đau nhất" là chuyện cô biết trò không đủ điều kiện lên lớp, nhưng vẫn phải "đủn đi" vì thành tích.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này.
Từ trước đến nay, chúng ta cứ hô hào chống bệnh thành tích trong giáo dục đã không ít giải pháp đưa ra, không ít các cuộc họp chỉ đạo, các công văn chấn chỉnh... Nhưng tất cả cũng “đâu lại vào đấy” vì khi nào còn chỉ tiêu thi đua thì khi đó vẫn còn bệnh thành tích tồn tại.
Trường tiểu học nơi tôi giảng dạy có tới gần một ngàn học sinh. Đầu năm học mới này, có thầy T. về làm hiệu trưởng (xin được giấu tên thầy-nv), thầy là người nổi tiếng thích dạy thật, học thật.
Những năm về trước, một số học sinh có lực học còn yếu nhưng vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường, của bản thân, thầy cô thường “phù phép” cho học sinh lên lớp hết.
Vì lẽ đó, mới xảy ra tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp gây khó khăn cho việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh sau này. Biết vậy, thầy T. luôn nhắc nhở, chỉ đạo các thầy cô giáo phải có nhiều biện pháp kèm cặp, phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho một số đối tượng học sinh còn yếu kém.
Khi nào còn chỉ tiêu thi đua thì khi đó vẫn còn bệnh thành tích tồn tại. Ảnh: Vanhoadoisong |
Thầy thường nói: “Nếu thầy cô đã nỗ lực hết mình mà các em học yếu quá, vẫn không tiến bộ gì, các thầy cô cứ mạnh dạn cho các em rèn luyện thêm trong hè hoặc ở lại lớp. Nếu vì một lý do gì đó mà bắt các em phải lên lớp thì thật là tội”.
Nghe thế, thầy cô giáo nào cũng mừng, cũng hy vọng từ nay sẽ không còn cảnh “buộc” học sinh lên lớp như trước và chắc chắn sẽ không còn những học sinh ngồi nhầm lớp nữa.
Sau quá trình kèm cặp và sàng lọc, danh sách hơn chục em học sinh yếu của các lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) được trình lên. Số học sinh này phần lớn đều bị bệnh chậm phát triển trí tuệ nhưng gia đình không chịu đi khám và lấy giấy công nhận của bác sĩ.
Các em thật sự không thể tiếp thu kiến thức vì vừa học xong hôm nay, ngày mai hỏi lại đã không nhớ gì (chủ yếu là dạy đọc âm vần thôi đấy).
Thầy hiệu trưởng xem xong danh sách, giở các chỉ tiêu đăng ký đầu năm soi lại và ‘choáng”. Thế là thầy triệu tập cuộc họp liên tịch khẩn, lần một, lần hai, lần ba, lần bốn…cứ thế và cứ thế…các cuộc họp được diễn ra thường xuyên.
Nhưng lần này, ngoài kế hoạch kèm, phụ đạo, bồi dưỡng cho các em học yếu vươn lên, các cán bộ cốt cán còn cùng nhau bàn bạc đưa ra các giải pháp để đạt chỉ tiêu cho trường.
“Thầy cô thông cảm, tôi không phải là người thích chạy theo thành tích nhưng trường chuẩn Quốc gia không cho phép học sinh ở lại quá 2%.
Nếu ở lại số đó còn ảnh hưởng đến hiệu quả 5 năm đào tạo của trường nữa. Chưa nói đến việc lớp nào có học sinh ở lại, giáo viên chủ nhiệm lớp đó sẽ bị khống chế chỉ tiêu xét chiến sĩ thi đua cơ sở năm học này”, thầy hiệu trưởng ngậm ngùi nói.
Những lời gan ruột của một hiệu trưởng tiểu học về Thông tư 30
(GDVN) - Cùng nhau hoàn thành sổ sách cho “đẹp”, báo cáo chất lượng cho “đẹp” còn chất lượng thật sự của học sinh sẽ không có người chịu trách nhiệm chính.Những lý do thầy đưa ra, giáo viên ai ai cũng thuộc lòng vì năm nào chẳng được nhắc giữa hội đồng sư phạm. Nếu cho học sinh ở lại lớp nhiều, đâu chỉ có nhà trường, giáo viên bị ảnh hưởng, còn phòng Giáo dục và Đào tạo, cấp xã phường, huyện thị cũng sẽ liên quan đến chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi…
Thông tư 30 nêu rõ: “Đối với những học sinh đã được giáo viên hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt ít nhất một trong các điều kiện quy định …giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại”.
Với quy định này, cùng với sự khống chế của các chỉ tiêu, dù thầy hiệu trưởng có tư tưởng “chống bệnh thành tích” đến đâu cũng phải đành lùi bước.
Vậy nên, chỉ khi nào không còn các “chỉ tiêu” đưa xuống, khi đó bệnh thành tích mới được dẹp bỏ.
Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan ngênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.
Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.
Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.
Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.
Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!