Làm thế nào để kiểm định 35% cơ sở giáo dục đại học trong năm nay?

04/03/2017 08:09
Thùy Linh
(GDVN) - Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, đến hết năm 2017, sẽ có 35% số cơ sở giáo dục đại học và 10% số trường Cao đẳng sư phạm được kiểm định.

Ngày 27/2, Bộ GD&ĐT công bố lộ trình kiểm định chất lượng giáo dục, theo đó, đến hết năm 2017, sẽ có 35% số cơ sở giáo dục đại học và 10% số trường Cao đẳng sư phạm được kiểm định. 

Mục tiêu đến năm 2020 là đánh giá ngoài xong vòng 1 đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế.

Bộ GD&ĐT đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp lớn để thực hiện nhằm đạt các chỉ tiêu trên, trong đó, đẩy mạnh hoạt động và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 

Đối với các cơ sở giáo dục Đại học đang thực hiện đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường Đại học hiện hành thì tiếp tục thực hiện quy trình kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành trong giai đoạn chuyển tiếp. 

Cụ thể, việc tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện cho đến hết ngày 30/6/2017. Các cơ sở này được thực hiện đánh giá ngoài cho đến hết ngày 31/12/2017. 

Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện cho đến ngày 30/6/2018.

Làm thế nào để kiểm định 35% cơ sở giáo dục đại học trong năm nay? ảnh 1
Liệu kiểm định có đi đôi với chất lượng? (Ảnh đăng trên giaoduc.net.vn)

Đồng thời thực hiện nghiêm việc công khai kết quả kiểm định, công khai minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, báo cáo về Bộ GD&ĐT theo quy định; tham gia tư vấn các chính sách đảm bảo chất lượng và thực hiện tốt cơ chế giám sát chất lượng.

Các trường đạt tiêu chuẩn chất lượng được bảo lưu đến hết thời gian 5 năm.

Trong thời gian này, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường đăng ký đánh giá thêm theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục Đại học mới.

Đối với các cơ sở giáo dục Đại học chưa hoàn thành tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn hiện hành, chưa đăng ký đánh giá ngoài trước ngày 30/6/2017, sẽ triển khai tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn mới.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường đăng ký đánh giá với các tổ chức quốc tế, khu vực có uy tín.

Kiểm định có đi đôi với chất lượng?

Trước việc Bộ GD&ĐT đẩy mạnh công tác kiểm định và đưa ra mục tiêu thông qua những con số cụ thể trong năm 2017, không ít chuyên gia băn khoăn liệu việc kiểm định chất lượng có đi vào thực chất hay là chạy theo số lượng để đạt thành tích. 

Bởi theo đánh giá của Bộ GD&ĐT hiện nay công tác kiểm định chất lượng còn nhiều khó khăn, bất cập. 

Làm thế nào để kiểm định 35% cơ sở giáo dục đại học trong năm nay? ảnh 2

Lãnh đạo Bộ Giáo dục nêu 3 “lưu ý vàng” khi thí sinh xét tuyển đại học

(GDVN) - Thí sinh chỉ nên đăng ký xét tuyển những ngành mà mình yêu thích, tránh trường hợp đăng ký xong, trúng tuyển nhưng cuối cùng lại không đi học.

Thông tin tại tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học”, PGS.Mai Văn Trinh -  Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết:

Nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các trường mới ở mức độ chưa đạt được yêu cầu đặt ra. 

Bên cạnh đó, cho đến nay, mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song những chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định chưa mạnh. 

Ngoài ra, các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.

Hiện nay có 4 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và đã đi vào hoạt động.

Đó là, Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

PGS.Mai Văn Trinh cho biết thêm: “Đến nay hầu hết các trường đại học của Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và trong số đó, có 32 trường đã được đánh giá ngoài, 12 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng”. 

“Với nguồn lực là 4 trung tâm như hiện nay cùng với sự cố gắng nỗ lực, chúng ta có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra
”, đại diện Bộ GD&ĐT hi vọng. 

Có đủ người để đánh giá?

Trước băn khoăn của nhiều chuyên gia, PGS.Mai Văn Trinh khẳng định, để đẩy nhanh tiến độ kiểm định, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có một số giải pháp như hỗ trợ cho các trung tâm này mạnh thêm lên, hoạt động hiệu quả hơn. 

Làm thế nào để kiểm định 35% cơ sở giáo dục đại học trong năm nay? ảnh 3

Trường phải dừng tuyển sinh nếu khai không đúng tỷ lệ sinh viên có việc làm

(GDVN) - Có trường công bố 80% sinh viên ra trường có việc làm, nhưng khi hỏi về phiếu khảo sát gốc từ sinh viên và nhà tuyển dụng thì không đáp ứng được.

Và xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu đánh giá, nhu cầu của các hoạt động hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Song song với việc tiến hành kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bằng cách vận hành như vậy, việc kiểm định sẽ có sự chuyển biến và đạt được tiến độ đề ra” - ông Trinh cho biết.

Nói thêm về công tác kiểm định, GS.Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng nên đặt vấn đề theo hướng là những người đi đánh giá có đủ số lượng không. 

Bởi theo ông Thanh, số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá, số lượng kiểm định viên bao nhiêu người, vì thông thường ta yêu cầu số lượng đoàn chứ một trung tâm có thể thực hiện đánh giá của nhiều đoàn khác nhau. 

Hơn nữa, đối với một số lĩnh vực cạnh tranh, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến hệ quả, tương tự như ở Hoa Kỳ, cơ quan kiểm định nhưng lại cấp ra chứng chỉ kiểm định không đảm bảo. 

GS.Nguyễn Quý Thanh (Ảnh: Xuân Trung)
GS.Nguyễn Quý Thanh (Ảnh: Xuân Trung)

GS.Nguyễn Qúy Thanh lấy ví dụ, ở những trường trong khu vực, Philippines chẳng hạn, họ có 2 cơ quan kiểm định cho khoảng 1.000 trường đại học, các trường trong ASEAN chỉ có 1 cơ quan kiểm định, Hoa Kỳ thì có 6 cơ quan kiểm định cho 4000 - 5000 trường đại học. 

Quan trọng ở đây là số lượng người đi đánh giá chứ không phải số lượng trung tâm, số lượng trung tâm phát triển tới một mức độ nào đó thì sẽ dẫn đến một hệ quả là chất lượng hoạt động trung tâm sẽ giảm đi, bởi nó đưa đến hiện tượng cạnh tranh không đồng đều”, ông Thanh nhấn mạnh. 

Ông Thanh cũng nói thêm, nếu chúng ta phát triển các cơ quan kiểm định đối với cấp trường không nên quá nhiều, nên ở một mức độ hợp lý nhưng đối với kiểm định cấp chương trình đào tạo có thể phát triển nhiều hơn vì số lượng rất nhiều. 

Nếu các hiệp hội nghề nghiệp có thể tham gia vào phát triển chương trình đào tạo, phát triển các tổ chức kiểm định để đánh giá mang tính chuyên biệt đối với chương trình đào tạo hơn là phát triển các tổ chức đối với cơ sở giáo dục. 

Theo thống kê, hiện có hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên. 

Thùy Linh