Vì sao phải xây dựng bộ Thông tư mới về kiểm định chất lượng?
Tại buổi tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học” diễn ra ngày 10/2 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thừa nhận:
Công tác kiểm định chất lượng hiện nay bộc lộ một số bất cập như chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên chưa đồng đều kéo theo chất lượng báo cáo tự đánh giá của các nhà trường chưa đạt được như mong muốn.
Mặc dù hệ thống văn bản tương đối đầy đủ nhưng chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, xử lý những trường làm chưa tốt chưa đủ mạnh.
Rồi các bộ công cụ để đánh giá trong chừng mực nào đó chưa theo kịp sự vận hành phát triển nhanh của thực tế giáo dục đại học, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Chính vì thế việc cần thiết phải xây dựng một bộ thông tư mới, bộ công cụ mới như một thang thước để đạt được chuẩn của khu vực để các trường lấy đó đánh giá để xem mạnh ở đâu, chỗ nào chưa được để từng bước tiếp tục duy trì điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, từng bước theo chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực.
Bằng cách đó trong một thời gian chúng ta sẽ có được bước chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học” (Ảnh: Xuân Trung) |
Cũng tại đây, GS.Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện các tiêu chuẩn đánh giá gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí.
Tuy nhiên, giáo dục liên tục có sự biến đổi, chức năng của các trường đại học có sự biến đổi. Nhìn vào nội hàm của mô hình đại học, có nhiều yêu cầu chức năng mới của giáo dục đại học. Việc bổ sung những yêu cầu mới với chất lượng giáo dục đại học là cần thiết.
Theo ông Thanh, bộ tiêu chuẩn hiện hành tiếp cận nhiều theo cách quản trị chất lượng, điều này cần thiết trong giai đoạn đầu phát triển của các nhà trường.
Nhưng xu thế quản trị khi chất lượng được nâng lên, khi các trường đại học có được nhận thức tốt hơn về xây dựng văn hóa chất lượng, việc áp đặt sẽ không mang lại hiệu quả bằng quản trị nguyên lý và nguyên tắc.
Hơn nữa, GS.Nguyễn Quý Thanh cho biết thêm, bộ tiêu chuẩn hiện hành không bao quát hết các chức năng vốn có của các trường đại học.
25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí đánh giá trường đại học(GDVN) - Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở Giáo dục Đại học để lấy ý kiến. |
Ví dụ, các trường đại học hiện nay không chỉ thực hiện đào tạo, nghiên cứu mà còn phải đóng góp để kết nối cộng đồng tốt hơn, phù hợp với xu thế đào tạo phục vụ ứng dụng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặt khác, khi xét về chuyên môn, bản chất các tiêu chuẩn đánh giá chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định nên sự thay đổi khá thường xuyên. Ví dụ ở Hoa Kỳ mỗi năm họ thay đổi nhỏ một lần, 5 năm họ thay đổi lớn một lần.
Các trường đại học càng phát triển bao nhiêu thì đòi hỏi càng lớn lên bấy nhiêu chứ không phải bỏ bớt tiêu chí đánh giá đi.
Đồng quan điểm, PGS.Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng thay đổi tiêu chuẩn, tiêu chí là cần thiết để bắt kịp sự phát triển của thế giới, đòi hỏi các trường đại học cố gắng hơn, đánh giá toàn diện hơn.
Dưới góc độ một trường đại học đã hai lần thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, PGS. Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội đồng, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng cần thiết, nhất thiết và tất yếu phải thay đổi bộ tiêu chuẩn mới bởi một số nội dung của bộ tiêu chí hiện hành lạc hậu so với thực tế hiện nay.
Bởi qua quá trình nhà trường thực hiện kiểm định, PGS. Nguyễn Văn Long thấy rằng, có những tiêu chuẩn, tiêu chí nhà trường rất cần, xã hội quan tâm nhưng thông tư hiện hành không hề đề cập đến; trong khi đó thông tư dự thảo lại phản ánh rất rõ.
Không thay đổi sẽ khó cạnh tranh
Trước đó, ngày 24/12/2016, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận.
Theo đó, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7/2016 (Guide to AUN-QA Assessment At Institutional Level (ver 2.0)) gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Giải thích về sự cần thiết phải ban hành bộ thông tư mới về kiểm định cơ sở giáo dục đại học, PGS.Mai Văn Trinh cho rằng giáo dục đại học hiện đặt ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế sôi động.
Xu hướng hội nhập quốc tế và đặc biệt là khi cộng đồng ASEAN đưa vào vận hành xuất hiện sự chuyển dịch cạnh tranh lao động, nếu giáo dục đại học không thay đổi chất lượng nguồn nhân lực rất khó cạnh tranh và đôi khi sẽ thua ngay trên sân nhà.
Để tầm nhìn dài hạn hơn, nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc nâng cao chất lượng đào tạo là trọng trách đặt lên vai các cơ sở giáo dục đại học.
Theo PGS.Mai Văn Trinh: "nếu giáo dục đại học không thay đổi chất lượng nguồn nhân lực rất khó cạnh tranh và đôi khi sẽ thua ngay trên sân nhà". (Ảnh: Xuân Trung) |
Theo PGS.Mai Văn Trinh đánh giá chung, khác với bộ tiêu chuẩn hiện hành tiếp cận nhiều theo quản trị chất lượng, áp các quy định và yêu cầu đối với thực hành của nhà trường, bộ tiêu chuẩn mới này không chỉ đánh giá, kiểm định về và đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn tập trung vào mảng kết nối phục vụ cộng đồng, chú trọng cả về sở hữu trí tuệ.
Bộ tiêu chuẩn cùng các giải pháp hết sức quan trọng là thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp; bám sát vào nhu cầu thị trường lao động trong nội khối ASEAN, thị trường lao động quốc tế.
Qua tiêu chuẩn kiểm định này, có thể thấy được các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế.
Đây cũng là cơ sở để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, là một trong các tiêu chí để Bộ Giáo dục và Đào tạo quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và để nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh cao đẳng, đại học trong thời gian tới.