Trường phải dừng tuyển sinh nếu khai không đúng tỷ lệ sinh viên có việc làm

13/02/2017 07:13
Linh Hương
(GDVN) - Có trường công bố 80% sinh viên ra trường có việc làm, nhưng khi hỏi về phiếu khảo sát gốc từ sinh viên và nhà tuyển dụng thì không đáp ứng được.

Vấn đề các trường đại học, học viện phải công khai kết quả kiểm định chất lượng trước kỳ tuyển sinh THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong quy chế tuyển sinh 2017 đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tại buổi tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng Đại học” được tổ chức vào ngày 10/2, các chuyên gia giáo dục khẳng định việc đẩy mạnh kiểm định sẽ buộc các trường phải trung thực với số liệu báo cáo, đặc biệt là tỉ lệ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Theo PGS.Mai Văn Trinh - Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc công khai kết quả kiểm định chất lượng có tác động trực tiếp đến quá trình tuyển sinh, mang lại thuận lợi cho các trường.

"Nhiều trường có điểm mạnh về cơ sở vật chất, địa điểm thực hành hay đội ngũ giảng viên, nhưng do truyền thông không hiệu quả nên công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Nếu việc công khai chất lượng là bắt buộc, các trường này sẽ có cơ hội lớn hơn", ông Trinh nói.

Trường phải dừng tuyển sinh nếu khai không đúng tỷ lệ sinh viên có việc làm (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Trường phải dừng tuyển sinh nếu khai không đúng tỷ lệ sinh viên có việc làm (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Thực tế từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường thực hiện 3 công khai (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và thu chi tài chính).

Kết quả kiểm định những chỉ tiêu này được đăng tải trên website của nhiều trường đại học, học viện, nhưng không ai đảm bảo đó không phải là "số liệu ma".

GS. Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc không có một đơn vị độc lập đứng ra thẩm định kết quả kiểm định chất lượng trường đại học, không có chế tài xử lý trường hợp thông tin sai dẫn đến công khai nhưng không minh bạch.

"Việc công bố chỉ số chất lượng đã có từ lâu, nhưng chưa đủ chi tiết và chưa có ai kiểm tra", ông Thanh nhận định. 

Ông Nguyễn Quý Thanh minh chứng, thực tế có trường công bố con số lên tới 80% sinh viên ra trường có việc làm, nhưng khi hỏi về phiếu khảo sát gốc từ sinh viên và nhà tuyển dụng thì trường không đáp ứng được.

Điều này cho thấy con số 80% kia là không chính xác. Do đó cần có đơn vị kiểm tra kết quả, áp dụng chế tài xử lý cứng rắn đối với các trường đưa số liệu không đáng tin cậy.

Điều tra được 100% sinh viên là…khó

Trước thực tế nhiều trường công bố tỷ lệ việc làm cao nhưng chỉ khảo sát trên mẫu nhỏ (30% tổng sinh viên tốt nghiệp), PGS. Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) nhận định:

Việc chọn mẫu là bình thường vì khó khảo sát được hết sinh viên nhưng mẫu được chọn phải đặc trưng và không chỉ chọn một ngành.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ, để có thể lấy được số liệu tuyệt đối thì phải có chính sách “vét cạn”. Tức là các trường phải điều tra được 100% số lượng sinh viên ra trường.

Tuy nhiên, vấn đề đó là không khả thi với các trường vì hiện tại mạng công nghệ thông tin của các trường chưa thể làm được việc đó. 

Hiện nay có 4 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và đã đi vào hoạt động:

Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng thuộc Hiệp hội Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Vì vậy phải lấy mẫu và phải chọn mẫu như thế nào để tương đối đặc trưng chứ không chỉ tập trung vào một chỗ. 

Ví dụ trường tôi ngành Kỹ thuật công trình giao thông, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm lên tới 85%.

Nhưng nếu lấy mẫu mà lấy chỉ ngành đó thì không ổn vì có những ngành tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất thấp” - ông Long cho hay.

Chuyên gia này khuyên rằng, để nắm bắt thông tin về sinh viên đã tốt nghiệp, nhà trường phải yêu cầu các em để lại địa chỉ email, số điện thoại và ra chế tài để sinh viên tự thông báo thông tin việc làm sau khi ra trường.

"Nhà trường phải tìm cách để mối liên hệ với sinh viên không được lỏng lẻo như thực tế hiện nay", ông Long nói.

Để những số liệu về chất lượng các trường đại học chính xác, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Mai Văn Trinh khẳng định:

Thời gian tới, 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục sẽ thẩm định quy trình kiểm định của các trường. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng có chế tài xử lý những trường không công bố kết quả kiểm định hoặc công bố số liệu không đáng tin cậy. Những trường này có thể phải dừng tuyển sinh.

25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí đánh giá chất lượng Đại học

Bộ GD&ĐT mới công bố dự thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục Đại học.

Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường Đại học ASEAN (AUN-QA) ban hành tháng 7/2016.

Bộ tiêu chuẩn gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, từng tiêu chí sẽ được đánh giá theo thang 7 mức, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục Đại học, được chia thành 4 nhóm: Bảo đảm chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); bảo đảm chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); bảo đảm chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận về dự thảo này, sau đó tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp để ban hành chính thức.

Linh Hương