LTS: Liên quan đến kết quả Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2016 xuất hiện nhiều điểm “liệt”, thầy giáo Bùi Minh Tuấn cho rằng trong khi đề thi không quá khó với nhiều câu hỏi dễ “ăn điểm” mà học sinh vẫn không làm được chứng tỏ “bệnh thành tích” vẫn còn tồn tại ở các cấp học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Trong số những thí sinh không thể “vượt vũ môn” trong Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2016, có không ít thí sinh bị dính điểm “liệt” các môn thi.
Dù mức độ đề thi không quá khó, trong đó có những câu hỏi dễ “ăn điểm” mà học sinh có học lực trung bình đều có thể làm được nhưng vẫn có hàng nghìn thí sinh chỉ đạt từ 0-1 điểm.
Kết quả trên đã phản ánh phần nào những “mảng tối” trong chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay.
Trong số hàng nghìn thí sinh không đậu tốt nghiệp trong kỳ thi vừa qua, đã có hàng nghìn thí sinh bị điểm “liệt” ở các môn với mức điểm từ 0-1 điểm.
Trước thực tế này, một số người tìm cách đổ lỗi cho việc đề thi quá dài, quá khó nhưng trên thực tế không phải như vậy.
Nhìn chung, dư luận đều đánh giá đề thi năm nay “vừa sức”, được ra theo hướng mở, chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực và có tính phân loại cao; nghĩa là, bên cạnh số ít những câu hỏi tương đối khó, phù hợp với những học sinh có học lực khá, giỏi, phần lớn các câu hỏi còn lại trong đề thi đều ở mức độ vừa phải, học sinh có học lực trung bình đều có thể làm được.
Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2016 có 8 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc để các thí sinh xét tốt nghiệp là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ.
Theo kết quả phổ điểm từng môn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, môn Toán và Ngoại ngữ là những môn có phổ điểm thấp nhất.
Cụ thể, ở môn Toán có đến gần 1,6% thí sinh dự thi bị điểm “liệt”, số thí sinh đạt được từ 5 điểm trở lên chỉ khoảng 37%. Ước tính, ở các cụm thi do các trường Đại học chủ trì, có tới gần 20000 thí sinh bị điểm “liệt” ở môn học cơ bản này, trong khi số thí sinh đạt điểm 10 chưa tới 100 em.
Coi thi "thoáng" nhằm kéo tỉ lệ tốt nghiệp đi lên (Ảnh nguồn: giaoduc.net.vn). |
Phổ điểm môn Ngoại ngữ còn thấp hơn nữa khi điểm tập trung chủ yếu quanh mức 2 đến 4 điểm, tỷ lệ thí sinh đạt 2,25 điểm chiếm tỷ lệ cao nhất, rất nhiều thí sinh chỉ đạt mức điểm dưới ngưỡng trung bình (dưới 5 điểm). Thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên chỉ chiếm khoảng 8,8% đồng nghĩa với việc có trên 90% thí sinh dự thi có điểm dưới mức trung bình môn Tiếng Anh.
Đối với môn Ngữ văn, số thí sinh bị điểm “liệt” chỉ chiếm khoảng 1% tổng số thí sinh dự thi nhưng con số thí sinh chỉ có điểm dưới trung bình ở môn học quan trọng này cũng lên tới hàng chục nghìn.
Theo quy chế, mức điểm “liệt” trong kỳ thi THPT Quốc gia là 1 điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc những thí sinh chỉ đạt 1 điểm/bài thi trở xuống, sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Con số hàng nghìn thí sinh bị điểm kém ở các môn thi, nhất là những môn học cơ bản như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho thấy, còn nhiều “lỗ hổng” về kiến thức trong một bộ phận không nhỏ học sinh ở các trường phổ thông hiện nay.
Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục?(GDVN) - Lãnh đạo, cái gì họ nói đúng, làm đúng thì mình nghe, mình thực hiện; cái gì họ nói sai, làm sai thì mình phản đối, đề nghị làm cho đúng. |
Với những câu hỏi không quá khó trong đề bài, thậm chí có những câu mang tính chất tạo “điều kiện” để học sinh “gỡ điểm” nhưng nhiều thí sinh vẫn không thể làm được chứng tỏ các em đã mất kiến thức cơ bản trầm trọng ngày từ những cấp học dưới.
Không nắm vững kiến thức nền tảng từ cấp tiểu học, Trung học Cơ sở, khi học ở bậc Trung học Phổ thông, học sinh càng khó khăn hơn trong việc tiếp thu kiến thức.
Khi bị “hổng” kiến thức, nhiều học sinh mang tâm lý buông xuôi, không có động cơ học tập tích cực. Đáng nói là, dù bị “hổng” kiến thức nhưng kết thúc năm học, phần lớn các em vẫn được đều đặn lên lớp.
Ở đây, bệnh thành tích đã ảnh hưởng nhiều tới công tác đánh giá, xếp loại năng lực học tập của học sinh, việc cho điểm, đánh giá không đúng thực chất cũng khiến nhiều học sinh vốn có lực học yếu, kém nhưng chủ quan, ngộ nhận về năng lực của bản thân để rồi phải nếm “trái đắng” khi bước vào những kỳ thi quan trọng.
Giáo viên cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12, lợi ít hại nhiều |
Hàng nghìn thí sinh trượt tốt nghiệp Trung học Phổ thông đồng nghĩa với việc có nhiều gia đình, các bậc phụ huynh phải gánh nỗi buồn, vì sau 12 năm đèn sách, con em họ đã không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Mặc dù vậy, kết quả trên cũng đã phần nào cho thấy những “mảng tối” cần khắc phục trong bức tranh về chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông.
Thiết nghĩ, khi bệnh thành tích được đẩy lùi, các nhà trường không phải chịu bất cứ áp lực nào từ những tỷ lệ “đẹp” không thực chất, chất lượng mũi nhọn và đại trà được chú trọng, quan tâm, lúc dó, mặt bằng chất lượng giáo dục ở các đơn vị trường học mới có hy vọng được cải thiện.