LTS: Sau 3 năm triển khai mô hình trường học mới VNEN, đã có nhiều tỉnh thành trên cả nước quyết định dừng phổ biến, nhân rộng mô hình này vì những bất cập khiến dư luận bức xúc, phản đối.
Ngày 2/8, trong buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã định hướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới này.
Giật mình, lo lắng về định hướng này, nhóm tác giả Việt Cường gồm nhiều nhà khoa học giáo dục, thầy cô giáo đang đứng trên giảng đường hoặc nghỉ hưu đã có một bức tâm thư nói lên tâm trạng của mình gửi tới Bộ trưởng Nhạ!
Tòa soạn trân trọng đăng tải nguyên văn tâm thư này!
Chúng tôi rất băn khoăn khi nghe lời khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc với tỉnh Nghệ An hôm 02/8/2016 rằng:
“Một số địa phương có ý bỏ VNEN. Nhưng sau ba năm làm thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên nhiều địa phương khác nhau.
Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan.
... Sắp tới, Bộ có hướng dẫn sẽ không yêu cầu áp dụng đại trà mô hình VNEN vào các trường. Sau ba năm triển khai thí điểm có nhiều điểm sáng và nhiều cái hay thì khái quát lại, tổng kết lại và giới thiệu các địa phương tham khảo”.
Chúng tôi cho rằng quyết định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hơi vội vàng, thiếu cơ sở khoa học và rất có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của học sinh Việt Nam và sự phát triển tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà.
Bộ trưởng Nhạ đánh giá: Bỏ tất cả VNEN là cực đoan (Ảnh: vietnamnet.vn). |
Chúng tôi xin được phản biện quan điểm của Bộ trưởng từ một góc nhìn khác – góc nhìn về chất lượng giáo dục hiện nay của học sinh Việt Nam:
Thứ nhất, theo Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do OECD khởi xướng được thực hiện từ năm 2000, ba năm một lần, dành cho học sinh ở độ tuổi 15 – độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở các quốc gia, năm 2012 đã công bố một kết quả bất ngờ: môn Toán – Việt Nam đứng thứ 17/65 nước, môn Đọc hiểu – Việt Nam đứng thứ 19/65, ở lĩnh vực Khoa học – Việt Nam đứng thứ 8/65.
Nhóm Việt Cường gửi tâm huyết về đào tạo giáo viên đến Bộ trưởng Nhạ |
“Điểm số của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với dự đoán của nhiều người, thậm chí ngang bằng với các quốc gia phát triển như Phần Lan, Thụy Sĩ và vượt trội hơn Colombia và Peru” (Theo Skye/Tri Thức trẻ).
Kết quả ấy là một căn cứ đáng tin cậy cho việc đánh giá thực trạng giáo dục phổ thông ở Việt Nam, khiến cho không ít người Việt Nam tin tưởng và tự hào về những chính sách giáo dục của chúng ta, về trình độ, năng lực giáo dục và tâm huyết của đội ngũ các thầy cô giáo cũng như hiệu quả của công tác quản lý giáo dục ở trường phổ thông.
Kết quả ấy còn là cơ sở khoa học để Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các mô hình giáo dục phù hợp, tổng kết và đánh giá thực tiễn giáo dục từ nhiều năm trước để phát huy những thành tựu đã đạt được và tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp giáo dục nhằm đạt tới kết quả và hiệu quả cao hơn.
Cũng theo Skye/Trí Thức trẻ:
“Hiện tượng Việt Nam còn là một bí ẩn đối với nhiều người. Nếu nắm được “công thức” để tạo ra một nền giáo dục phát triển như vậy, các nước khác có thể lấy Việt Nam làm bài học để tạo nên kỳ tích cho nền giáo dục của quốc gia mình”.
“Kỳ tích” bởi vì so với các nước tham gia PISA, Việt Nam xếp thứ 69/70 về GDP bình quân đầu người và xếp thứ 70/70 về HDI.
Thứ hai, qua việc tổng kết thành tích, các cuộc thi Olympic cho học sinh phổ thông tất cả các môn như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngoại ngữ… nhiều năm qua tất cả mọi người đều nhận thấy kết quả thi của đoàn học sinh Việt Nam luôn xuất sắc, thường ở tốp đầu trong nhiều quốc gia tham dự, có rất nhiều huy chương vàng, bạc, đồng; nhiều em còn đạt điểm thi cao nhất.
Điều đó chứng tỏ giáo dục phổ thông của chúng ta đang đúng hướng, chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam rất đáng ngưỡng mộ.
Tất nhiên, ở lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập, cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới nhưng thành tích của các đoàn học sinh Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế là điều không thể phủ nhận.
Nền giáo dục Việt Nam hình như đã bỏ rơi bậc Trung học cơ sở từ rất lâu rồi! |
Đây cũng là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quyết sách phù hợp, lựa chọn đúng những mô hình dạy học nhằm phát huy hơn nữa thành tựu đã đạt được.
Có khá nhiều ý kiến trên báo chí không mấy lạc quan về thành tích thi quốc tế của học sinh Việt Nam, cho rằng đó là sản phẩm của chính sách “nuôi gà chọi” .
Điều này hoàn toàn sai lầm vì chính sách “nuôi gà chọi” ấy được thực hiện ở hầu hết mọi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, có GDP cao gấp nhiều lần nước ta.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương trong bài báo “Thành công của học sinh Việt đánh đố giới khoa học Đức" trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam số ra ngày 21/5/2016 cho biết ở Cộng hòa Liên bang Đức, người ta luyện học sinh giỏi để đi thi các cấp từ khi còn nhỏ:
“Ở Đức, học sinh giỏi tham gia thi Toán Quốc tế khởi đầu từ lớp 7.
Bước vào lớp 4, học sinh có thể tham gia thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, diễn ra ba vòng, vòng trường mọi học sinh đều tham gia, vòng loại thành phố, vòng chung kết tỉnh.
Sang lớp 5, học sinh giỏi được cho tham gia vô số kỳ thi Toán mang tên khác nhau cấp thành phố, tỉnh và tiểu bang.
Những học sinh đoạt giải nhất lớp 5, lớp 6 cộng thêm kết quả học tập xuất sắc được chọn vào nhóm bồi dưỡng, mang tên “Tuổi trẻ luyện toán”.
Các tài năng này được các tiểu bang chọn lọc và bồi dưỡng từ lớp 6. Toàn nước Đức chọn được 100 em giỏi toán nhất, đưa vào chương trình bồi dưỡng năng khiếu từ xa theo các chuyên đề…
Trong 100 em được tuyển chọn từ năm lớp 7 của 16 tiểu bang, có 30 em tiếp tục bị loại. Cứ loại lần lượt như vậy đến lớp 10 sẽ chỉ còn 30 em học sinh giỏi nhất toàn liên bang được giữ lại đội tuyển tham gia các kỳ thi giải quốc tế”.
Ở nhiều nước khác cũng vậy, việc “nuôi gà chọi” họ còn làm sớm hơn ta, được đầu tư nhiều tiền của, thời gian hơn ta.
Bởi vậy, việc học sinh Việt Nam liên tục đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế đã chứng tỏ nền giáo dục nước ta đã có bề dày thành tựu và đang đi đúng hướng.
Một lớp học truyền thống - học sinh ngồi hướng về phía bảng! (Ảnh: nld.com.vn). |
Từ hai vấn đề trên, chúng tôi băn khoăn về quyết định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN”.
Chúng ta đều biết mô hình VNEN khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Sau hơn ba năm triển khai mô hình trường học mới VNEN tại Việt Nam (từ năm học 2012-2013), cả nước có 54 tỉnh, thành triển khai mô hình này với 2.365 trường Tiểu học và hơn 1000 trường Trung học Cơ sở.
Dự án triển khai thí điểm VNEN ở Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ Toàn cầu về giáo dục của Liên Hợp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD, khoảng 2 nghìn tỷ đồng.
Những "lỗi cơ bản" của VNEN mà Bộ trưởng Nhạ có thể chưa biết! |
Chúng tôi không nhắc lại những yếu kém, bất cập và sai phạm trong hơn 3 năm thực hiện dự án này vì báo chí đã có hàng trăm bài đề cập đến.
Chúng tôi chỉ băn khoăn là theo đánh giá của PISA năm 2012, kết quả giáo dục của học sinh Việt Nam: “Vượt trội hơn Colombia và Peru”, vậy mà không hiểu sao Bộ Giáo dục và Đào tạo ở nước ta lại đi chọn một mô hình dạy học thấp kém hơn nước mình nhiều lần để áp dụng?
Phải chăng mô hình VNEN được Liên hợp quốc tài trợ không hoàn lại cho nên các nhà quản lý giáo dục ở nước ta cứ nhắm mắt làm bừa, giải ngân cho xong, bất chấp hậu quả?
Nếu đúng như vậy thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có thói quen đem giáo viên, học sinh và hệ thống nhà trường ra làm “chuột bạch” như nhiều ý kiến đã nói đến đúng là “căn bệnh mãn tính” rồi.
Tất nhiên, đó là hậu quả để lại của những người tiền nhiệm.
Photo sách VNEN phát cho phụ huynh ở tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: cand.com.vn). |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới đảm nhiệm chức vụ, chúng tôi không hiểu vì sao lại quyết định “tiếp tục thực hiện VNEN”, và còn cho rằng: “đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên nhiều địa phương khác nhau”.
Nhóm nghiên cứu chúng tôi đưa ra một giả định: năm 2015, PISA sẽ công bố các số liệu đánh giá về học sinh Việt Nam, nếu chúng ta tụt hạng, các chỉ tiêu chất lượng về Toán, Đọc hiểu, Khoa học đều sút kém, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ăn nói như thế nào trước Đảng, trước Nhân dân?
Ấy là còn chưa nói đến những hệ lụy và bất cập của Thông tư 30 mà đến tận hôm nay, đầu tháng 8 rồi, cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới rồi, mà Bộ vẫn chưa có văn bản sửa đổi, cải tiến chính thức nào, mới chỉ lên tiếng sửa đổi mà thôi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang lo lắng điều gì? |
Chúng tôi cho rằng Bộ trưởng nên cân nhắc khi quyết định “tiếp tục thực hiện VNEN”, đặc biệt là khi đã tiêu hết tiền tài trợ.
Chúng tôi cũng mong rằng các tỉnh, thành ở nước ta hãy dũng cảm như tỉnh Hà Tĩnh, quyết định dừng ngay “Cái VNEN” - sản phẩm từ năm 2000 của xứ sở Colombia.
Bởi vì, trên thế giới này, từ xưa đến nay, chẳng có quốc gia nào lại đi lấy một cái sản phẩm giáo dục thấp kém hơn nước mình để áp dụng đại trà trên phạm vi cả nước của mình.
Tâm thư là quan điểm, nhận thức, góc nhìn, cách hành văn của riêng nhóm tác giả.