Khi năm học mới đang gần kề, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về ký ức ngày lễ khai giảng xưa của chính mình.
“Ngày còn nhỏ, tôi đi học trong trường vùng kháng chiến và thậm chí cả sau khi hòa bình lập lại, tất cả học sinh nghỉ hè thoải mái. Khi hoa phượng nở, ve kêu râm ran thì chúng tôi phải chia tay đầy lưu luyến các bạn học.
Sau 3 tháng hè, mọi người trở lại trường đều có cảm giác vui như hội. Chúng tôi được gặp lại các bạn học, được nói chuyện với nhau vui vẻ. Thầy trò tay bắt mặt mừng, mỗi người kể một chuyện trong dịp hè vừa qua.
Tôi nhớ, ngày 1/9, học sinh tất cả các cấp học lại trở lại trường. Suốt đêm trước, tôi cảm thấy rất hồi hộp, xao xuyến, háo hức mong đến ngày mai để được gặp bạn bè”, ông Nhĩ nhớ lại.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, chúng ta đang "ăn bớt" ngày hè của trẻ (Ảnh: Thùy Linh) |
Không riêng gì thày Nhĩ, trong tâm trí học sinh thời trước, mùa hè luôn mang đến niềm vui, thoải mái, vì được nghỉ 3 tháng, không phải đụng tới sách vở.
Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều trường cho học sinh tựu trường ngay từ mùng 1/8 rồi đầu tháng 9 mới khai giảng. Chưa kể do lo sợ con mình thua kém bạn bè, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm, học trước...
Chính những điều này đã tạo nên áp lực cho học sinh, và làm trẻ mất đi tuổi thơ, mất đi những ngày hè thư giãn, nghỉ ngơi sau 9 tháng học hành căng thẳng.
Gần đây, khi có ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh lại thời gian nghỉ hè cho học sinh bởi hiện nay thời gian nghỉ hè dài quá nên phụ huynh khó khăn trong việc giữ trẻ…
Qua thực tế ông Nhĩ cho rằng, kỳ thực mấy năm gần đây học sinh Việt Nam chỉ nghỉ hè vào tháng 6,7, đầu tháng 8 đã tựu trường rồi học cả tháng mới khai giảng.
3 tháng hè kỳ diệu...ngày xưa, sao giờ lại muốn cắt bớt? |
“Tôi cho rằng đây là hành vi nói dối của người lớn đối với trẻ con.
Nghĩa nguyên văn của từ “khai giảng” là ngày bắt đầu năm học mới.
Vậy tại sao lại bắt học trò học vài tuần rồi mới khai giảng?
Và việc học trước lễ khai giảng như hiện nay không giải quyết được vấn đề gì mà lấy đi cảm xúc của các em rất nhiều.
Hơn nữa, trước khai giảng trẻ phải tập tành hết cái này đến cái nọ đến ngày khai giảng thì bắt chúng phải ngồi nghe hết phát biểu này đến phát biểu khác mặc trời nắng hay mưa".
Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rằng, theo khung kế hoạch thời gian năm học áp dụng từ năm học 2017-2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 16/6/2017, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8 hàng năm và kết thúc năm học trước ngày 31/5, còn các tỉnh thành sẽ chủ động xây dựng kế hoạch thời gian năm học cụ thể.
Điều đó có nghĩa là, ngay trong khung thời gian kế hoạch của Bộ thì học trò đã không được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng hè, đồng nghĩa với đó là đội ngũ giáo viên cũng không có nhiều thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ.
Có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè 3 tháng của học trò?
Trước kiến nghị xem xét lại thời gian nghỉ hè của học trò, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng:
“Với ý kiến cá nhân tôi, chúng ta có thể rút ngắn thời gian nghỉ hè còn khoảng 2 tháng nhưng cần tăng thêm thời gian nghỉ giữa các học kỳ và trong từng học kỳ để học trò nghỉ ngơi, học năng khiếu”.
Phụ huynh và giáo viên mong muốn nghỉ hè bao lâu? |
Theo ông Nhĩ thông tin, ở Singapore, trong một năm học, học sinh được nghỉ 4 kỳ nghỉ kéo dài với tổng số thời gian lên tới 4 tháng chứ không dồn nghỉ vào kỳ nghỉ hè 3 tháng như ở Việt Nam.
Cụ thể, ở Singapore, giữa mỗi học kỳ học sinh được nghỉ khoảng 10-15 ngày.
Giữa 2 học kỳ thì học trò được nghỉ 2 tháng, bởi theo quan niệm của những người làm giáo dục ở quốc gia này, sau một khoảng thời gian (nửa học kỳ, một học kỳ) thì cần để học trò được nghỉ ngơi, đi du lịch, tham gia các hoạt động dạy kỹ năng sống… nhằm giảm áp lực học tập sau 2-3 tháng học tập liên tục ngồi ở nhà trường.
Ông Nhĩ cho rằng, Việt Nam có thể học tập cách giãn thời gian nghỉ trong việc dạy – học này của Singapore nhưng câu hỏi đặt ra lúc này rằng, vậy 1 năm học phụ huynh phải lao đao tới chuyện giữ trẻ tới 4 lần, liệu có ổn không?
Từng tìm hiểu về nền giáo dục nhiều quốc gia đồng thời từng là lãnh đạo ngành giáo dục, ông Nhĩ khẳng định:
Thời gian nghỉ ở đây được hiểu là thời gian học trò nghỉ việc ngồi học trên lớp nhưng trong thời gian đó, nhà trường có thể tổ chức nhiều hoạt động xã hội vui chơi, giải trí, dạy kỹ năng sống cho trẻ chứ không phải thời gian đó trẻ phải ở nhà.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động xã hội chứ nhất định không được có tình trạng thời gian học trò nghỉ nhưng nhà trường, xã hội không có hoạt động nào để các em được tham gia.