Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo như vậy.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả của ngành giáo dục trong năm học vừa qua, nhất là việc phổ cập mầm non 5 tuổi.
Cùng với đó, đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bắt tay vào xây dựng chương trình môn học.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đã được đổi mới cơ bản thành công. Tự chủ đại học đã được đẩy mạnh hơn với 23 trường tự chủ.
Quản lý của Bộ, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều tiến bộ, giảm bớt bệnh thành tích, bỏ bớt những cuộc thi, những thủ tục hành chính không cần thiết.
Đặc biệt, thành tích thi quốc tế của học sinh, các công bố quốc tế của giáo dục đại học... đều ấn tượng hơn.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng đã chỉ ra những bất cập mà thời gian tới ngành giáo dục cần điều chỉnh.
Thứ nhất, quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập. Còn nhiều thủ tục hành chính, cầm tay chỉ việc.
Đơn cử vẫn còn nhiều phong trào, cuộc thi không vì học sinh.
"Cả khu phố này, có đứa nào nghỉ hè mà không đi học thêm đâu?" |
Chậm trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành chậm cũng như tinh thần, nhận thức về đổi mới chậm được triển khai, quán triệt trong ngành, trong đội ngũ giáo viên.
Thứ hai, trong chương trình giáo dục chưa chú ý toàn diện đến việc dạy người. Mấy năm gần đây có ra nhiều hoạt động: Thể dục, vệ sinh trường lớp nhưng nhiều trường cỏ mọc đầy, bạo lực học đường gia tăng...
Thứ ba, câu chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ nhiều nơi đặc biệt giáo viên mầm non.
Thiếu hơn 20.000 giáo viên mầm non trong khi giáo viên thừa thì ta ngại đụng đến, không bồi dưỡng để chuyển đổi, dẫn đến tình trạng thừa thì cứ thừa, thiếu cứ thiếu. Cái này trách nhiệm của cả bộ, cả các tỉnh, địa phương.
Thứ tư, giáo dục thường xuyên đặc biệt giáo dục cho người lớn hầu như không để ý, chưa được chú trọng mà chủ yếu chỉ tập trung mầm non đến bậc đại học dù chúng ta đang xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Không một ngành nào dễ thống kê nhu cầu như sư phạm
Từ những bất cập đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục cần tập trung chỉ đạo một số vấn đề sau:
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ tới đây, cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy người, từ mẫu giáo trở đi. Phải làm chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Phải dạy cho các em những gì thật nhân văn, những gì thật cụ thể, thiết thực.
Trẻ em gặp người lớn phải biết khoanh tay chào, phải biết làm vệ sinh trường lớp; học sinh phải biết yêu lao động, trân trọng người lao động.
Học trò nghỉ hè 3 tháng, liệu có còn phù hợp? (Ảnh minh họa: Báo Infonet) |
Phải có những hoạt động khơi gợi, giáo dục cho các em học sinh từ bé biết yêu bố mẹ, người thân, biết quan tâm hàng xóm để lớn lên biết yêu Tổ quốc, có ý thức công dân toàn cầu.
Tựu trung phải dạy cho học sinh có kiến thức, biết yêu gia đình, Tổ quốc, có ý thức công dân. Các bậc phụ huynh cũng cần chia sẻ với các giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục cần bãi bỏ những quy định có tính chất cứng nhắc, hình thức, câu nệ, bệnh thành tích.
Tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục. Phải tự chủ xuống đến từng giáo viên, đến từng bộ môn.
Có những mùa hè như thế |
“Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đúng vai trò của mình: Về quản lý nhà nước thì bỏ những quy định cứng nhắc; còn về bỏ chủ quản đối với những trường đại học thì bộ gương mẫu trước đi đối với mấy chục trường của bộ”, Phó Thủ tướng nhắc.
Về Chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành, chúng ta phải thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để khẩn trương chuẩn bị triển khai.
Chính phủ đồng ý quan điểm với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là đổi mới phải hiệu quả, vì thế phải chuẩn bị kỹ, nếu cần thiết thì lùi thời gian để thêm thời gian chuẩn bị.
“Vấn đề quan trọng là ngành giáo dục, từ nơi thuận lợi đến khó khăn phải quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông, các giáo viên phải được chuẩn bị.
Trong đó bao gồm cả vấn đề đào tạo giáo viên, phải đào tạo để mấy năm nữa cho ra một thế hệ giáo viên đủ tiêu chuẩn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thừa-thiếu giáo viên là trách nhiệm của ngành giáo dục. Không một ngành nào dễ thống kê nhu cầu như sư phạm.
Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thống kê?
Tại sao không bồi dưỡng lại số giao viên dư thừa để chuyển đổi sang dạy chỗ còn thiếu?
Bộ hoàn toàn có thể làm được”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Hãy để cho trẻ được hưởng 3 tháng hè, đừng bắt đi học nữa |
Cũng theo Phó Thủ tướng, ngành sư phạm hiện ra trường thất nghiệp rất nhiều, chạy việc rất khó, các cháu phải “mai phục” để xin việc, phải chấp nhận dạy hợp đồng, nằm chờ để xin vào biên chế.
Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn thống kê được nhu cầu giáo viên. Giáo dục các địa phương phải rà soát, thống kê lại để báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết. Ngành giáo dục cần làm đến nơi đến chốn việc này.
Chỉ cần bảo đảm không thất nghiệp là sư phạm sẽ hấp dẫn, cùng với đó tăng thêm chế độ cho giáo viên nữa thì càng hấp dẫn hơn.
Về thi cử, tuyển sinh, Phó Thủ tướng cho rằng cần hoàn thiện Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để bảo đảm cung cấp kết quả đáng tin cậy cho các trường tuyển sinh.
Còn tuyển sinh phải là tự chủ của các trường đại học. Có cần thiết phải chia nhỏ các môn trong bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để đáp ứng xét tuyển của các trường hay không? Bộ cần làm việc với các trường để bàn cách tuyển sinh phù hợp nhất.
“Tuyển sinh là tự chủ của các trường, các trường không nên cứ gặp khó khăn là kêu ca. Các trường phải chung sức chung lòng với Bộ để có phương án xét tuyển phù hợp nhất”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Về thời gian tựu trường, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét kỹ. Bởi lẽ thời gian nghỉ hè của học trò Việt Nam từ xưa đã quy định như vậy nhưng liệu hiện giờ có còn phù hợp không?
Nhìn nhận thực tế, đặc biệt đối với các cặp bố mẹ trẻ sinh sống ở vùng đô thị cho thấy, thời gian nghỉ hè của con quá dài khiến họ không biết làm thế nào để lo cho con và thực tế các trường đều tựu trường sớm, trong khi Bộ quy định khai giảng là ngày 5/9.
“Do đó, năm học tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bàn kỹ vấn đề này để có quy định phù hợp chứ không lại thành ra khai giảng rất hình thức”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà. Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước. Trân trọng! |