Phụ huynh và giáo viên mong muốn nghỉ hè bao lâu?

23/08/2017 07:32
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Giảm thời gian nghỉ hè, cho nghỉ rải rác trong năm học, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho chất lượng giáo dục của nhà trường.

LTS: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần xem xét thời gian nghỉ hè của học trò Việt Nam bởi lẽ từ xưa đã quy định như vậy nhưng liệu hiện giờ có còn phù hợp không?

Trước quan điểm này, thầy Đỗ Tấn Ngọc đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nêu ý kiến của các thầy cô và cả các phụ huynh.

Thầy Ngọc cũng đề xuất thêm phương án thứ 2 về thời gian nghỉ hè của học sinh và mong muốn nhận được sự lưu tâm, lắng nghe của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, ngày 21/8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự và đưa ra một số ý kiến trong hội nghị. 

Trong đó, có một ý kiến rất đáng chú ý là việc nghỉ hè của ngành giáo dục chúng ta (3 tháng), liệu có còn phù hợp hay không, mặt nào được, mặt nào chưa được, có thể điều chỉnh, thay đổi trong những năm học tới. 

Thời gian nghỉ hè của học sinh đang được thầy cô và phụ huynh hết sức chú ý (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn)
Thời gian nghỉ hè của học sinh đang được thầy cô và phụ huynh hết sức chú ý (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn)

Qua trao đổi, chuyện trò, nhiều thầy cô giáo và các bậc phụ huynh bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình cao với đề xuất trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang, Trưởng phòng đào tạo, trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho rằng: 

“Nghỉ hè dài với thời gian 3 tháng, có cái ưu là các em học sinh và giáo viên được thoải mái, tự do nghỉ ngơi, tham gia nhiều công việc, hoạt động khác của gia đình và xã hội sau 9 tháng học tập vất vả ở nhà trường. 

Tuy nhiên, xem ra, nghỉ hè quá dài không còn phù hợp với môi trường, cuộc sống hiện đại hôm nay nữa, học sinh càng tăng thêm sức ỳ về mọi mặt.

Hơn nữa, ý  thức của nhiều em cho việc sắp xếp thời gian hợp lý trong hè với mục đích tự học, tự củng cố kiến thức, rèn luyện các kỹ năng sống còn rất hạn chế, ngoài việc đi học thêm, chủ yếu chỉ biết lên mạng, chơi điện tử…”. 

Chị Nguyễn Thị Sơn, 44 tuổi, một phụ huynh có 2 con năm nay vào lớp 6 và lớp  9 ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến : 

“Áp lực cuộc sống, công việc của các bậc phụ huynh ở độ tuổi lao động như vợ chồng tôi, nhất là ở các đô thị, thành phố ngày càng lớn. 

Việc nghỉ hè dài của các con đã khiến gia đình tôi và nhiều cha mẹ khác gặp khó khăn, chẳng biết làm thế nào để trông nom, quản lý con cái.

Trong một xã hội có nhiều thứ phức tạp và cám dỗ như bây giờ, để con em ở nhà hoặc tự do, thỏa mái đi đó đây quá lâu, các bậc cha mẹ chúng tôi cảm thấy bất an, lo sợ lắm, chỉ còn biết định hướng hoặc bắt con em vùi đầu vào chuyện đi học thêm tối ngày để được yên tâm hơn khi đi làm”.

Phụ huynh và giáo viên mong muốn nghỉ hè bao lâu? ảnh 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam băn khoăn vì học sinh nghỉ hè 3 tháng

Thầy Bùi Thế Giới, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) kiến nghị: “Tôi cũng đồng tình với việc điều chỉnh, thay đổi thời gian nghỉ hè theo hướng giảm xuống còn 2 tháng thôi.

Nghỉ hè trọn vẹn trong tháng 6 và tháng 7. Thời gian đó là phù hợp, là quá đủ để học sinh và giáo viên nghỉ ngơi, thư giãn rồi. Còn một tháng nữa dành để giãn khung kế hoạch thời gian.

Lâu nay, các cấp học phổ có khoảng 37 tuần thực học, hoạt động tại trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tới đây sẽ kéo giãn ra, thêm 4 tuần nữa (tăng lên thành 41 tuần).

Giảm số tiết dạy - học trong buổi, tuần xuống, người dạy và người học đỡ phần áp lực, căng thẳng khi số tiết trong buổi, tuần quá nhiều.” 

Là người trong cuộc, tôi đề xuất thêm phương án thứ 2, tháng còn lại đó, cho nhà trường, giáo viên và học sinh phổ thông nghỉ thêm 1 ngày nữa trong tuần, số tiết trên buổi, tuần vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. 

Vì lâu nay, hầu hết trường học ở bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đều phải dạy - học, hoạt động ngày thứ 7, chưa kể nhiều trường vẫn phải dạy học 2 buổi, 2 ca, sáng - chiều liên tục.  

Xếp sắp được như thế, phần lớn thầy cô giáo và học sinh được nghỉ ngơi gần giống như cán bộ, công viên chức ở những lĩnh vực, ngành nghề khác.

Giảm thời gian nghỉ hè, cho nghỉ rải rác trong năm học, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả tích cực cho thầy và trò, cho chất lượng giáo dục của nhà trường. 

“Đất nước mình, 3 miền, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là mùa đông, mùa mưa, bão, lũ, tại sao không tính đến chuyện cho nhà trường phổ thông nghỉ khoảng 1 tháng trong thời điểm ấy?”.

Đây là đề xuất khá hay của một số phụ huynh và thầy cô giáo ở thành phố Đà Nẵng, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu tâm và lắng nghe. 

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Đỗ Tấn Ngọc