Nhất định thầy cô phải thay đổi để xóa bỏ tình trạng dạy văn theo mẫu

30/10/2017 06:08
Lê Đức Bảo
(GDVN) - Chỉ thay đổi phương pháp dạy của giáo viên thôi chưa đủ, mà cần đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, khắc phục những nội dung chưa hợp lí trong sách giáo khoa

LTS: Là một giáo viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn ngữ Văn ở bậc trung học cơ sở, thầy giáo Lê Đức Bảo đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những chia sẻ về phương pháp cũng như quan điểm cần xóa bỏ tình trạng dạy học theo văn mẫu như nhiều thầy cô đang làm hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều tiềm ẩn những tố chất về nghệ thuật, khoa học, kĩ thuật, thể thao… Việc để các em được lựa chọn và phát triển theo năng khiếu của mình là điều cần làm ngay từ lúc nhỏ.

Tuy nhiên vấn đề dạy học theo kiểu “đúc khuôn”, “rập khuôn”, “sao chép” sẽ làm kìm hãm và thủ tiêu những năng khiếu đó.

Nhưng thực chất, việc dạy học sáng tạo dựa theo năng lực của người học tưởng chừng dễ nhưng không hề đơn giản một chút nào.

Cần thay đổi để xóa bỏ tình theo văn mẫu (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Cần thay đổi để xóa bỏ tình theo văn mẫu (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Là một giáo viên giảng dạy Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở, tôi ý thức được việc dạy bộ môn đặc thù của mình. Một môn học đòi hỏi sự sáng tạo rất cao, tránh áp đặt hay truyền thụ tri thức một chiều.

Tôi có quan niệm, một người giáo viên dạy Văn mà chỉ biết đọc – chép, dạy từ văn mẫu, “gà bài”… thì tôi đánh giá giáo viên đó vừa thiếu năng lực truyền đạt, vừa yếu cả phương pháp dạy học làm văn đã được học trong các trường đào tạo sư phạm.

Nó sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, suy luận và trình bày suy nghĩ của học sinh sau này. Để hạn chế việc giáo dục theo kiểu đúc khuôn như hiện nay, tôi vẫn thường làm:

Khơi gợi sự sáng tạo, tránh áp đặt

Giáo viên phải xác định học sinh chính là “trung tâm” của mỗi tiết học. Cách dạy này tương đối vất vả, vì đòi hỏi thời gian, công sức rất lớn từ người dạy. Không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà chính giáo viên phải biết khơi gợi sự sáng tạo trong mỗi người học.

Đơn cử như những tiết luyện tập viết Tập làm văn (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận…) trong chương trình hiện hành.Tôi thường cho ra 3 đề thay vì 1 đề như nhiều giáo viên khác vẫn làm, để các em chủ động lựa chọn những đề văn mà các em cho là phù hợp và vừa sức.

Chọn được đề văn cho riêng mình, các em bắt tay vào tìm hiểu đề - tìm ý trong thời gian tầm 2-3 phút. Khi đã có ý tưởng cụ thể thì các em sẽ tiến hành lập dàn ý chi tiết, bước này khá quan trọng nhưng hầu như em nào cũng bỏ qua.

Nhất định thầy cô phải thay đổi để xóa bỏ tình trạng dạy văn theo mẫu ảnh 2

Dạy Văn, trước hết cần làm cho học sinh yêu Văn

Để giúp các em ghi nhớ bước này, tôi vẫn hay ví von, một kiến trúc sư giỏi thì cần phải có một bản thiết kế chi tiết, cũng giống như muốn có một bài văn hay phải cần có một dàn ý độc đáo.

Bước tiếp theo, các em sẽ tiến hành viết đoạn văn, sau đó sắp xếp các đoạn thành một bài văn hoàn chỉnh.

Mỗi khi các em đem vở lên chấm, tôi đều phải đọc rất kĩ để nắm bắt ý tưởng và chỉnh sửa. Thậm chí 10 bài văn khác nhau thì tôi phải có 10 cách chỉnh sửa khác nhau để giúp các em nhận biết những câu văn, từ ngữ chưa chuẩn xác để điều chỉnh lại.

Tất nhiên với cách làm này sẽ rất tốn thời gian của giáo viên trên lớp, ngay cả một tiết dạy 45 phút cũng không đủ để sửa hết các lỗi trong bài viết. Khi này, giáo viên có thể thu vở hoặc giấy để đem về nhà chấm.

Còn với những học sinh có kĩ năng viết tốt thì giáo viên có thể mở rộng, nâng cao những nội dung để bài văn có chiều sâu và sự trau chuốt trong câu chữ, cũng như lựa chọn cho riêng mình những văn phong độc, lạ.

Tăng vốn từ và vốn sống

Đây có lẽ là “nhược điểm” của nhiều giáo viên dạy Văn hiện nay, bởi bản thân người dạy chưa biết liên kết những đơn vị kiến thức giữa phân môn tiếng Việt với phân môn Tập làm văn.

Một lượng lớn từ ngữ chưa được các em vận dụng trong quá trình tạo lập văn bản. Vì để viết ra một bài văn hay thì các em phải có một vốn từ phong phú và độc đáo.

Vậy làm sao để tăng “vốn” từ và “vốn” sống cho học sinh? Giáo viên có thể kể những câu chuyện như quà tặng cuộc sống, hạt giống tâm hồn. Vì học sinh ở bất cứ lứa tuổi nào cũng thích nghe kể chuyện.

Những mẩu truyện ngắn có dung lượng vừa phải sẽ thích hợp trong một tiết dạy vốn bị hạn chế về mặt thời gian. Dùng thông điệp, bài học nhân văn sau mỗi câu chuyện để giáo dục cho học sinh thì sẽ rất hiệu quả và thiết thực. Đây cũng là xu hướng ra đề trong các dạng nghị luận xã hội hiện nay.

Cách thức kiểm tra và nội dung chương trình cũng phải đổi mới

Nếu cho việc dạy học theo kiểu “rập khuôn”, dạy theo văn mẫu…chủ yếu là do lỗi của giáo viên dạy Văn thì có phần hơi bất công cho những thầy cô dạy bộ môn này. Vì phương pháp dạy học cũng bị ảnh hưởng từ những yêu cầu trong việc kiểm tra, đánh giá đặc thù môn.

Thậm chí, nội dung dạy học Tập làm văn trong chương trình sách giáo khoa hiện nay cũng bộc lộ rõ nhiều bất cập.

Nhất định thầy cô phải thay đổi để xóa bỏ tình trạng dạy văn theo mẫu ảnh 3

Có nên dạy và học theo Văn mẫu hay không?

Những bài kiểm tra viết Tập làm văn (thời gian làm bài 90 phút) chưa đa dạng về nội dung, cũng như cách thức ra đề. Những đề gợi ý trong sách giáo khoa có phần “lạc hậu” so với hiện tại.

Chưa kể cách đánh giá một bài văn hay lại phụ thuộc vào nhiều ý “khuôn mẫu” trong đáp án chấm, tạo ra sự gò bó cho cả học sinh lẫn giáo viên trong việc “nới đáp án”.

Riêng các tiết dạy phân môn Tập làm văn cũng chưa thật sự khoa học, đơn cử như trong chương trình lớp 7, việc dạy học văn nghị luận (chứng minh, giải thích) được đánh giá là quá sức so với nhận thức của một học sinh chỉ mới 13 tuổi.

Việc dạy những tác phẩm văn học Trung đại, thơ Đường luật… cũng được xem là khó tiếp thu với học sinh. Chính điều đó làm cho khả năng cảm nhận của người học hạn chế, do đó sẽ nảy sinh ra việc đọc – chép để kéo giảm thời gian suy nghĩ, tư duy của học sinh.

Chỉ thay đổi phương pháp truyền thụ của giáo viên thôi chưa đủ, mà đổi mới cách thức kiểm tra – đánh giá, cũng như khắc phục những nội dung chưa hợp lí trong sách giáo khoa…sẽ là mục tiêu đáng để hi vọng trong Chương trình giáo dục phổ thông dự kiến sẽ được áp dụng vào năm học 2019-2020.

Lê Đức Bảo