Có năng khiếu nhưng khó theo đuổi đam mê
Em Minh Trang (học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: “Em thích mỹ thuật và có ý định dự thi vào Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành Thiết kế đồ họa.
Ban đầu gia đình có phản đối em đi theo khối ngành này vì sợ sẽ không có tương lai, nhưng sau một thời gian thuyết phục, giờ bố mẹ em đã tạm chấp nhận.
Tuy đam mê nhưng từ trước đến nay em chỉ vẽ theo sở thích, tới khi đi học mới thấy mình còn thiếu sót rất nhiều.
Ngoài bài tập vẽ, em vẫn phải cố gắng hoàn thành chương trình học văn hóa trên lớp nên cũng có những lúc cảm thấy rất mệt mỏi”.
Cũng có dự định thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, em Kim Liên - học sinh Trường trung học phổ thông Kim Liên, Hà Nội) cũng gặp phải những khó khăn.
Em chia sẻ việc tìm lớp học vẽ tốt không dễ, vì những lớp có thầy, cô có tiếng thường rất đông người theo học.
Em cũng bày tỏ mong muốn các trường trung học phổ thông bổ sung thêm các môn năng khiếu vào chương trình học: “Ở trường không có giáo viên môn mỹ thuật, em chỉ có thể tự tìm lớp học hoặc tra cứu thông tin trên mạng.
Thầy cô khó theo sát được từng bạn, trong khi mỹ thuật nếu không được chỉ dẫn cá nhân sẽ rất khó tiến bộ. Các lớp nhỏ hơn thì chất lượng lại không bằng.
Nếu các môn năng khiếu được dạy ở cấp phổ thông thì chúng em sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi cần thầy cô tư vấn, giúp đỡ”.
Em Thùy Trang (Trường trung học phổ thông Lương Tài 1, tỉnh Bắc Ninh) có năng khiếu về thanh nhạc nhưng không thể thi vào các trường văn hóa nghệ thuật đúng như mong ước.
Em tiếc nuối: “Ở tỉnh điều kiện luyện thi không bằng các thành phố lớn, đặc biệt các lớp luyện thi năng khiếu như thanh nhạc lại càng không có. Các trung tâm luyện thi môn này chỉ tập trung ở thành phố, học phí lại đắt đỏ.
Tuy rất yêu thích ca hát nhưng em đành quyết định thi vào khối ngành tự nhiên vì vừa tầm với của mình hơn”.
Tình huống của Minh Trang, Kim Liên Thùy Trang chỉ là một vài trong số rất nhiều tình huống tương tự xảy ra với các thí sinh lựa chọn thi vào khối ngành năng khiếu.
Các trung tâm luyện thi năng khiếu thường chỉ có ở các thành phố lớn, khiến các em học sinh tại các địa phương khó có cơ hội theo đuổi.
Thêm vào đó, số lượng các lớp học năng khiếu hiện nay cũng không nhiều. Theo kết quả tìm kiếm địa chỉ luyện thi đại học theo từng môn tại Google, số lượng địa chỉ luyện thi hai môn Mỹ thuật và Âm nhạc là thấp nhất.
Số lượng địa chỉ luyện thi đại học từng phân môn theo kết quả tìm kiếm trên Google / Đồ họa: Minh Nguyệt. |
Học phí cho các buổi học năng khiếu - chẳng hạn như một buổi học mỹ thuật thường có giá thấp nhất là 80 ngàn đồng/buổi, cao hơn hẳn so với các môn học văn hóa khác tại các trung tâm luyện thi, thường chỉ 50 ngàn đồng/buổi. Đó là chưa kể đến các dụng cụ học tập các em cần mua để phục vụ cho môn học của mình.
Chi phí cao, nhưng do các môn học năng khiếu trong nhà trường trung học phổ thông chưa được chú trọng khiến các em có nguyện vọng thi năng khiếu buộc phải theo học ở các lớp luyện thi bên ngoài.
Nếu không thể chi trả cho các khoản chi phí này, các em hầu như không còn cách nào khác ngoài gác lại đam mê của mình và lựa chọn những khối ngành khả thi hơn.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của một số trường đại học có tuyển sinh khối ngành năng khiếu như Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, số lượng thí sinh trúng tuyển đều thấp hơn chỉ tiêu đã đề ra.
Điều đó cho thấy còn rất nhiều thí sinh có năng khiếu nhưng chưa thể phát huy, khiến tài năng bị lãng phí một cách đáng tiếc.
Thống kê số lượng thí sinh trúng tuyển theo từng năm tại hai Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí minh và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam / Đồ họa: Minh Nguyệt. |
Thầy cô và phụ huynh cũng lúng túng
Theo chia sẻ của cô Đàm Hải Yến (giáo viên Trường trung học phổ thông Kim Liên, Hà Nội), việc các môn học năng khiếu chưa được đưa vào bậc giáo dục trung học phổ thông khiến các thầy cô cũng gặp phải khó khăn khi trao đổi nguyện vọng với học sinh, hay quan tâm lộ trình học tập của các em.
“Do đặc thù chương trình học nên hiện phần lớn các nhà trường trung học phổ thông đều không có các giáo viên phụ trách các môn năng khiếu như âm nhạc hay mỹ thuật.
Vì vậy các giáo viên chủ nhiệm không thể trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm được tình hình học tập của các em có nguyện vọng thi năng khiếu, mà chỉ có thể trao đổi trực tiếp với các em, hoặc trao đổi với phụ huynh.
Điều này khiến các em có phần chịu thiệt thòi hơn các học sinh thi vào các khối ngành khác”, cô Hải Yến chia sẻ.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp tại nhà trường trung học phổ thông hiện nay tuy đã được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Hoạt động chiêu sinh của các trường có khối ngành năng khiếu cũng chưa đến được với nhiều em.
Một phụ huynh có con dự định thi vào khối H00 (Toán/Ngữ Văn, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 2) bày tỏ sự lo lắng: “Môn văn còn có thể hỏi giáo viên trên lớp của con, biết con học tập ra sao. Còn môn vẽ thì học ở ngoài, khó có điều kiện gặp thầy để hỏi han. Mình lại không am hiểu gì về mỹ thuật, cũng chỉ biết động viên con cố gắng học”.
Một lớp luyện thi vẽ năng khiếu. Do đặc thù môn học, mỗi lớp chỉ có thể nhận 20 – 25 học sinh nếu muốn đảm bảo chất lượng. |
Chờ đợi những thay đổi
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra đề án về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đề án này, các môn năng khiếu là Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu tiên có khả năng sẽ được đưa vào chương trình giáo dục bậc trung học phổ thông, dưới hình thức môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp.
Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe và nắm bắt được những nguyện vọng của học sinh, nỗ lực thay đổi để các em có được điều kiện và cơ hội học tập như nhau.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Thị Đông – chủ biên môn Mỹ thuật Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương với báo Vietnamnet, bộ môn Mỹ thuật xuất hiện trong chương trình cấp trung học phổ thông sẽ giúp đáp ứng được mục tiêu “phát triển toàn diện về cả phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ,...” theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định.
Đồng thời việc đưa bộ môn Mỹ thuật vào giảng dạy sẽ phần nào giải quyết được tình trạng thiếu nguồn nhân lực lao động gắn với mỹ thuật thực tiễn trong đời sống.
Mục đích của việc đưa môn học Âm nhạc vào chương trình giáo dục bậc trung học phổ thông là để tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, giúp đời sống tinh thần của học sinh trở nên phong phú, cũng như hình thành nên những phẩm chất cao đẹp.
Dự kiến 4 nội dung chính của bộ môn Âm nhạc cấp trung học phổ thông / Đồ họa: Minh Nguyệt. |
Tuy nhiên, những dự thảo về chương trình học mới này vẫn còn trong giai đoạn sửa đổi và tiếp nhận những ý kiến đóng góp.
Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, sớm nhất đến năm 2021, chương trình phổ thông mới mới có thể chính thức được triển khai tại lớp 10 (năm 2022 cho lớp 11 và 2023 cho lớp 12).
Chương trình học được kỳ vọng sẽ giảm bớt phần nào áp lực cho học sinh trung học phổ thông, tạo điều kiện cho các em học sinh theo khối ngành năng khiếu / Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang điện tử. |
Như vậy là các em học sinh lựa chọn khối ngành năng khiếu còn ít nhất 2 năm nữa phải nỗ lực tự lấp đầy khoảng trống của chương trình học nếu muốn theo đuổi đam mê của mình.
Tài liệu tham khảo:
2. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/lan-dau-tien-mon-my-thuat-duoc-day-o-thpt-426963.html