LTS: Sau ngày 20/11, Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của một nhà giáo đang công tác tại tỉnh Nghệ An, điều đáng ngạc nhiên và trân trọng theo lời nhà giáo này, ngày 20/11 không như mọi năm các thầy, cô được ở nhà chung vui với đồng nghiệp thì năm nay đúng vào ngày 20/11, nhiều thầy, cô trên toàn tỉnh phải họp bàn để cứu môn Lịch sử.
Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức tọa đàm để bàn về khoa học Lịch sử. Bài viết nói lên toàn bộ tinh thần của cuộc tọa đàm.
Toàn soạn đăng tải nguyên văn bài viết này của tác giả.
Tác giả viết: Cuộc tọa đàm do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức. Có hai điều thú vị và đáng chú ý ở sự kiện này là:
Thứ nhất, nó diễn ra vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 khi đây là ngày nghỉ lễ của các nhà khoa học, quản lý sư phạm, giáo viên. Đáng lẽ họ được nghỉ để tận hưởng niềm vui trọn vẹn với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Vì quốc gia dân tộc, vì sự phát triển ổn định của nghành giáo dục đang triển khai công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện”, vì sự sống còn của môn Sử nên những nhà khoa họccó lương tri và trách nhiệm đã đến và sẻ chia, tranh luận.
Thứ hai, trong suốt gần 2 tháng qua, vấn đề môn Sử và “tích hợp môn Sử” trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã gây “bão” dư luận xã hội và giới Sử học.
Từ Hội thảo “không báo chí” (giới khoa học quen gọi là “hội kín”) của Bộ GD&ĐT ngày 3/11/2015 và liên tục các lần “đăng đàn” một cách né tránh, bao biện, vòng vo của một vài lãnh đạo Bộ GD&ĐT trên báo chí, truyền hình đã châm ngòi cho làn sóng phản đối của giới Sử học trên toàn quốc.
Để giúp các nhà khoa học và giáo viên phổ thông có cơ hội thảo luận một cách nghiêm túc và thẳng thắn về “vấn đề môn Sử”, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Môn Lịch Sử trong chường trình giáo dục phổ thông”.(giới Sử học quen gọi là “Hội nghị Diên Hồng”) diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày 15/11/2015.
Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh báo Nghệ An |
Sự kiện này được xem như tiếng nói chính thức và công khai với Bộ GD&ĐT của giới Sử học, của những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu và giáo viên Sử phổ thông trên toàn quốc về vấn đề Lịch Sử bị xóa tên (chúng tôi gọi là “khai tử”) khỏi Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT.
Với cuộc tọa đàm bàn tròn “Có hay không tích hợp môn Lịch Sử” của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An thì đây là cơ quan khoa học cấp địa phương đầu tiên trên cả nước góp ý, phản biện cho Bộ GD&ĐT về vấn đề “nóng” nhất trong bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: “tích hợp”.
Có 9 ý kiến đại diện cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT, Bộ chỉ huy Quân sự , khoa Kinh tế, khoa Lịch Sử Trường Đại học Vinh và giáo viên Sử phổ thông tỉnh Nghệ An.
Có ba vấn đề đặt ra cùng trao đổi, thảo luận và tranh luận trên tinh thần thẳng thắn góp ý và xây dựng: Nên hay không thực hiện “tích hợp” môn Lịch Sử như Dự thảo đã đưa ra; Vai trò của môn Sử như thế nào đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung và việc xây dựng ý thức dân tộc, trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc nói riêng;
Những giải pháp đổi mới chương trình, phương pháp dạy học để Lịch Sử vẫn là môn độc lập và phát huy vai trò, vị trí của môn Sử trong hệ thống giáo dục.
Tất cả các ý kiến của đại diện cho các nhà khoa học, nhà quản lý và giáo viên phổ thông trọng tọa đàm này đếu thống nhất quan điểm: ủng hộ chủ trương “tích hợp” nhưng không tán thành vấn đề “tích hợp” môn Lịch Sử thành phân môn trong môn học “Công dân với Tổ quốc” và Lịch Sử phải có tên gọi của nó với tư cách là một môn học độc lập trong chương trình phổ thông với 3 lý do cơ bản sau:
Cơ sở khoa học
Ba môn Lịch Sử, Giáo dục công dân và Giáo dục Quốc phòng- An Ninh có đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau.
Lịch Sử là một môn khoa học cơ bản, môn học bản lề trong hệ thống giáo dục phổ thông. Mục tiêu quan trọng nhất của môn Sử là giúp cho học sinh thông hiểu những tri thức lịch sử cốt lõi có hệ thống về toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc, xây dựng cho học sinh kỹ năng tư duy lịch sử.
Đối tượng của môn Lịch Sử bao gồm toàn bộ tiến trình phát triển của nhân loại, của khu vực, của dân tộc trải qua các thời đại lịch sử trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội.
GS.Mạch Quang Thắng nêu hai điều tất yếu của môn Lịch sử(GDVN) - Tôi cho rằng: Việc giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là một môn độc lập là việc làm TẤT YẾU. |
Mục tiêu của môn Giáo dục Công dân là “chủ yếu là giáo dục giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân và một số kỹ năng sống cần thiết chuẩn bị cho học sinh gia nhập xã hội Việt Nam, họi nhập quốc tế với tư cách công dân”.
Mục tiêu của môn Giáo dục Quốc phòng- An ninh là “Bảo đảm cho học sinh những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang và nghệ thuật quân sự Việt Nam”.
Như vậy, 3 môn học đều có định hướng khoa học, đối tượng, nội dung và phương pháp khác nhau thì không nên “tích hợp” với nhau vào 1 môn “tổng hợp”. Sự lắp ghép như thế chỉ là sự lắp ghép cơ học những kiến thức lịch sử rời rạc “những mảnh vỡ của lịch sử” vào một môn học “tổng hợp” chưa từng có tiền lệ.
Tính khả thi
Các nhà khoa học đã nêu lên vấn đề rằng: Ai sẽ là người dạy môn “Công dân với Tổ quốc”, trong khi các khoa Sử của các Trường đại học sư phạm hiện nay ở nước ta và trên thế giới không đào tạo giáo viên dạy những môn học lắp ghép những kiến thức “tổng hợp” như thế?
Với cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học như thế, vấn đề đặt ra là chất lượng các môn học được gọi là “tích hợp” ở cấp THPT sẽ ra sao và nền giáo dục nước nhà sẽ đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục toàn cầu? Lúc đó, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Và vấn đề đặt ra tiếp theo là việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy , học tập cho môn học “tổng hợp” “ Công dân với Tổ quốc” hoàn toàn không thể thực hiện được. Bởi lẽ, rất khó để có thể tổng hợp 3 môn học có 3 mục tiêu, định hướng khoa học, nội dung khác nhau để xây dựng kết cấu 1 môn học mới.
Vấn đề chưa có tiền lệ
Việc “tích hợp” Lịch Sử là một phân môn trong môn “Công dân với Tổ quốc” là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam và thế giới.
Lịch Sử là môn khoa học cơ bản cung cấp kiến thức nền tảng cho các môn học khác và nó có thể được “tích hợp” trong môn Khoa học xã hội ở cấp Tiểu học, THCS nhưng ở cấp THPT Lịch Sử là môn học cơ bản và bắt buộc. Việc xé nát kiến thức Lịch Sử để đưa vào môn “Công dân với Tổ quốc” chỉ có ở Việt Nam và chưa từng có tiền lệ trong khu vực và thế giới.
Tích hợp không thể thay thế được, mà phá nát môn Sử! |
Từ sự khẳng định những luận cứ khoa học để kết luận không thể “tích hợp” môn Lịch Sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”, các nhà khoa học và giáo viên Sử phổ thông trong cuộc tọa đàm này đã thẳng thắn chỉ ra: Để đòi lại vị thế của môn Lịch Sử như nó đã từng có mà không khắc phục những sa sút và yếu kém vấn đề thực trạng dạy học Lịch sử hiện nay thì thật là vô nghĩa.
Các ý kiến kiến nghị Bộ GD&ĐT cùng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần sớm cải cách toàn bộ hệ thống môn Lịch Sử trong giáo dục phổ thông và đi liền với nó là việc đổi mới phương pháp dạy Sử để làm cho học sinh không chán Sử và tự tin lựa chọn Lịch Sử là môn học, môn thi mà không cần phải có biện pháp bắt buộc.