LTS: Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trước Quốc hội về việc dạy tích hợp môn Lịch sử, tác giả Phạm Mạnh Hà có đưa ra một số ý kiến phản hồi quan điểm đó của Bộ trưởng.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Ngày 12/10/2015, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài viết "Học sử đâu phải để "kiếm ăn", không học sử là bất trung, bất hiếu", phản ánh vai trò lớn lao của môn sử đối với sự sinh tồn của một dân tộc.
Tuy nhiên đến ngày 16/11/2015 qua bản tin "Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói gì về việc dạy tích hợp môn Lịch sử?", được biết Bộ vẫn bảo lưu quan điểm đưa môn Sử vào các phần tích hợp với các môn khác.
Bộ trưởng đưa ra những dẫn chứng để bảo vệ cho quan điểm tích hợp môn Sử là: Qua việc tích hợp vào các môn khác thì môn Sử được học nhiều tiết hơn nên được coi trọng hơn chứ không phải bị xem nhẹ đi như dư luận gay gắt.
Và theo lý lẽ của Bộ trưởng thì các môn học khác cũng đều có phần dạy về lịch sử cho nên không cần để môn Sử đứng độc lập như trước nữa để tránh trùng lặp kiến thức sử.
Xem xét kĩ phần trả lời của Bộ trưởng, người viết bài này nhận thấy cần phải có ý kiến phản hồi lại các lập luận này của Bộ trưởng như sau :
Tích hợp không thể thay thế được, mà phá nát môn Sử! |
Trước hết, Bộ trưởng phải thừa nhận rằng qua việc tích hợp thì bản thân môn Sử đã bị biến mất khỏi vị trí đứng độc lập của nó như vị trí đứng độc lập của các môn khác như Văn, Toán,...
Và khi tích hợp môn Sử vào các môn khác thì môn Sử đã bị chia vụn ra để đem lắp ráp (tất nhiên là không thể đầy đủ được) vào các môn khác chỉ để làm nhiệm vụ giải thích cho hoàn cảnh ra đời của các phần kiến thức trong các môn học khác, tức là khi tích hợp thì môn Sử chỉ để phục vụ cho việc làm sáng tỏ thêm các môn học khác.
Như vậy qua những bằng chứng đó đã chứng minh môn Sử đã chính thức bị khai tử khỏi vị trí độc lập của nó khi đem nó tích hợp ở các môn khác, phục vụ các môn khác, đó là điều Bộ trưởng không thể phủ nhận được.
Và tất nhiên như vậy thì làm gì có chuyện môn Sử được coi trọng hơn trước như lập luận của Bộ trưởng?
Trái lại, môn Sử đã bị coi có cũng như không, cũng đồng nghĩa với việc biết bao nhiêu công lao vĩ đại của bao thế hệ tiền nhân xây dựng và bảo vệ nên đất nước này bằng cả biết bao núi xương sông máu bị thế hệ ngày nay ngoảnh mặt lờ đi không muốn biết đến.
Số phận “long đong”của môn Lịch sử(GDVN) - Hôm qua (16/11), trả lời chất vất cử tri, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, để độc lập hay tích hợp môn Lịch sử thì vẫn cần phải được bàn luận, xin ý kiến. |
Tiếp đến, phải khẳng định rằng bản thân môn Sử được lập nên còn có mục đích là để tìm hiểu quy luật vận động của xã hội loài người, điều này hẳn Bộ trưởng cũng biết rõ.
Mà để người ta hiểu được quy luật vận động đó của lịch sử, thì môn Sử phải có hệ thống kiến thức độc lập liền mạch phản ánh xuyên suốt từ thời sơ khai của con người cho đến nay.
Thế cho nên khi đem cái hệ thống xuyên suốt liền mạch đó của môn Sử cắt vụn ra lắp ráp rời rạc (tất nhiên không thể đầy đủ được) vào các môn học khác thì làm sao người học có thể nắm được quy luật vận động của lịch sử ?
Tuy rằng theo giải thích của Bộ trưởng là mỗi lĩnh vực của lịch sử như Văn, Toán,... đều có môn học mô tả lịch sử hình thành, nhưng như thế đâu có nghĩa là các môn học phản ánh được đầy đủ sự ra đời của loài người kể từ buổi sơ khai khi mà có những lĩnh vực của từng môn học xuất hiện rất muộn hơn sự ra đời của loài người.
Và còn lĩnh vực chính trị nữa, thì làm gì có môn học nào ở phổ thông phản ánh được lịch sử hình thành thay thế cho môn Sử chính thống được?
Như vậy bằng chứng này đã cho thấy môn Sử bị phá hoại như thế nào khi đem tích hợp vào các môn khác. Đó là sự thật không ai có thể biện minh được!
Vì vậy, từ những căn cứ làm sáng tỏ như trên, bài viết này có đủ cơ sở khẳng định: Riêng đối với môn Sử, thì ngoài việc để ghi nhớ công lao của các thế hệ tiền nhân đi trước mà có ý thức bảo vệ Tổ quốc, còn do bản chất của nó là để người học tìm hiểu về quy luật vận động của xã hội loài người, cho nên không thể triệt tiêu nó đi khỏi vị trí độc lập của nó để đem cắt vụn nó ra tích hợp nó vào các môn học khác được.
Bỏ hay tích hợp môn Lịch sử: Không cẩn thận sẽ phải trả giá đắt(GDVN) - Một khi Sử học được nhìn nhận công bằng và công minh, thì tự nó tri thức lịch sử sinh động là một sự hấp dẫn lớn. |
Môn Sử bắt buộc phải là môn độc lập để đảm bảo hệ thống kiến thức liền mạch xuyên suốt của nó.
Đối với các môn khác có các phần kiến thức cần giải thích về hoàn cảnh ra đời, thì chỉ nên chú thích là xem phần lịch sử tương ứng trong sách lịch sử để tránh diễn giải lại thay cho môn Sử gây trùng lặp kiến thức.
Về cái cần đổi mới với môn Sử, thì đó là nội dung giảng dạy cần chú ý rút ra các bài học lịch sử quý báu để người học thấy được ý nghĩa của môn Sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, từ đó mà có những vận dụng sự thành công trong lịch sử cũng như tránh được lặp lại các thất bại trong lịch sử.
Đồng thời phải nêu bật lên được ý nghĩa công lao, sự hi sinh xương máu của các thế hệ đi trước ở từng giai đoạn của lịch sử để người học ghi nhớ công ơn các thế hệ đi trước, nhận thức được sâu sắc giá trị của mảnh đất nơi mình đang sống mà có ý thức quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.
Đó mới là đáp án đúng đắn cho bài toán cải cách về môn Sử, thưa Bộ trưởng. Và cũng cần phải chuyển tới Bộ trưởng thông điệp sau:
Đất nước này còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ có lòng trung hiếu của biếtbao thế hệ đối với tổ tiên đã có công gây dựng gìn giữ đất nước. Cho nên: Mất đi lòng trung hiếu là mất nước! Mà để mọi người có được lòng trung hiếu ấy, chính là nhờ phải học môn Sử.