Trước Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, môn Lịch sử không bị coi nhẹ, mà ngược lại đã coi trọng môn Lịch sử hơn so với chương trình hiện hành.
Theo Bộ trưởng Luận, hiện nay bậc phổ thông dạy môn Lịch sử với 1,5 tiết/tuần. Trong thiết kế dự thảo đang lấy ý kiến, nếu học sinh không học chuyên ban Khoa học xã hội có 2,5 tiết/ tuần học Lịch sử, học sinh chuyên ban có 4 tiết/tuần môn Lịch sử. Tất cả tiết này đều bắt buộc. Như vậy nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên.
Một số đại biểu không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Luận, cho rằng trả lời như vậy là thiếu thuyết phục. Vì, nói như đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Ninh) thì, thời lượng chỉ là một khía cạnh. Còn yếu tố quan trọng hơn như ai có thể tiến hành việc dạy tích hợp?
Và đại biểu này khẳng định, với những động thái của ngành giáo dục trong thời gian qua thì chưa nhìn rõ công tác chuẩn bị giáo viên cho việc giảng dạy tích hợp như thế nào.
Long đong…môn Lịch sử
Trở lại vấn đề môn Lịch sử có nguy cơ biến mất với tư các là môn độc lập trong chương trình phổ thông, số phận “long đong” của môn học này dường như đã có từ lâu.
GS. Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong vài chục năm qua, đã có nhiều cách đối xử không đúng đắn, thiếu công bằng, có phần tùy tiện của cấp quản lý ngành giáo dục với môn học này.
GS. Vũ Dương Ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Quả thật, tôi không biết trên thế giới có nước nào dạy môn học mang tên này không?”. Ảnh Xuân Trung |
Thực tế, đã có thời gian chúng ta lấy lý do “giảm tải” cho học sinh, môn Lịch sử không còn là môn thi chính thức trong thi tốt nghiệp. Số phận long đong của môn học này bắt đầu từ chỗ quy định môn Sử và Địa là hai môn thi “luân phiên” (năm nay thi Sử, năm sau thi Địa), rõ ràng không có cơ sở khoa học cho chủ trương này.
Không dừng lại ở đó, có thời điểm môn Lịch sử được quy định là môn thay thế (chỉ nơi nào học sinh không thi ngoại ngữ thì thi Sử). Và có thực trạng (năm học 2013-2014) phần đông học sinh ở thành phố chọn thi ngoại ngữ, những học sinh ở vùng sâu vùng xa mới thi môn Lịch sử.
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi quá khó cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận(GDVN) - Sáng nay, đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) đã đặt ra một câu hỏi không dễ chút nào với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. |
Như vậy, theo GS. Vũ Dương Ninh, môn Lịch sử vẫn còn đó nhưng đã mất đi địa vị của một môn học độc lập, bắt buộc, ngang bằng với các môn khác.
Trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, môn Lịch sử là môn thi tự chọn, tuyệt đại đa số học sinh thi khối A, B, sẽ bở rơi môn Lịch sử. Do vậy mới có hiện tượng nhiều hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh thi môn Sử.
Cho tới khi Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT công bố, thì dưới danh nghĩa “tích hợp”, môn Lịch sử đã biến mất khỏi chương trình với tư cách một khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng.
Thực tế, môn Lịch sử được tích hợp, vận dụng vào môn “Công dân với tổ quốc”. GS. Vũ Dương Ninh phải thốt lên rằng: “Quả thật, tôi không biết trên thế giới có nước nào dạy môn học mang tên này không?”.
“Rõ ràng môn Lịch sử đang bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận, và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt ngang bằng như các môn học khác” GS. Ninh khẳng định.
Thượng tướng Võ Tiến Trung – Giám đốc Học viện Quốc phòng. Ảnh báo Dân trí |
Trong khi đó, nhìn từ chủ trương, Thượng tướng Võ Tiến Trung – Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, với bản Dự thảo chương trình mới của Bộ GD&ĐT khi đưa môn Giáo dục Quốc phòng –an ninh tích hợp với các môn: Giáo dục lối sống (cấp tiểu học), Giáo dục công dân (cấp THCS), Công dân với Tổ quốc, trong đó có môn Lịch sử (THPT);
Như vậy môn Quốc phòng – an ninh không còn là môn độc lập ở cấp THPT (trong khi đó theo nhiều chuyên gia lịch sử, môn Lịch sử cũng là một môn khoa học riêng biệt và cũng không thể tích hợp được – pv), điều này là trái với chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước, không phù hợp với tính chất đặc thù của môn học.
Phải sửa lại Dự thảo chương trình
Thượng tướng Võ Tiến Trung nhấn mạnh, môn Quốc phòng an – an ninh không thể tích hợp với các môn khác, vì đây là môn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đã được luật hóa và mang tính đặc thù.
Theo Thượng tướng Trung, để thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước thì Ban soạn thảo của Bộ GD&ĐT cần chỉnh sửa lại Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng quan điểm, GS. Vũ Dương Ninh cũng cho rằng, môn Lịch sử không thể tích hợp và phải là môn độc lập, có vị trí ngang bằng với môn học khác trong chương trình phổ thông mới.
Bỏ hay tích hợp môn Lịch sử: Không cẩn thận sẽ phải trả giá đắt(GDVN) - Một khi Sử học được nhìn nhận công bằng và công minh, thì tự nó tri thức lịch sử sinh động là một sự hấp dẫn lớn. |
Bộ GD&ĐT cũng cần thay đổi, quy định dứt khoát môn Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Tiến tới coi Lịch sử là môn thi trong kỳ thi tuyển chọn nhân viên vào các cơ quan, doanh nghiệp…và sẽ trở thành môn thi đối với những người muốn nhập quốc tịch Việt Nam.
Trao đổi thêm, TS. Tưởng Phi Ngọ (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, đúng là đất nước ta đang sống trong hòa bình, nhưng hòa bình không phải là giá trị bền vững tuyệt đối.
Nền hòa bình của nước ta vẫn luôn bị đe dọa, và ai cũng biết điều này. Chính vì vậy vẫn rất cần ưu tiên cho môn Lịch sử ở trường phổ thông.
TS. Tưởng Phi Ngọ. Ảnh của Xuân Trung |
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT theo quy trình đã hết thời gian góp ý, tuy nhiên, những điều bất hợp lý trong nội dung dự thảo chương trình mới được nhiều chuyên gia chỉ rõ. Điều này những chuyên gia hàng đầu về xây dựng chương trình của Bộ GD&ĐT cần hiểu rõ.
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ Bộ GD&ĐT có tiếp thu, lắng nghe ý kiến của xã hội, chuyên gia, các nhà sử học, các thầy cô giáo dạy sử trong cả nước để có một quyết định cho vận mệnh đất nước sau này.
Kết thúc bài viết, người viết xin được nhắc lại câu nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới. Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục: “Năm học mới 2015-2016, ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt”, …Cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội”.