Những ngày cuối tháng 10, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Trường Trung học Phổ thông Tam Đảo 2, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tại đây, gần 700 học sinh của Nhà trường đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Gần 700 học sinh trường trung học phổ thông Tam Đảo 2 đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Thùy Linh) |
Vậy là tôi có dịp được gặp gỡ thầy và trò trường Trung học Phổ thông Tam Đảo 2, tâm sự với tôi, cô giáo Đào Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết:
So với nhiều trường trung học phổ thông khác trên địa bàn tỉnh, trường Trung học phổ thông Tam Đảo 2 có những khó khăn riêng như: đóng trên địa bàn miền núi thậm chí 3 năm trước trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh và được hưởng chế độ vùng 135;
Gần 50% học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Sán Dìu), có tới 12/43 giáo viên là người dân tộc thiểu số; điểm thi đầu vào trung học phổ thông luôn thấp hơn so với các trường khác so với toàn tỉnh.
Tuy nhiên thầy và trò nhà trường đã cố gắng vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học và đến nay trường Trung học phổ thông Tam Đảo 2 đã tạo được “thương hiệu” về quản lý giáo dục trong vấn đề chấn chỉnh nền nếp học trò.
“Thương hiệu” ấy được thể hiện qua việc, mặc dù là trường trung học phổ thông, học sinh đang ở độ tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng 4 năm trở lại đây, trường Tam Đảo 2 không hề có hiện tượng học sinh gây gổ, đánh nhau trong trường học.
“Và đến thời điểm này, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng giáo dục của nhà trường”, cô Hà phấn phởi chia sẻ.
Cô Hà (áo dài xanh) chia sẻ: "Nhìn bảng điểm thi đại học của học trò, tôi đã bật khóc vì quá hạnh phúc” (Ảnh: Thùy Linh) |
Mặc dù là trường đón nhận học trò có điểm thi đầu vào trung học phổ thông luôn thấp nhất tỉnh Vĩnh Phúc nhưng bằng sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, năm học 2016-2017, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ đại học lên tới hơn 20%.
Đặc biệt, đây cũng là năm học đầu tiên mà trường Trung học phổ thông Tam Đảo 2 có học sinh đỗ vào một số trường đại học hàng đầu như: Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Thương mại....
Đặc biệt, trong đó có 1 học sinh đạt 28,25 điểm/ 3 môn (Toán, Lý, Hóa).
Đây là niềm tự hào rất lớn đối với thầy và trò nhà trường.
Là nữ Hiệu trưởng, bên cạnh việc chăm lo gia đình thì cô Hà luôn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình để nhân dân tin tưởng nhà trường, có như vậy họ mới gửi gắm con em mình.
Cô Hà tâm sự rằng: “Xuất phát từ chính cái tâm của mình, tôi tự nhủ rằng hãy coi học sinh như con của mình, bản thân có con đi học mình cần gì ở nhà trường thì khi ở cương vị lãnh đạo hãy làm tất cả những điều đó vì phụ huynh.
Và với tôi, một nhà trường không phải là mỗi năm đạt được bao nhiêu giấy khen mà nhà trường phải là nơi giúp phụ huynh quản lý con em họ để các cháu ngoan, có ý thức tốt, có tinh thần học tập tốt”.
Do vậy, cô Hiệu trưởng nhiệt huyết này luôn cố gắng truyền cảm hứng, truyền lửa nghề tới đồng nghiệp, tới học sinh của mình với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường bằng cách song song với việc quản lý chất lượng học trò thì Nhà trường cũng đặc biệt chú trọng, quan tâm tới đội ngũ cán bộ giáo viên.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường và tâm huyết đối với học trò, các thầy cô đều hết lòng dạy dỗ, ôn luyện và động viên tinh thần cho học sinh để các em đạt hiệu quả cao nhất trong học tập.
Trường Trung học phổ thông Tam Đảo 2 đã tạo được “thương hiệu” về quản lý giáo dục trong vấn đề chấn chỉnh nền nếp học trò. (Ảnh: Thùy Linh) |
Cô Hiệu trưởng nhớ lại rằng: “Trong thời gian ôn luyện học sinh thi trung học phổ thông quốc gia, tôi nhìn thấy những giọt mồ hôi lăn trên má của đồng nghiệp.
Tôi bật khóc vì thương và ghi nhận những đóng góp, hi sinh thầm lặng của đội ngũ giáo viên.
Rồi đến ngày nhìn bảng điểm thi đại học năm học 2016-2017 vừa qua, tôi đã khóc trong buổi họp phụ huynh hôm đó.
Tôi khóc trong niềm hạnh phúc bởi lẽ một trường phổ thông ở địa bàn khó khăn mong muốn đỗ 100% tốt nghiệp đã khó, giờ được thấy có nhiều học sinh đạt 27 điểm trở lên. Tôi mừng lắm”.
Nhìn nhận từ thực tiễn, lao động phổ thông dần bị thay thế bởi máy móc do vậy cô Hiệu trưởng Đào Thị Thúy Hà luôn khuyên học sinh trong trường cố gắng học tập để thay vì phải làm việc bằng chân tay thì được làm việc bằng trí óc, có như vậy việc làm mới có thể gắn bó lâu dài và đem lại thu nhập ổn.