"Cách mạng Công nghiệp 4.0" đang diễn ra tại nhiều nước phát triển. Nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Vậy cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào?
Với mong muốn giúp các em học sinh trung học phổ thông định hướng nghề nghiệp tốt hơn trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 28/10, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Trường Trung học Phổ thông Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tại đây, hơn 1.300 học sinh của trường Trung học Phổ thông Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (năm nay, Giáo sư đã 80 tuổi).
Hơn 1.300 học sinh của trường Trung học Phổ thông Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vào ngày 28/10 (Ảnh: Thùy Linh) |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải thích một cách đơn giản về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới các em học sinh rằng:
"Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất.
Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt.
Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Bây giờ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
Cô Phương và nỗi trăn trở 70% sinh viên giỏi đi làm công nhân |
Được biết, theo ông Klaus Schwab - người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới từng đưa ra quan điểm rằng:
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Sau khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phân tích những cơ hội, thách thức đối với thế hệ trẻ trong cuộc cách mạng 4.0, các em học sinh trường Trần Phú vừa mừng vì sắp tới sẽ có nhiều cơ hội mới thế nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn phải đối mặt.
Tôi có dịp được trò chuyện cùng em Nguyễn Thanh Vân – học sinh lớp 12A trường Trung học phổ thông Trần Phú, em đã có chia sẻ về hiểu biết của bản thân về cuộc cách mạng 4.0 này.
Theo Vân hiểu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu hoạt động bằng máy móc, tự động hóa, robot nên chắc chắn sẽ hạn chế sức người, gây tồn đọng một lượng lớn số người lao động không có việc làm.
Có nghĩa là, tỷ lệ thất nghiệp của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gia tăng.
Bản thân là một học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia quyết định tương lai của chính mình, Vân cho rằng:
“Trước tiên, trong quá trình học tập tại trường trung học phổ thông để bước vào cánh cửa đại học thì bản thân chúng em không thể nào chỉ học lý thuyết, nắm vững kiến thức mà cần rèn luyện nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, tinh thần chủ động, sự tự tin…”.
Emm Nguyễn Thanh Vân (bên phải) – học sinh lớp 12A trường Trung học phổ thông Trần Phú chụp ảnh cùng cô giáo Vật lý - Đào Thị Hà (Ảnh: Thùy Linh) |
Chứng kiến cảnh nhiều thế hệ anh chị tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp, Vân thể hiện quyết tâm rằng: “Robot sẽ chỉ làm việc theo một lập trình có sẵn chứ robot không biết sáng tạo.
Do đó, dựa vào lợi thế của con người là có khả năng sáng tạo nên khi có cơ hội bước vào đại học, em dự định sẽ đi làm thêm ở các môi trường làm việc khác nhau và học thêm một số thứ tiếng để thuận tiện cho việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Nếu chọn ngôi trường đại học là môi trường về kinh tế thì em sẽ tìm kiếm việc làm từ năm thứ 4 để tránh thất nghiệp và chủ động tìm tòi về các doanh nghiệp”.
Trong khi đó nhìn nhận về buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, theo cô Đào Thị Hà – giáo viên môn Vật lý, trường Trung học phổ thông Trần Phú, Vĩnh Phúc cho rằng:
“Khi chưa tiếp cận với cuộc hội thảo này có thể trong số hơn 1.300 học sinh ngồi ở đây có em đã được nghe, được biết đến cuộc cách mạng này nhưng cũng có em chưa nắm được.
Do đó, đây là buổi có ý nghĩa rất lớn đối với cả giáo viên và học sinh toàn trường, giúp học trò hiểu một cách toàn diện hơn về thời đại mới và các em sẽ có định hướng cho nghề tương lai mà bản thân sẽ chọn sắp tới”.
Là một giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô Hà chia sẻ, để hành trang vững bước cho thế hệ học sinh bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, nhà trường và giáo viên sẽ chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho các em học sinh để bước vào kỳ thi quốc gia trong năm tới đạt kết quả cao.
Đồng thời, nhà trường và giáo viên cũng sẽ định hướng để các em phát triển theo năng lực, sở trường với mong muốn các em trở thành sinh viên tốt, người thành đạt trong tương lai.
Tuy nhiên, cô Hà cũng khẳng định rằng: “Chúng tôi cũng sẽ định hướng để các em hiểu rằng, không phải cứ đỗ đại học mới làm nên thành công.
Bởi lẽ qua thực tế và một số tấm gương qua lời kể của thầy Nguyễn Lân Dũng thì chúng ta thấy rất nhiều người không học đại học nhưng vẫn rất thành đạt”.