Nhìn lại 2 kỳ thi lớn của ngành giáo dục trong năm qua

28/07/2017 06:41
THIÊN ẤN
(GDVN) - Trong hai tháng 6 và 7, ngành giáo dục đã tổ chức 2 kỳ thi lớn đó là thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia với mục đích "2 trong 1".

LTS: Nhằm nhìn lại những kết quả đã đạt được cũng như các vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục trong 2 kỳ thi lớn vừa qua, tác giả Thiên Ấn cho rằng cần phải điều chỉnh Luật giáo dục để có sự thay đổi phù hợp, đồng thời nên giao quyền tự chủ trong xét tuyển cho từng trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong hai tháng tháng nghỉ hè (tháng 6, 7) ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức 2 kỳ thi lớn đó là thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia với mục đích “2 trong 1”. 

Năm nay, nhiều địa phương, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào đầu tháng 6, sớm hơn gần 1 tháng so với mọi năm. 

Hình ảnh minh họa cho việc tham dự kỳ thi của các thí sinh (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh minh họa cho việc tham dự kỳ thi của các thí sinh (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Do có sự chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nên tất cả đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của các tỉnh, thành đều bám sát nội dung, chương trình, đảm bảo tính chính xác, khoa học, không có bất kỳ sai sót nào xảy ra được các thầy, cô giáo, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội đánh giá cao. 

Công tác tổ chức coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và kịp thời công bố điểm chuẩn vào các trường công lập. 

Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của các trường công lập ở từng địa phương có sự phân hóa rõ rệt. Trường tốt, có bề dày thành tích, điểm chuẩn khá cao, còn trường “sinh sau, đẻ muộn” bề dày thành tích chưa nhiều thì điểm chuẩn rất thấp, mức chênh từ mười mấy đến gần hai chục điểm (đã nhân hệ số). 

Một số trường ở xa trung tâm, dân cư thưa thớt, tổng số thí sinh dự thi không đủ chỉ tiêu được cấp trên giao, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 chỉ từ 5, 7 điểm, điểm trung bình mỗi môn chưa đến 1; 1,5 điểm.

Thậm chí, có trường cần đến sự can thiệp, trợ giúp, điều tiết của Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm tiệm cận với số lượng chỉ tiêu giao. 

Đúng là “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Điểm tuyển sinh đầu vào quá thấp đã trở thành gánh nặng, áp lực lớn cho các nhà trường, đội ngũ giáo viên ấy trong suốt quá trình giảng dạy 3 năm ở bậc trung học phổ thông. 

Nhìn lại 2 kỳ thi lớn của ngành giáo dục trong năm qua ảnh 2

Tại sao năm nay có nơi thi tuyển sinh vào lớp 10 sớm hơn mọi năm?

Để có sự phân hóa đồng đều về chất lượng học sinh đầu cấp  giữa các trường công lập trên địa bàn cả tỉnh quả là một bài toán vô cùng nan giải hiện nay. 

Hiện tượng học sinh đều đạt loại giỏi 4 năm học trung học cơ sở nhưng bị điểm thi thấp, điểm liệt, trượt trường công lập, phải học trường tư thục đang có xu hướng gia tăng. 

Nhiều người đặt nghi vấn về cách đánh giá, ghi điểm của các nhà trường, giáo viên trung học cơ sở đã thực chất hay chưa? 

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, có nhiều đổi mới, cải tiến về đề thi, hình thức thi và cách thức xét tuyển vào đại học cũng đã đi được chặng đường khá dài. 

Đề thi vừa sức, phân hóa tốt, 5/6 môn thi áp dụng hình thức trắc nghiệm khách quan rất gọn nhẹ, giảm bớt áp lực, công tác coi thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. 

Không ngoài dự đoán của những người trong cuộc, kết quả điểm thi và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của các địa phương cao hơn năm ngoái. 

Đặc biệt, có 4250 bài thi đạt điểm 10, cao hơn 61 lần so với năm 2016, nhưng cũng đến 7000 bài thi bị điểm liệt (từ điểm 1 trở xuống). 

Theo thống kê, gần 4000 thí sinh đạt điểm cao ở các khối thi nhưng không có nhiều em đạt lực học toàn diện (các môn thi tốt nghiệp), nhiều em bị điểm yếu, kém từ 1,5; 2; 3 điểm từ một đến hai môn. 

Các em  chủ yếu hướng tới mục tiêu thi đại học và chương trình kiến thức còn nặng, số lượng môn học quá nhiều (13 môn học, hoạt động giáo dục ở bậc trung học phổ thông) là 2 lý do chính khiến nhiều học sinh học lệch. 

Điều đáng suy nghĩ và lưu tâm hơn là năm nay, nếu chỉ căn cứ vào kết quả điểm thi thì chỉ có 58% thí sinh đạt điểm 5 trở lên.

Như vậy, nếu như không có “phao cứu sinh” từ điểm tổng kết lớp 12 và điểm khuyến khích từ chứng chỉ nghề phổ thông (phần lớn đạt loại giỏi, được cộng 2 điểm, chia làm 4, từng thí sinh có lợi thế đến 0,5 điểm) thì trên 40 % thí sinh sẽ bị trượt tốt nghiệp. 

Một con số không hề nhỏ, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông còn thấp hơn năm 2007 (66.7 %) lần đầu tiên thực hiện phong trào “2 - 0” (học thật, thi thật), khi chưa có điểm học bạ tham gia. 

Nhìn lại 2 kỳ thi lớn của ngành giáo dục trong năm qua ảnh 3

Có nên vui mừng với kết quả kỳ thi năm nay?

Từ những chỉ số “biết nói” trên đây, chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là bậc học trung học phổ thông vẫn còn đó những băn khoăn, lo ngại. 

Nhiều người, trong đó có các thầy cô giáo suy nghĩ rằng: “Tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ có nghĩa lý, giá trị gì đâu, đại học còn chẳng ăn ai, điểm số trong tay mình thôi cứ phóng lên cho học sinh mình được nhờ”. 

Nhưng, một số giáo viên  lại phản đối: “Bệnh thành tích, dễ dãi của nhà trường, thầy cô giáo bậc trung học phổ thông chỉ làm hại ngành giáo dục và các em. 

Đánh giá không thực chất, không công bằng, nhiều học sinh sinh ra chủ quan, ỷ lại, lười biếng học hành hơn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bãi bỏ kỳ thi này, giao hẳn cho từng nhà trường tự xét và công nhận tốt nghiệp thì tốt hơn nhiều”.

Trong Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp năm học 2018 - 2019 được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến chuyện giao cho nhà trường, địa phương xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2019. 

Tất nhiên, cần phải điều chỉnh Luật giáo dục để phù hợp với thay đổi đó, còn xét tuyển đại học giao quyền tự chủ cho từng trường.    

THIÊN ẤN