LTS: Bất kể học sinh giỏi hay dốt, hạnh kiểm tốt hay không, cuối năm, các thầy cô giáo đều có tâm lí muốn cho các học trò những bảng điểm đẹp.
Thầy giáo Nhật Duy phản ánh tình trạng "chất lượng ảo" trong đánh giá học sinh khi thầy cô khoác lên các học trò những "chiếc áo đồng phục" về hạnh kiểm "Tốt" và nỗ lực nâng điểm cho học trò vì thành tích...
Liệu có ai băn khoăn về việc giáo dục đào tạo kiểu đó rồi sẽ đi về đâu?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Có lẽ như đã thành một tiền lệ, phần lớn các trường, các địa phương đều rất “thương” học trò cuối cấp.
Dù các em có học làm sao đi chăng nữa thì khi các em kết thúc khóa học cũng được nhà trường, thầy cô đánh giá, xếp loại một cách nhẹ nhàng và chiếu cố cho qua tất. Gần như em nào cũng cũng có bảng điểm sạch, đẹp để ra trường.
Vì thế, nhiều học sinh học yếu vẫn cho qua về học lực, nhiều em chưa ngoan, chưa tốt nhưng được xếp hạnh kiểm loại “Tốt”.
Nhiều giáo viên còn cho các em cùng một chiếc áo “đồng phục” là xếp loại hạnh kiểm “Tốt”cho cả lớp. Bởi ai cũng quan nhiệm cuối cấp rồi cho các em qua hết đi.
Liệu có ai băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn) |
Vì thế, chúng ta thấy học sinh lớp 5 khi hoàn thành năm học thì nhìn vào bảng điểm của các em cũng rất đẹp.
Học sinh lớp 9 có rất nhiều em không chịu học hành, tu dưỡng về nhân cách, đạo đức.
Nhất là một số địa phương, một số trường không tổ chức thi tuyển sinh 10 mà tiến hành xét tuyển thì địa phương đó có chất lượng đầu vào rất thấp.
Học sinh lớp 12 cũng được nhà trường chuẩn bị cho một “hồ sơ” sạch đẹp để thi Trung học quốc gia. Bởi, bảng điểm đẹp là một lợi thế để các em nộp hồ sơ vào các trường đại học xét học bạ, không tổ chức xét điểm thi đại học…
Đối với các trường trung học cơ sở khi tiếp nhận học sinh cấp tiểu học chuyển cấp lên cấp 2 rất khó xếp lớp cho các em vì bảng xếp loại học lực “thật, ảo” khó lường.
Bởi xếp lớp thì căn cứ vào tỉ lệ chất lượng học sinh để làm sao đảm bảo các tỉ lệ giỏi, khá, trung bình… cân đều trong một lớp học.
Nhưng nhìn vào kết quả học tập của các em thì phần lớn đều rất đẹp. Nhất là khi lên cấp 2, các nhà trường phải tiếp nhận học sinh từ nhiều trường tiểu học thì chất lượng đánh giá của mỗi trường cũng khác nhau…
Khi các em học xong lớp 9 phải qua bước xếp loại tốt nghiệp. Nên, nhiều giáo viên trong trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm thường quan niệm cho các em qua cả để đủ điều kiện xét tốt nghiệp và thi tuyển sinh 10.
Những năm Sở Giáo dục không tổ chức thi tuyển sinh 10 thì các trường đua nhau nâng điểm, nâng hạnh kiểm.
Bởi trường nào cũng sợ học sinh trường mình có tỉ lệ được xét tuyển thấp hơn trường khác, vừa “tội” học trò lại vừa mang tiếng cho nhà trường.
Chúng ta đều biết rằng mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những “sản phẩm” giáo dục có chất lượng về tri thức, có phẩm chất về đạo đức, nhân cách.
Phải lập tức thay đổi cách đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh |
Thế nhưng, nếu chúng ta đào tạo ra những học sinh có chất lượng thật thì đó mới là điều đáng quí, đáng trân trọng.
Chỉ tiếc, trong mặt bằng chung của chất lượng giáo dục hiện nay không cao nhưng nhiều thầy cô, nhiều trường học cứ “đẩy khống” lên để làm số lượng báo cáo năm học, để xét thi đua và lấy thành tích, lấy danh hiệu là một tiền đề nguy hiểm cho giáo dục và xã hội.
Hiện nay, ở một số trường học vì muốn đảm bảo số lượng học sinh để hạn chế tối đa tỉ lệ học sinh bỏ học, và hạn chế học sinh có kết quả học tập yếu.
Nên, ngay từ đầu năm nhà trường cho giáo viên chủ nhiệm rà soát xem học sinh nào có “nguy cơ bỏ học” là viết tên bằng bút chì vào Sổ gọi tên ghi điểm, những em này chỉ được viết bằng bút mực khi năm học kết thúc mà các em không bỏ học.
Nếu học giữa chừng các em có tên viết bằng bút chì bỏ học như “dự kiến” thì giáo viên chủ nhiệm chỉ cần lấy cục gôm nhẹ nhàng xóa tên các em để không ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường.
Những em có điểm dưới trung bình thì giáo viên cũng không vào điểm sổ lớn theo qui định mà để trống hoặc nếu có vào thì giáo viên cũng phải “tính trước” để sau này khi sửa điểm không bị ảnh hưởng.
Đến cuối học kì, giáo viên cho các em kiểm tra lại hoặc sẽ sửa những điểm nhỏ thành những điểm lớn hơn.
Cách sửa phổ biến hiện nay là từ điểm 1 thành điểm 4 hoặc từ điểm 3 thành điểm 5 hoặc điểm 8.
Vì 2 số điểm này chỉ cần kéo thêm vài nét là thay đổi hẳn số điểm của học sinh mà cũng không dẫn đến việc bị phát hiện sửa điểm khi có thanh, kiểm tra của cấp trên.
Trong thực tế, nhiều em học sinh hiện nay học rất yếu. Các em mải mê chơi, đua đòi, gia đình lại cưng chiều, thầy cô thì cứ “nâng” điểm, nâng hạnh kiểm hết năm này đến năm khác thành ra các em đâu có sợ điều gì.
Sự khác biệt trong cách đánh giá học sinh giữa Việt Nam và Phần Lan, Nhật Bản |
Một số thầy cô cũng có tư tưởng là trong một khối, trong tổ mà điểm của đồng nghiệp cao hơn mình, học sinh xếp loại khá giỏi lớp khác nhiều hơn nên một số người đã tìm nhiều chiêu trò để nâng điểm học sinh để lấy thành tích đề phòng cuối năm không sợ bị ai phê bình, nhắc nhở.
Để xếp loại hạnh kiểm của học sinh phổ thông hiện nay trải qua nhiều bước.
Đầu tiên là lớp và chủ nhiệm xếp loại, sau đó đến các giáo viên bộ môn.
Nhưng, phần lớn thuộc về giáo viên chủ nhiệm xếp sao là giáo viên bộ môn kí tên và viết chữ “thống nhất với giáo viên chủ nhiệm” vào bảng xếp loại hạnh kiểm.
Bởi, mỗi năm các em học trên 10 môn học, cũng đồng nghĩa với chừng ấy thầy cô.
Nếu giáo viên nào không thống nhất và lưu ý những học học sinh chưa xứng đáng thì cũng chỉ là thiểu số trong danh sách “đồng thanh” kí vào.
Người ta căn cứ vào số nhiều giáo viên đồng ý nên một vài trường hợp lẻ loi cũng trở thành vô nghĩa.
Thiết nghĩ, “tình thương” của người thầy, của nhà trường là sự đánh giá chính xác, khách quan để các em nhìn nhận về thực tế của mình mà phấn đấu cho các năm học tiếp theo.
Nếu chúng ta cứ khoác cho các em chiếc “áo đồng phục” loại "Tốt" về hạnh kiểm và nương tay trong việc đánh giá chất lượng học tập để phần lớn học sinh trong lớp, trong trường xếp loại học lực khá giỏi mà trong thực tế thì thấp hơn rất nhiều thì e rằng rồi đây chất lượng giáo dục cứ mãi nhì nhằng và dậm chân tại chỗ như hiện nay.